Tin tức
Cổ phần hóa MHB: Đường còn dài!

Cổ phần hóa MHB: Đường còn dài!

03/04/2006

Banner PHS

Cổ phần hóa MHB: Đường còn dài!

Các cơ quan quản lý vẫn chưa thống nhất hướng giải quyết khó khăn cuối cùng. Con đường cổ phần hóa ngân hàng quốc doanh minh bạch nhất vẫn còn rất dài…

Các cơ quan quản lý vẫn chưa thống nhất hướng giải quyết khó khăn cuối cùng. Con đường cổ phần hóa ngân hàng quốc doanh minh bạch nhất vẫn còn rất dài…

 

Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) được đánh giá minh bạch nhất trong số các tổ chức tín dụng quốc doanh do mới thành lập năm 1997, quy mô hoạt động chưa lớn, nợ quá hạn thấp. Thế nhưng, việc cổ phần hóa MHB diễn ra rất chậm chạp và cho đến giờ vẫn chưa đi được bao nhiêu đoạn đường.

 

Dưới đã xong, trên vẫn rối

 

Khác với Vietcombank, MHB không phải trải qua một bước cơ bản trước khi cổ phần hóa là cơ cấu lại tài chính. Vietcombank phải phát hành trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo thông lệ quốc tế 8%.

 

Nhưng ở MHB, tỷ lệ an toàn vốn tới 12,92%. Nợ quá hạn của ngân hàng trên tổng dư nợ, tính theo tiêu chuẩn quốc tế là 2,78%. MHB là ngân hàng duy nhất trong số năm ngân hàng quốc doanh ba năm gần đây tiến hành kiểm toán quốc tế theo chuẩn quốc tế (do Ernst & Young kiểm toán).

 

Thận trọng hơn, Hội đồng Quản trị MHB đã thuê hai công ty kiểm toán, một nước ngoài, một trong nước, kiểm toán theo cả chuẩn Việt Nam, và quốc tế. Kết quả là năm 2005, theo kiểm toán Việt Nam MHB lãi trước thuế 73 tỉ đồng. Còn theo Ernst & Young, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng lại lên tới 83 tỉ đồng!

 

Do đã được kiểm toán quốc tế, việc xác định giá trị doanh nghiệp của MHB sẽ trở nên đơn giản.

 

Mặt khác, trong hai năm 2003-2004 ngân hàng đã thực hiện hai dự án, một của Ngân hàng Thế giới (WB), một của Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ, đánh giá lại toàn bộ hoạt động.

 

Tuy nhiên, theo đề án cổ phần hóa đã được Ngân hàng Nhà nước soạn thảo, MHB cũng vẫn sẽ thuê tổ chức tư vấn quốc tế thông qua đấu thầu. “Từ năm ngoái chúng tôi đã mời chào tư vấn thông qua trang web của WB. Kết quả đã có 14 định chế tài chính quốc tế, trong đó có cả Deutsche Bank, ING (Hà Lan), Rothschild... liên hệ với MHB. Tuần tới, chúng tôi sẽ trình danh sách tư vấn này lên Ban Chỉ đạo cổ phần hóa ngân hàng và sẽ gửi mời tham dự thầu tới tất cả 14 đối tác”, ông Huỳnh Năm Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MHB, cho biết.

 

Ông Dũng hy vọng nếu danh sách tổ chức tư vấn do ngân hàng đề xuất được Ban Chỉ đạo cổ phần hóa chấp nhận, thì dự kiến MHB có thể phát hành cổ phiếu vào quý IV/2006. Sau khi nhà tư vấn được chọn, việc tư vấn sẽ không kéo dài quá ba tháng.

 

Trên thực tế, số lượng cổ phiếu mà MHB phát hành lần đầu ra công chúng không nhiều như của Vietcombank. Chủ trương của Chính phủ là giữ nguyên phần vốn nhà nước tại Vietcombank và MHB và phát hành thêm lần đầu số cổ phiếu tối đa tương đương 30% giá trị doanh nghiệp.

 

MHB hiện có vốn điều lệ 700 tỉ đồng, vốn tự có 850 tỉ đồng. Như vậy về cơ bản, những gì cần làm để đẩy nhanh cổ phần hóa, MHB đã làm. Còn lại duyệt phương án cổ phần hóa, phê duyệt tư vấn, chi phí tư vấn sẽ do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện.

 

Tuy nhiên, được biết, việc hoàn thiện và trình Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa hai ngân hàng này có thể kéo dài đến tận tháng 10/2006.

 

Tắc ở đâu?

 

Cổ phần hóa MHB và Vietcombank đang tắc ở đâu? Đến nay, hai ngân hàng đã xong phần chuẩn bị để thực hiện kiểm kê, đối chiếu, phân loại tài sản công nợ, xử lý tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp.

 

MHB không phải xử lý nợ quá hạn phức tạp, nhưng việc kiểm kê, đối chiếu công nợ của ngân hàng khác nhiều so với các doanh nghiệp khác. Ngân hàng không thể gặp từng khách hàng cá nhân để kiểm tra, đối chiếu nợ (tiền gửi tiết kiệm), cũng không thể yêu cầu từng người ký xác nhận gửi ở ngân hàng bao nhiêu tiền khi họ tham gia mua trái phiếu, kỳ phiếu vô danh.

 

Để tháo gỡ khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước phải dự thảo văn bản hướng dẫn kiểm kê, đối chiếu, phân loại tài sản và gửi Bộ Tài chính để thống nhất xử lý. Dự thảo đã có, nhưng hai cơ quan chủ quản tài chính - ngân hàng chưa thể cùng thảo luận để thống nhất ban hành. Vietcombank cũng như MHB tiếp tục đợi!

 

Ra đời muộn, điểm xuất phát thấp, MHB có tốc độ tăng trưởng tổng tài sản có trong vòng năm năm trở lại đây nhanh hơn các ngân hàng khác. Tổng tài sản có của ngân hàng đạt 12.700 tỉ đồng năm 2005, tăng trung bình 50%/năm, đứng thứ sáu trong các ngân hàng Việt Nam. Vốn huy động đến cuối tháng 12/2005 tăng 54%, dư nợ tăng 42% so với năm trước đó, gấp hai lần tốc độ tăng chung của cả ngành. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng gấp đôi.

 

MHB đang nắm trong tay hơn 100 chi nhánh, phòng giao dịch. Mạng lưới chi nhánh của MHB đứng thứ ba ở ĐBSCL, chỉ sau Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Trước mắt, MHB chưa có nhu cầu tăng vốn ngay, nhưng từ năm 2007 trở đi nếu vẫn giữ đà tăng tổng tài sản có như hiện nay, MHB sẽ phải tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Việc cổ phần hóa, do đó, về lâu dài là cần thiết cho MHB.

 

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tăng vốn, cổ phần hóa sẽ giúp MHB có một cơ chế để đổi mới quản trị ngân hàng.

 

“Quản trị là thách thức lớn nhất đối với chúng tôi vì sắp tới cạnh tranh không chỉ gay gắt giữa các ngân hàng trong nước, mà giữa ngân hàng nội địa với nước ngoài khi các hạn chế dịch vụ được bãi bỏ”, ông Dũng nhấn mạnh.

 

Hoạt động tín dụng của MHB tương đối lành mạnh, cho vay doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 6% tổng dư nợ. Song, MHB đang gặp khó khăn về nhân lực. Với cơ chế tiền lương áp dụng cho ngân hàng quốc doanh, MHB không những không tìm được nhân viên giỏi, mà còn đang bị “chảy máu chất xám”.

TBKTSG

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng