Cổ phần hóa DN nhà nước: không có vùng giới hạn
Các tổng công ty nhà nước sẽ được CPH như thế nào? Làm sao để CPH các tổng công ty đạt được mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh?
Các tổng công ty nhà nước sẽ được CPH như thế nào? Làm sao để CPH các tổng công ty đạt được mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh?
Trao đổi với ông Hồ Xuân Hùng, phó ban chỉ đạo sắp xếp và đổi mới DNNN.
* Tại Hội nghị về đổi mới sắp xếp DNNN năm ngoái, Chính phủ đã yêu cầu đẩy nhanh và hoàn thành CPH một số tổng công ty ngay trong năm 2004 nhưng việc này vẫn chưa có “ông lớn” nào làm xong. Tại sao vậy, thưa ông?
- CPH các tổng công ty có nhiều điểm rất khác CPH một DN bởi vì một tổng công ty thường có nhiều thành viên, bây giờ bảo CPH thì CPH toàn bộ hay CPH từng phần? Các qui định của Chính phủ về vấn đề này cũng chưa từng có, ví dụ như văn bản hướng dẫn về CPH trước đây là nghị định 64 hoàn toàn không nói CPH tổng công ty là như thế nào, cách CPH ra sao nên bây giờ phải tính lại khung pháp lý. Vướng như thế nên công việc tiến hành chậm.
Để đảm bảo thành công, Chính phủ đã xác định rõ là làm thí điểm tốt rồi mới nhân rộng ra các tổng công ty khác. Cho nên vừa rồi Chính phủ đã quyết định chọn thí điểm ở một số tổng công ty nhưng mới chỉ quyết định phê duyệt cho làm trước tiên là với Tổng công ty Xây dựng công nghiệp, Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng (Vinaconex), Tổng công ty Thương mại và xây dựng (Bộ Giao thông vận tải), Tổng công ty Điện tử và tin học (Bộ Công nghiệp). Hiện nay còn có thêm Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đề nghị cho làm thí điểm.
* Có quyết định lựa chọn rồi nhưng đến bao giờ các tổng công ty này mới CPH, thưa ông, bởi vì những DN này Chính phủ đã tuyên bố sẽ CPH từ năm ngoái nhưng bây giờ vẫn chưa thấy động tĩnh gì?
- Trong số này, đến nay Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt CPH đối với Tổng công ty Thương mại và xây dựng, Tổng công ty Điện tử - tin học, còn Vinaconex đang hoàn tất những khâu cuối cùng. Bước cơ bản như vậy là đã hoàn thành nên với những tổng công ty này, Chính phủ đã đặt mục tiêu trong nửa đầu năm 2005 phải hoàn thành việc CPH.
Trong số những “anh” năm ngoái Chính phủ đã nêu tên sẽ CPH, chỉ còn Ngân hàng Ngoại thương VN là còn vướng một chút, nhưng vừa qua đích thân Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghe báo cáo đề án và chỉ đạo trực tiếp nên tới đây cũng sẽ được đẩy mạnh. Trường hợp của ngân hàng này chậm là do có khúc mắc trong việc chọn phương án định giá, bây giờ Phó thủ tướng chỉ đạo rồi chắc sẽ nhanh hơn.
Tôi nghĩ CPH các tổng công ty phải thận trọng vì còn phải làm nhiều tổng công ty lớn hơn nữa nên phải có bước đi. Nguyên nhân chính khiến thời gian qua chúng ta chậm là vì chưa có qui định. Và vừa làm, vừa thí điểm nên Chính phủ cho rằng phải hết năm nay mới sơ kết được việc CPH các tổng công ty để làm mạnh hơn trong những năm tiếp theo.
* Sơ kết rồi sẽ mở rộng ra đối với tất cả các tổng công ty?
- Mở ra nhiều, ví dụ như từ 80 tổng công ty 90 sẽ CPH toàn tổng công ty hoặc CPH tất cả các DN thành viên. Hình thức cũng có nhiều: từ bán một phần giá trị cho đến giữ nguyên giá trị, phát hành thêm cổ phiếu... Tuy nhiên cũng có những ngành nghề mà trước mắt sẽ chưa CPH toàn bộ tổng công ty được, ví dụ như các tổng công ty 91 của Chính phủ như Dệt may, Ximăng, Hàng không, Dầu khí, Hóa chất, Điện lực...
* Tức là sẽ vẫn có những khu vực “giới hạn”?
