Tin tức
Có tiếp tục mua vào chứng khoán?

Có tiếp tục mua vào chứng khoán?

09/07/2010

Banner PHS

Nhà đầu tư nước ngoài

Có tiếp tục mua vào chứng khoán?

Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 382 triệu USD trên cả hai sàn trong sáu tháng đầu năm, nhưng gần đây đã xuất hiện hiện tượng bán ròng một số phiên. Chứng khoán Việt Nam có còn được xem là hấp dẫn đối với nước ngoài?

Nhìn lại các tháng 4 – 5, lúc thị trường khó khăn do áp lực bán giải chấp, thì lực mua đều đặn của các nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần tạo thanh khoản cho thị trường.

Từ tài chính sang bất động sản

Thị trường sáu tháng nay vẫn khó khăn thanh khoản, với giá trị giao dịch mỗi phiên chỉ đạt 2 – 3 ngàn tỉ đồng, bằng một nửa so với những tháng cuối năm ngoái. Trong đó, giá trị giao dịch của khối ngoại chiếm 8,91% giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường.

Từ đầu năm đến nay, ngân hàng Nhà nước cho hay, vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) chuyển ròng vào Việt Nam đạt 350 triệu USD. Theo phó chủ tịch HĐQT một quỹ đầu tư trong nước, xét trên tương quan với giá trị giao dịch của khối ngoại trong sáu tháng, việc các quỹ nước ngoài hầu như không huy động thêm được đồng nào, lượng tiền mới này là không nhỏ.

Từ quỹ nước ngoài chuyên đầu tư vào chứng khoán đến các quỹ nước ngoài đầu tư vào công ty tư nhân tại Việt Nam đều không còn nhiều tiền mặt. Việc huy động vốn mới vẫn rất chật vật. Sở dĩ khối ngoại giao dịch trên sàn khá đều bởi nguồn vốn từ các quỹ ngắn hạn, các quỹ đầu cơ với luồng tiền ra vào cơ động; một phần từ P-notes (gói danh mục Citigroup, HSBC... phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư trực tiếp vào quỹ đầu tư vào Việt Nam); và vì các quỹ tái cơ cấu danh mục, thậm chí lướt sóng.

Trong thời gian trên, nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển “khẩu vị” sang bất động sản và cổ phiếu nhóm hàng thực phẩm, ngược lại nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng bị bán ra mạnh. Lý do là các quỹ phải cơ cấu danh mục mới có tiền đầu tư, trong khi cổ phiếu nhóm tài chính lại giảm giá mạnh hơn một năm qua. Đơn cử, từ cuối quý 1 đến nay, VOF đã nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu bất động sản từ 12,3% lên 13,6%, bán ra cổ phiếu OTC và Eximbank. Dragon đã bán ra hơn 19 triệu cổ phiếu Sacombank và 10% cổ phần VPB, mua vào 7,5% cổ phần Sacomreal. Ông Phạm Nguyên Vinh, giám đốc phát triển kinh doanh của Dragon cho biết, đích ngắm là cổ phiếu bất động sản và các dự án bất động sản tiềm năng, bên cạnh ngành tiêu dùng, cao su tự nhiên và dịch vụ phần mềm.

Dù vậy, ông cho rằng, về lâu dài, ngành dịch vụ tài chính vẫn hấp dẫn. Đó là lý do dù bị bán ra mạnh, room (ở đây là tỷ lệ được mua) cổ phiếu ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn kín.

Việt Nam vẫn hấp dẫn

Theo Bloomberg, P/E 2009 Việt Nam bằng một nửa mức trung bình các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện với P/E khoảng 11 – 12x, Việt Nam đang hấp dẫn so với các thị trường khác của khu vực.

Tuy nhiên, việc không có thêm nguồn vốn mới, trong khi giá cổ phiếu blue-chips trong danh mục không biến động nhiều, khiến các quỹ nước ngoài không chỉ khó mua khó bán, mà còn không thể hiện được sự dẫn dắt thị trường như trước khi có khủng hoảng.

Nhằm chứng minh với cổ đông khả năng đem lại lợi nhuận, nhiều quỹ đã đi lướt sóng. Tuy nhiên, giám đốc kinh doanh một quỹ đầu tư nước ngoài than rằng, càng ngày ông càng thấy khó mua khó bán: đầu tư cổ phiếu blue-chips thì giá cao, vốn bị “đuối” dần; cứ mua cổ phiếu ngân hàng là lỗ, giá không lên nổi; còn lướt sóng những cổ phiếu nhỏ và trung, thanh khoản nhưng chỉ số tài chính xấu thì ông khó giải thích với cổ đông.

Theo báo cáo của LCF Rothschid, tính đến ngày 14.6, bình quân tỷ suất sinh lời đáo hạn tại thời điểm báo cáo (YTD) của các quỹ tham gia trên thị trường Việt Nam là giảm gần 5%, trong khi VN-Index chỉ giảm 0,8%. Trong đó, giá trị tài sản ròng (NAV) của Fullerton giảm 5,4%, Vietnam Dragon giảm 10,7%, VEIL giảm 13,7%,…

Theo một chuyên gia, NAV giảm sẽ thúc đẩy các quỹ đầu tư dài hạn tiếp tục tái cấu trúc danh mục đầu tư, mà cổ phiếu bất động sản và góp vốn công ty địa ốc đang được các quỹ chú ý. Ngoài ra, xu hướng lướt sóng để tìm lợi nhuận sẽ tiếp tục phổ biến. Việc một số ngân hàng chuẩn bị lên niêm yết như ngân hàng Quân đội với 530 triệu cổ phiếu; Miền Tây, Nam Việt với 100 triệu cổ phiếu mỗi ngân hàng có thể là động lực mua cho nhà đầu tư nước ngoài, nhất là cho vài quỹ đang huy động vốn mới; như HongLeong kết hợp với VAM huy động 40 triệu USD đầu tư 90% vào cổ phiếu niêm yết…

Theo giới đầu tư, động thái mua bán sắp tới của nhà đầu tư ngoại là khó đoán, khi về dài hạn còn phụ thuộc vào diễn biến tái cấu trúc nợ công của thế giới, còn trong ngắn hạn thị trường đang “nín thở” chờ số phận quỹ VEIL của Dragon.

Hồng Sương

sài gòn tiếp thị

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng