Đằng sau cú “nhảy vọt” của giá dầu
Giá dầu thô vừa giảm 49 cent, xuống mức 80,88 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 22-10 (sau khi lập kỷ lục cao nhất từ đầu năm đến nay vào một ngày trước đó, xấp xỉ 82 USD/thùng).
Các chuyên gia năng lượng cho rằng sự đi xuống của giá dầu là do Nhật Bản, quốc gia tiêu thụ nhiên liệu thứ ba trên thế giới thông báo việc nhập khẩu dầu mỏ của nước này trong vòng 6 tháng, (tính đến tháng 9) đã giảm 13% so với một năm trước đây. Tuy nhiên, mức giá này vẫn rất cao so với diễn biến của giá dầu trong vòng 1 năm qua khi nó bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên thế giới sụt giảm nghiêm trọng.
Trước đó, vào ngày 21-10, tại thị trường Niu Yoóc (Mỹ) giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 đã bất ngờ tăng 2,25 USD lên mức 81,37 USD/thùng trong khi tại thị trường Luân Đôn (Anh), giá dầu thô Brent biển Bắc giao tháng 12-2009 tăng 2,45 USD lên 79,69 USD/thùng. Cú "nhảy vọt" của giá dầu diễn ra sau khi đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 14 tháng qua với mức 1,5023 USD đổi được 1 euro. Trong ngày 22-10, khi đồng USD lên giá thì tỷ giá này đã tăng lên 1,4991 USD/1 euro.
Theo các nhà phân tích, đồng USD giảm giá mạnh đã khiến giá dầu tăng cao do loại hàng hóa đặc biệt này được thanh toán chủ yếu bằng đồng USD. Điều này khiến nhu cầu dầu thô và giá dầu còn có thể tiếp tục tăng nếu đồng USD không đứng vững trong những ngày tới. Đây cũng là lý do giải thích cho việc dầu mỏ, vốn được giao dịch ở mức thấp hơn 70 USD/thùng vào đầu tháng 10 đã liên tục tăng giá khi đồng USD bị giảm giá trị, đặc biệt kể từ thời điểm chính phủ Mỹ thông báo mức thâm hụt ngân sách cao kỷ lục, 1,42 nghìn tỷ USD cho năm tài khóa kết thúc vào tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự "thăng tiến" của đồng euro còn bắt nguồn từ việc các nhà đầu tư hy vọng nhận được thông tin về lợi nhuận cao của các công ty Mỹ trong tuần này và chuyển vốn từ hoạt động đầu tư bằng đồng USD, từng được xem là "thiên đường an toàn" sang đầu tư chứng khoán rủi ro hơn nhưng lại cho nhiều lợi nhuận. Như vậy, kể từ đầu tháng 3, khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 1 năm so với euro và những đồng tiền chủ chốt khác, đồng tiền của Mỹ đã giảm 12% giá trị.
Ngoài tác động của việc đồng USD "rớt giá", giá dầu trên thị trường thế giới còn bị tác động bởi dự trữ xăng của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 16-10 giảm 2,3 triệu thùng, cao hơn so với mức giảm 800.000 thùng theo dự đoán ban đầu của các nhà phân tích. Trong khi đó, dự trữ dầu thô cũng chỉ tăng 1,3 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với dự đoán 2,2 triệu thùng.
Một số chuyên gia kinh tế uy tín cho rằng, diễn biến biểu đồ giá dầu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tỷ giá đồng USD. Tuy nhiên, xu hướng lạc quan của thị trường năng lượng hiện nay có thể sẽ nhanh chóng đảo chiều do nó còn có quan hệ mật thiết với những tín hiệu tốt lành từ thị trường tài chính. Việc nhiều công ty Mỹ, đặc biệt là khối ngân hàng, thông báo mức lợi nhuận khả quan trong thời gian gần đây cũng được xem là một lý do khiến giá dầu "phi mã". Trên cơ sở đó, giá dầu chỉ có thể ổn định trở lại sau khi thị trường năng lượng được tái cân bằng. Quá trình này phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố như sản lượng dự trữ của các quốc gia, lợi nhuận biên của các hãng phân phối cũng như nhu cầu tiêu thụ năng lượng của các nước trong mùa đông năm nay.
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo việc giá dầu liên tiếp lập kỷ lục trong vòng 2 tuần qua có thể gây rủi ro cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu và là một nguy cơ tiềm tàng với nền kinh tế thế giới. Khả năng giá năng lượng nhảy vọt khiến lạm phát tăng theo, buộc các nhà hoạch định chính sách giảm các gói kích thích kinh tế và tăng tỷ lệ lãi suất sẽ ảnh hưởng tới sự hồi phục còn "yếu ớt" của nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, thị trường chứng khoán toàn cầu vừa tăng trở lại kể từ tháng 3 năm nay cũng có thể sẽ "quay đầu đi xuống" nếu giá dầu và một số hàng hóa thiết yếu khác tiếp tục tăng cao. Đây sẽ là một thách thức được báo trước với Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàn Quốc trong năm tới.
Minh Nhật
Hà Nội mới