- Trong số các “anh” này cũng có những “anh” như Dầu khí, Bưu chính - viễn thông sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình tập đoàn, khi đó cũng phải sắp xếp, cơ cấu lại. Có những cái chúng ta phải thận trọng. Và nói không CPH toàn bộ không có nghĩa là được “để yên”. Các DN thành viên của những tổng công ty này sẽ vẫn phải CPH, còn “tổng” thì cũng phải sắp xếp, cơ cấu lại để rồi tất cả chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.
* Trước đây chúng ta đã có một cuộc sắp xếp để chuyển những liên hiệp xí nghiệp thành tổng công ty 90, 91. Nhưng việc chuyển đổi chỉ mới mang tính hình thức để rồi bây giờ không có hiệu quả nên lại chuyển đổi mô hình một lần nữa. Liệu có thoát khỏi cách làm kiểu “hình thức” như trước được không, thưa ông?
- Đến thời điểm này, tôi nghĩ rằng chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm để tránh được bệnh hình thức. Mô hình công ty mẹ - công ty con như thế nào các chuyên gia của chúng ta đã phải đi rất nhiều, nghiên cứu rất kỹ rồi. Nó là một xu hướng tất yếu và bây giờ chúng ta cũng phải làm, không khác được.
Còn để tránh kiểu hình thức, vấn đề cơ bản đã được xác định là chuyển đổi như thế nào để “mẹ ra mẹ, con ra con”. “Mẹ” phải mạnh, phải đủ lực để nắm được hết các “con”, chỉ đạo được các “con” chứ không phải dựa vào “con”. Làm được như thế thì hiệu quả của mô hình công ty mẹ - công ty con mới phát huy hiệu quả được.
* Tập đoàn kinh tế, theo các nhà kinh tế, là mầm mống cho sự hình thành độc quyền. Có cách nào lý giải được chuyện trong khi khẳng định quyết tâm chống độc quyền thì chính Chính phủ lại chỉ đạo thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh từ chính những “ông độc quyền” hiện nay không, thưa ông?
- Rõ ràng nói đến các tập đoàn là phải nghĩ đến độc quyền. Nhưng trước mắt, do yêu cầu hội nhập vào WTO nên VN cũng phải có những tập đoàn kinh tế đủ sức cạnh tranh. Chính vì thế Chính phủ đã chỉ đạo phải hình thành các tập đoàn về dầu khí, bưu chính - viễn thông. Có những cái chúng ta phải cân nhắc sao cho có lợi nhất. Và ngay cả khi đã hình thành các tập đoàn này, Chính phủ vẫn có những biện pháp để họ không vì thế mà lợi dụng độc quyền để thu lợi cho riêng họ, gây thiệt hại cho người dân.
* Mô hình tập đoàn được Hàn Quốc, Nhật Bản áp dụng trong khi tại Singapore và Đài Loan, các DN qui mô vừa và nhỏ vẫn khẳng định được khả năng cạnh tranh tốt kể cả khi đã hội nhập kinh tế với thế giới toàn diện hơn ta rất nhiều. Tại sao chúng ta lại không chọn cách đấy?
- Vào thời điểm này, mô hình đó áp dụng với chúng ta là không phù hợp. Bởi vì tuy nói là nhỏ nhưng vốn của DN họ cũng lớn hơn DN cỡ vừa của mình, công nghệ, các thị trường khác của họ cũng đã phát triển ở cấp độ cao hơn. Khi VN tiến đến một cấp độ phát triển cao hơn, vấn đề này có thể sẽ được xem xét và điều chỉnh sao cho đem lại hiệu quả cao nhất. Ngay cả với các tập đoàn của mình, tôi nghĩ rằng có khi chỉ 10 năm nữa là Chính phủ sẽ phải tính đến chuyện sao cho hạn chế bớt các tập đoàn để chống độc quyền. Nhưng đấy là bài toán về sau, còn bây giờ chúng ta phải tập trung lực lại mới có thể đảm bảo khả năng cạnh tranh được.
* Năm 2005, việc CPH các tổng công ty lớn, nhất là các tổng công ty trong những lĩnh vực độc quyền của Nhà nước sẽ tiến hành thế nào?
- Phần lớn các DN thành viên của các tổng công ty lớn sẽ phải được CPH. 18 tổng công ty 91 sẽ cơ cấu lại và tính toán CPH trong giai đoạn sau, còn trong số 80 tổng công ty 90 có 19 tổng công ty sẽ giữ lại ở mức hiện nay, số còn lại sẽ tính CPH ở mức toàn tổng công ty. Số lượng lớn như thế nên chắc chắn sẽ phải làm rất mạnh. Quan trọng nhất là phải sớm hoàn tất CPH các DN thành viên tổng công ty.
TTCN