Tin tức
Chuyên gia VPBankS: VN-Index sắp về đỉnh lịch sử, dòng vốn ngoại sớm nhận ra sức hấp dẫn

Chuyên gia VPBankS: VN-Index sắp về đỉnh lịch sử, dòng vốn ngoại sớm nhận ra sức hấp dẫn

14/07/2025

Banner PHS

Chuyên gia VPBankS: VN-Index sắp về đỉnh lịch sử, dòng vốn ngoại sớm nhận ra sức hấp dẫn

Chia sẻ tại chương trình Việt Nam và các chỉ số ngày 14/07, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS dự báo VN-Index sẽ sớm quay về vùng đỉnh lịch sử 1,500 - 1,545 trong năm nay. Một trong những động lực là dòng vốn ngoại quay trở lại mạnh mẽ với niềm tin thị trường sớm nâng hạng.

Những bước chân cuối trên hành trình tìm lại đỉnh lịch sử

Theo ông Sơn, VN-Index đang tiệm cận vùng đỉnh 1,500 - 1,545 của giai đoạn cuối năm 2021 đến đầu năm 2022. Với đà tăng mạnh mẽ hiện tại, việc vượt đỉnh lịch sử này chỉ là vấn đề thời gian, kỳ vọng vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay, thậm chí có thể đạt ngay cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 nếu dòng tiền nước ngoài tiếp tục giải ngân mạnh.

Tuần vừa qua (07 - 11/07) gợi nhớ đến giai đoạn tăng điểm mạnh mẽ những năm trước. Không chỉ điểm số tăng mạnh, thanh khoản cũng lập đỉnh mới với 6.1 tỷ cp giao dịch trên HOSE, cho thấy lực cầu rất mạnh. Bối cảnh vĩ mô quốc tế có thể đã biến động đầu năm nhưng đang dần ổn định. Trong nước, chính sách đang nới lỏng, luật mới hỗ trợ tăng trưởng cũng được ban hành. Câu chuyện nâng hạng cũng đang rất gần và nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng thể hiện niềm tin đó. Những yếu tố này củng cố cho đà tăng hiện tại.

Tuy nhiên, thị trường đang tiệm cận vùng cản mạnh quanh vùng Fibonacci 100% (1,480 - 1,545) nên có thể xảy ra rung lắc. Vì vậy, nhà đầu tư cần tránh FOMO các cổ phiếu đã tăng nóng. Có khoảng 4 chỉ báo kỹ thuật cho thấy VN-Index đã vào vùng quá mua, như RSI, William %R, CCI và Bollinger Band. Độ rộng thị trường cũng cho tín hiệu nóng, với khoảng 83% cổ phiếu trong VN-Index đã vượt MA50. Ngoài ra, khoảng 22% cổ phiếu có RSI trên 70, cao so với 4 năm trở lại đây. Những yếu tố này cho thấy thị trường có thể tiếp tục tăng nhưng dễ xuất hiện điều chỉnh kỹ thuật do chốt lời.

Theo ông Sơn, trong một xu hướng tăng mạnh như năm nay, nếu nhà đầu tư đang nắm giữ các nhóm ngành lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ tiêu dùng với giá vốn tốt thì nên để cho lãi “chạy”. Với sự đồng thuận mạnh như hiện tại, rất khó đoán được liệu cổ phiếu đã hết đà tăng hay chưa.

Nếu nhà đầu tư bán sớm ở lưng sóng có thể sẽ bỏ lỡ phần lớn lợi nhuận phía sau. Ông Sơn vẫn cho rằng nửa cuối năm nay sẽ có thêm những pha tăng nóng. Vì thế, nếu đang có vị thế tốt, dù có những pha điều chỉnh nhỏ, nhà đầu tư nên kiên nhẫn nắm giữ.

“Trong thị trường tăng, khó nhất không phải là gồng lỗ mà là gồng lãi. Nhiều người chịu lỗ rất giỏi, nhưng khi có lãi 5 - 10% lại vội chốt. Gồng lãi trong một xu hướng dài là kỹ năng quan trọng. Với cổ phiếu dẫn sóng, có nền tảng tốt, nên giữ đến khi có tín hiệu rõ ràng về cuối sóng” - ông Sơn chia sẻ.

Ông Sơn cho rằng, dấu hiệu cuối sóng thường là tin tốt liên tục được tung ra nhưng giá không tăng nữa, hoặc bắt đầu đi ngang với thanh khoản lớn kéo dài nhiều tuần, như vùng 1,500 - 1,545 trước đây, lúc đó mới nên nghĩ đến việc chốt lời. Còn hiện tại chưa cần vội, bởi từ giờ đến cuối năm còn nhiều câu chuyện hỗ trợ thị trường.

Còn với những nhà đầu tư chưa tham gia thị trường, có thể chờ các nhịp điều chỉnh để tìm điểm mua tốt hơn.

Dòng vốn ngoại sớm “đánh hơi” sự hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam

Trước nhiều hoài nghi về việc liệu đợt sóng nâng hạng vừa qua dựa trên kỳ vọng hay có cơ sở thực tế, với dẫn chứng cơ chế bù trừ trung tâm (CCP) đã được Quốc hội thông qua từ năm ngoái nhưng đến giờ vẫn chưa triển khai, ông Sơn đã có những chia sẻ xoay quanh chủ đề này.

Theo ông Sơn, Việt Nam thực tế đã có những cải thiện rõ nét về hệ thống giao dịch và hạ tầng công nghệ thông tin. Về mặt luật pháp cũng đã có tiến bộ như Nghị định 68 cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh mua cổ phiếu khi chưa có đủ tiền trên tài khoản (non-prefunding). Với những thay đổi này, Việt Nam đã đạt được 7 trên 9 tiêu chí quan trọng theo đánh giá của FTSE Russell để được nâng hạng.

Yếu tố thứ hai là hệ thống KRX đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2025. Việt Nam cũng đã đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài. Những bước này được FTSE Russell đánh giá cao.

Về vấn đề CCP, dù chưa triển khai thành công CCP, việc đưa KRX vào vận hành cũng là yếu tố tiệm cận với tiêu chuẩn FTSE Russell đề ra.

Một điểm cũng cần theo dõi là quy trình xử lý lỗi trong chu kỳ thanh toán. FTSE Russell nhấn mạnh rằng cần hoàn thiện quy trình xử lý khi xảy ra lỗi để đảm bảo không ảnh hưởng đến các bên liên quan. Điều này sẽ là yếu tố giúp họ đánh giá tích cực những thay đổi trong năm 2024 và nửa đầu 2025.

Ông Sơn cho biết vẫn kỳ vọng các thay đổi này là thực chất. Trong thời gian tới, hệ thống KRX có thể giúp rút ngắn thời gian thanh toán, áp dụng thêm nhiều sản phẩm tài chính mới. Với các tiêu chí đã đạt và những gì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính đã thực hiện, các tổ chức nước ngoài đánh giá Việt Nam rất cao. Gần đây Bloomberg cũng đăng bài so sánh Việt Nam ngang hàng với các quốc gia thuộc nhóm Mới nổi tại châu Á và Đông Nam Á, cho thấy vị thế thị trường Việt Nam đang được cải thiện trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Ông Sơn nhấn mạnh, trong khoảng thời gian từ trước, trong và sau khi nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài thường mua ròng mạnh. Điều này từng xảy ra tại Chile, UAE, Qatar, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út, Romania. Vì vậy, tín hiệu mua ròng gần đây đang củng cố niềm tin nâng hạng.

Ông Sơn cho rằng Việt Nam đã đủ điều kiện để được nâng hạng trong tháng 9 này, xác suất đạt 70%. Nếu có rủi ro hay lỗi chưa đáp ứng đủ, thì khả năng chỉ bị lùi sang tháng 3 năm 2026.

Ông Trần Hoàng Sơn chia sẻ tại chương trình Việt Nam và các chỉ số ngày 14/07

Trả lời cho câu hỏi tại sao nhà đầu tư nước ngoài quay lại Việt Nam gần đây, ông Sơn cho rằng đến từ nhiều yếu tố. Đầu tiên từ ngày 02/07 - ngày Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối với Việt Nam và nhiều quốc gia khác - dòng vốn ngoại đã quay trở lại mạnh mẽ. So sánh mức thuế với 22 quốc gia mà ông Trump gửi thư, Việt Nam thuộc thấp nhất, ngang với Philippines và có thể là Ấn Độ (đang đàm phán). Trong khi đó, các quốc gia khác ở châu Á, châu Âu và châu Phi có mức thuế cao hơn, đặc biệt châu Âu ở mức trên 30%. Điều này khiến Việt Nam trở thành điểm đến cạnh tranh trong khu vực.

Yếu tố khác ngoài nâng hạng và thuế quan là kỳ vọng về các đợt IPO và niêm yết mới. Theo thống kê, tổng giá trị các thương vụ IPO có thể lên đến 47.5 tỷ USD, ví dụ TCBS sẽ IPO 231 triệu cp từ quý 3/2025 đến quý 1/2026, hay trước đó Vinpearl đã niêm yết với giá trị khoảng 2 tỷ USD.

Sau thương vụ Vinpearl, thị trường đã bước vào một sóng tăng mạnh. Giai đoạn này rất giống với năm 2016 - 2017, khi IPO và chuyển sàn diễn ra sôi động, tạo ra sóng lớn trên thị trường. Có thể nửa cuối năm nay và đầu năm sau sẽ là giai đoạn bứt phá từ cổ phiếu IPO và niêm yết mới, thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

“Gần 10 năm rồi Việt Nam mới có câu chuyện nhiều doanh nghiệp dự kiến IPO và niêm yết như hiện nay. Điều này mở ra cơ hội mới, đặc biệt khi hàng hóa mới luôn là yếu tố hấp dẫn với dòng vốn ngoại” - ông Sơn chia sẻ.

Huy Khải

FILI - 18:22:57 14/07/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng