Đà Nẵng: Ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp
Định hướng mới sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư, nhưng có thể sẽ là thách thức không nhỏ cho chính quyền địa phương trong một giai đoạn nhất định, khi phải chấp nhận “hy sinh” chỉ số phát triển công nghiệp.
Đầu năm nay, đoàn công tác của Tập đoàn Intel do ông Navin Shenoy, Phó chủ tịch Tập đoàn, kiêm Tổng giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại TP. Đà Nẵng. Tại buổi tiếp đoàn, UBND Thành phố đã đề nghị Intel tìm hiểu đầu tư vào Khu công nghiệp Công nghệ thông tin Đà Nẵng mà Thành phố đang kêu gọi đầu tư. Điều này thể hiện rất rõ quyết tâm của Thành phố trong việc xác định hướng đi chủ đạo về thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trong những năm tới.
Trước đó khoảng 1 năm, khi chủ trì tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng 2009, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã tập trung giới thiệu, xúc tiến đầu tư vào Khu công nghiệp công nghệ cao (KCN-CNC) Đà Nẵng. Diễn đàn đã đúc kết nhiều ý kiến quan trọng trong việc xây dựng hướng phát triển cho lĩnh vực công nghiệp tại Đà Nẵng, trong đó lựa chọn ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện môi trường... là định hướng thu hút đầu tư.
Xét về tiềm năng, TP. Đà Nẵng có lợi thế rất lớn, là điểm cuối của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, là cửa ngõ hướng biển kết nối với những quốc gia phát triển, có hệ thống cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển, giao thông... được đánh giá là đồng bộ nhất Việt Nam hiện nay. Vì vậy, Dự án KCN-CNC Đà Nẵng sẽ mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực này.
Theo quy hoạch ban đầu, TP. Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng KCN-CNC trở thành một trung tâm phát triển, nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm CNC hàng đầu tại Việt Nam, đủ khả năng thực hiện và hỗ trợ các lĩnh vực CNC. Qua đó, Thành phố sẽ thu hút các công ty đa quốc gia lớn nắm các công nghệ then chốt và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và chuyển giao công nghệ cho các công ty trong nước, cũng như tạo môi trường an ninh, hỗ trợ và hợp tác giữa khu CNC, KCN-CNC, vườn ươm, các công ty công nghệ tăng trưởng cao và mới khởi nghiệp...
Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho rằng, để hình thành và định hướng kêu gọi đầu tư vào KCN-CNC này, cần phải có thời gian để tìm hiểu, xây dựng hướng phát triển sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. “Sở dĩ Đà Nẵng hướng đến mô hình KCN-CNC, mà không tập trung theo mô hình CNC như một số địa phương khác, bởi vì theo mô hình này, Đà Nẵng có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chí về khoa học công nghệ tiên tiến và đảm bảo cả tiêu chí công nghệ sạch theo định hướng phát triển Thành phố môi trường”, ông Minh nói.
TP. Đà Nẵng hội đủ khả năng để thu hút những nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Trước hết, đây là một thị trường đầy tiềm năng dọc tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, sông Mê Kông với điểm cuối là TP. Đà Nẵng. Ngoài ra, qua cảng Đà Nẵng, các doanh nghiệp có thể hướng tới những thị trường lớn hơn như Đông Á, châu Âu hay châu Mỹ… Nếu xét về nguồn nhân lực phục vụ những dự án công nghệ trong tương lai, Đà Nẵng cũng như miền Trung, bao gồm các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bình Định, đang có những trường đại học lớn, đủ khả năng cung cấp một lượng lớn cán bộ kỹ thuật sau này.
Định hướng ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp sạch, có hàm lượng chất xám cao đã được Đà Nẵng khởi động từ trước. Tiên phong là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ FPT đã đăng ký đầu tư 952 triệu USD, để xây dựng Khu đô thị công nghệ FPT trên diện tích 181 ha tại phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Nhiều khả năng, khi dự án này chính thức hoàn thiện, ngoài việc cung ứng gần 10.000 lao động kỹ thuật và thu hút rất nhiều chuyên gia quốc tế tham gia, đây có thể tạo nền tảng ban đầu để thu hút những tập đoàn viễn thông quốc tế lớn đến tìm cơ hội đầu tư, như IBM…
Ngoài ra, Đà Nẵng còn xây dựng thương hiệu thành phố phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin thông qua việc đầu tư Trung tâm Công nghệ phần mềm Đà Nẵng chuyên đào tạo những cán bộ kỹ thuật xuất sắc về công nghệ thông tin cũng như sản xuất những phần mềm có tính ứng dụng cao. Theo chủ trương của Thành phố, Trung tâm cũng đang xúc tiến đầu tư Dự án Công viên phần mềm, với vốn đầu tư dự kiến khoảng 30 triệu USD…
Trong những năm trước, trước yêu cầu phát triển, Đà Nẵng đã quy hoạch xây dựng những khu công nghiệp tại ngoại thành. Tuy nhiên, khi Thành phố nhận ra điểm mạnh của mình chính là những ngành dịch vụ gắn liền với biển, trong đó du lịch nghỉ dưỡng và thương mại có vai trò hậu cần cho ngành dịch vụ không khói, thì chiến lược phát triển của Thành phố cũng đã có nhiều thay đổi tích cực, thu hút những dự án đầu tư vào công nghiệp có chọn lọc, sẵn sàng từ chối những dự án lớn, nhưng không phù hợp với chiến lược phát triển chung của Thành phố.
Hoàng Thủy
đầu tư