Công ty phân phối kê vốn ảo bị bác đơn khiếu nại
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã chính thức bác toàn bộ khiếu nại của CTCP Phân phối Top One (UPCoM: TOP), đồng thời giữ nguyên kết luận truy tố nhóm cựu lãnh đạo vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Doanh nghiệp từng "thổi vốn" lên hơn 250 tỷ đồng giờ đang đối mặt khủng hoảng toàn diện, cổ phiếu bị kẹt ở mức 1,000 đồng/cp, chỉ giao dịch 1 phiên mỗi tuần.
![]() Cơ quan cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Hữu Khá và Đinh Văn Tạo đầu năm 2024 - Nguồn: CAHG
|
Theo thông báo vừa công bố, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại CTCP Phân phối Top One trong giai đoạn 2015-2022 sang Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang, đề nghị truy tố các bị can gồm Đinh Văn Tạo, Nguyễn Hữu Khá, Đỗ Xuân Long và Vũ Thái theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Đến ngày 15/05, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định không chấp nhận đơn khiếu nại của Top One. Quyết định khẳng định quá trình điều tra đã thu thập đầy đủ chứng cứ cho thấy các bị can, trong đó có 2 cựu Chủ tịch HĐQT là ông Đinh Văn Tạo và Nguyễn Hữu Khá đã có hành vi gian dối, nâng khống vốn điều lệ, lập khống hồ sơ đưa Top One trở thành công ty đại chúng. Cả 2 còn công bố thông tin sai lệch về tình hình góp vốn, bán cổ phiếu "khống" trên sàn để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Viện Kiểm sát tối cao nhấn mạnh các hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội phạm, do đó quyết định thay đổi quyết định khởi tố ngày 10/12/2024 và giữ nguyên kết luận giải quyết khiếu nại ngày 19/01/2025 của cấp tỉnh là có căn cứ pháp luật.
Doanh nghiệp "bề ngoài lấp lánh" với loạt công ty ma
Top One thành lập năm 2013 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng, nhưng đến năm 2016 đã nâng vốn lên 253.5 tỷ đồng, đồng thời công bố hàng loạt thương vụ đầu tư vào các đơn vị sản xuất, chế biến như CTCP Chế biến rau củ quả và thảo dược Nam Hà - một doanh nghiệp được quảng bá có nhà xưởng, dây chuyền chế biến, cây xăng, bến phà. Tuy nhiên, sau này, Ban lãnh đạo mới phát hiện đây chỉ là công ty "ma", được lập ra để hợp thức hóa dòng tiền bị tham ô bởi các cựu lãnh đạo.
Các khoản đầu tư khác như tại CTCP Lâm nông sản thực phẩm Hà Giang hay CTCP Chăn nuôi Hà Giang 1, 2 cũng dần được thoái vốn. Lãnh đạo hiện tại cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi các biện pháp pháp lý để thu hồi số tiền thất thoát, đồng thời tái cấu trúc hoạt động kinh doanh.
Kinh doanh kiệt quệ, cổ phiếu cắm mốc "trà đá"
Về kết quả kinh doanh, Top One lỗ ròng gần 88 tỷ đồng năm 2020, sau đó hoạt động gần như đình trệ. Năm 2022, Công ty không có doanh thu, lỗ hơn 600 triệu đồng. Theo BCTC tự lập, năm 2023, doanh thu vỏn vẹn 478 triệu đồng, lỗ 389 triệu đồng. Năm 2024 lãi nhẹ gần 165 triệu đồng nhờ doanh thu tài chính, dù doanh thu chỉ hơn 21 triệu đồng.
Quý 1/2025, TOP đạt doanh thu gần 7 triệu đồng nhưng lỗ gộp 1.2 triệu đồng do bán hàng dưới giá vốn, và lỗ ròng 43 triệu đồng. Tính tới ngày 31/03/2025, Công ty đang lỗ lũy kế hơn 91 tỷ đồng.
Bức tranh kinh doanh ảm đạm của TOP | ||
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu TOP thuộc diện bị hạn chế giao dịch do chậm nộp BCTC kiểm toán và bán niên liên tục trong các năm 2022-2024. Hệ quả là mã này chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần, thanh khoản gần như "đóng băng", đứng im tại mốc 1,000 đồng/cp.
Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Ngọc Dưỡng - Chủ tịch đương nhiệm - vừa đăng ký bán 570,000 cp TOP từ ngày 16/05-13/06 để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân, ước thu về khoảng 570 triệu đồng. Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Dưỡng sẽ giảm mạnh từ 2.4% xuống chỉ còn 0.15%.
Diễn biến giá cổ phiếu TOP | ||
Thế Mạnh