CK Châu Á gánh chịu ảnh hưởng từ động thái của Trung Quốc
Đáng chú ý, chỉ số Shanghai của Trung Quốc lao dốc gần 3% sau khi bài phát biểu tối ngày Thứ Ba của Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát đi thông điệp rằng dòng chảy tín dụng lỏng lẻo sẽ tiếp tục bị khống chế.
Những nhận xét trong bài phát biểu này cũng tương tự như những ý kiến trước đây của chính phủ về tín dụng sau khi Trung Quốc có ý định hạn chế hoạt động cho vay tại các ngân hàng. Tuy nhiên điều này khiến nhà đầu tư càng thêm hoang mang bởi kết quả kinh doanh kém khả quan từ các công ty Mỹ cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn chậm và không đồng nhất.
Kết thúc phiên giao dịch chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 27.38 điểm (0.3%) xuống 10,737.52 điểm. Đặc biệt, cổ phiếu của Hãng hàng không Nhật (JAL) “thả phanh” 60% còn 2 JPY sau khi hãng đệ đơn xin bảo hộ phá sản hôm Thứ Ba. Theo dự kiến, cổ phiếu của JAL sẽ bị hủy niêm yết vào ngày 20/02.
Chỉ số Shanghai của Trung Quốc hạ 2.9% lùi về mức 3,152 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng bị ảnh hưởng mạnh khi giảm 392 điểm (1.81%) xuống 21,286 điểm.
Tại các thị trường khác, các chỉ số Straits Times của Singapore, Taiex của Đài Loan và SET của Thái Lan lần lượt mất 0.62%, 0.34% và 0.76%. Tuy nhiên, chỉ số Kospi của Hàn Quốc đi ngược với xu hướng thị trường khi tăng 0.24% lên 1,714.38 điểm, chỉ số Sensex của Ấn Độ cộng 0.07% lên 17,499 điểm.
Giá dầu tại Châu Á giảm do những dự đoán ảm đạm về lượng dầu thô tồn kho tại Mỹ. Hợp đồng dầu thô giao Tháng 2 giảm 68 cent còn 78.64 USD/thùng.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tăng từ 91.11 JPY/USD lên 91.17 JPY/USD. Đồng EUR giảm từ 1.4291 USD/EUR xuống 1.4195 USD/EUR.
Mở đầu phiên giao dịch tại Châu Âu, các chỉ số FTSE 100 của Anh và DAX của Đức lần lượt hạ 0.20% và 0.22%. Trong khi đó, thị trường tương lai Mỹ ra dấu cho phiên giảm điểm nhẹ. Chỉ số S&P tương lai giảm 3 điểm (0.3%) xuống 1,142.70 điểm.
Uy Danh (Theo AP)