Tin tức
Dịch vụ REPO - Sức cạnh tranh tiềm ẩn trên thị trường tiền gửi

Dịch vụ REPO - Sức cạnh tranh tiềm ẩn trên thị trường tiền gửi

19/11/2004

Banner PHS

Dịch vụ REPO - Sức cạnh tranh tiềm ẩn trên thị trường tiền gửi

Dịch vụ REPO (mua - bán trái phiếu kỳ hạn) không mới đối với các tổ chức tài chính, nhưng lại khá lạ lẫm đối với nhiều người dân. Khi REPO trở nên phổ biến, các loại hình tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng thương mại sẽ phải đối diện với một sức cạnh tranh “đáng gờm” mới...

Dịch vụ REPO (mua - bán trái phiếu kỳ hạn) không mới đối với các tổ chức tài chính, nhưng lại khá lạ lẫm đối với nhiều người dân. Khi REPO trở nên phổ biến, các loại hình tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng thương mại sẽ phải đối diện với một sức cạnh tranh “đáng gờm” mới.

 

Nếu như trước đây, ngân hàng thương mại (NHTM) chiếm vị thế độc quyền trên thị trường tiền gửi dân cư thì giờ đây, họ đang gặp phải một sự cạnh tranh âm thầm bởi một sản phẩm tài chính khác: Dịch vụ REPO (mua - bán trái phiếu kỳ hạn).

Dịch vụ REPO không mới đối với các tổ chức tài chính, nhưng lại khá lạ lẫm đối với nhiều người dân. Theo một số nhà phân tích tài chính, nếu như người dân biết nhiều đến dịch vụ này thì REPO sẽ trở thành một sản phẩm cạnh tranh rất “đáng gờm” của loại hình tiền gửi tiết kiệm của các NHTM.

 

Lợi thế lớn nhất của dịch vụ REPO là mức lợi tức dành cho khách hàng cao hơn hẳn so với gửi tiền ngân hàng.

Mua - bán trái phiếu có kỳ hạn là việc một tổ chức tài chính bán trái phiếu cho người đầu tư và cam kết sẽ mua lại sau đó trong một thời hạn được thỏa thuận trước. Với hình thức này, những người có tiền nhàn rỗi sẽ có lợi thế là có thể được hưởng lãi suất trái phiếu mà không cần phải nắm giữ đến thời gian đáo hạn của trái phiếu.

 

Theo ông Phạm Văn Thành, Phó trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agriseco), lợi thế lớn nhất của dịch vụ REPO là mức lợi tức dành cho khách hàng cao hơn hẳn so với gửi tiền ngân hàng. Chẳng hạn, so sánh lãi suất cùng kỳ hạn, lãi suất REPO 3 tháng là 7,2%/năm trong khi lãi suất tiết kiệm hiện nay là 6,6%/năm. Tương tự, lãi suất của các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng đối với giao dịch REPO là 7,8%/năm, 8%/năm và 8,2%/năm, tất cả các kỳ hạn đều cao hơn khá nhiều so với lãi suất tiết kiệm cùng kỳ hạn với các mức tương ứng là 6,9%, 7,2% và 7,5%/năm.

 

Ngoài ra, khi tham gia giao dịch REPO, người mua trái phiếu có kỳ hạn cũng có thể có được các lợi thế khác như gửi tiền tiết kiệm, nổi bật là việc rút tiền trước thời hạn. Hiện nay, nhiều tổ chức tài chính đưa ra dịch vụ REPO để cho phép nhà đầu tư có thể rút tiền bất cứ lúc nào cho dù chưa đến thời hạn mua lại trái phiếu và mức lãi suất vẫn được tính cho đến thời điểm rút tiền.

 

Thực tế diễn ra trên thị trường tài chính thời gian qua cho thấy, trong khi các tổ chức tài chính như NHTM, bảo hiểm, quỹ đầu tư... tham gia mua - bán trái phiếu khá thường xuyên thì nhà đầu tư cá nhân vẫn rất thờ ơ. Giải thích về điều này, ông Thành cho biết, đối với tổ chức, việc mua - bán các sản phẩm tài chính là một hoạt động thường xuyên vì họ có thể nhìn thấy ngay lợi ích của hoạt động mua - bán trái phiếu so với để tiền tại ngân hàng, nhưng không phải nhà đầu tư cá nhân nào cũng có thể nhìn thấy được lợi ích này. “Cần phải có thêm thời gian để người dân làm quen với dịch vụ REPO”, ông Thành nói.

 

Về phía người dân, mặc dù nhiều người thừa nhận hiệu quả kinh tế khi đầu tư vào trái phiếu, nhưng họ vẫn còn có băn khoăn bởi dịch vụ REPO vẫn có một nhược điểm là sự hạn chế trong phạm vi địa lý.

 

Trong tương lai không xa, hoạt động mua - bán trái phiếu sẽ diễn ra phổ biến và thu hút một lượng đáng kể người dân tham gia.

Một nhà đầu tư cá nhân cho biết, mạng lưới chi nhánh của các công ty chứng khoán hiện nay vẫn còn nhỏ, đa số các công ty chứng khoán chỉ có trung bình 2 địa chỉ giao dịch là trụ sở chính và chi nhánh tại Hà Nội hoặc Tp.HCM. “Do đó, những người dân ở xa sẽ gặp bất tiện vì phải đi quá xa mới đến được địa chỉ giao dịch, trong khi hầu như khu vực nào trong thành phố cũng đều có chi nhánh hoặc phòng giao dịch của NHTM nào đó”, ông này nói.

 

Để khắc phục nhược điểm trên, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra một loại hình dịch vụ hỗ trợ là “dịch vụ giao và nhận tiền tại nhà”. Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương (IBS) cho biết, sẽ cử nhân viên đến tận nhà khách hàng để đưa và nhận tiền với phí phục vụ là 0,05%/lần giao hoặc nhận tiền. Với dịch vụ mới của IBS, người dân chỉ cần ngồi ở nhà nhưng vẫn có thể thực hiện giao dịch trái phiếu, tránh được rủi ro trên đường. Theo tính toán của IBS, mức lãi suất từ mua - bán trái phiếu tại nhà, nếu trừ đi phí giao nhận vẫn cao hơn so với gửi tiền tiết kiệm cùng kỳ hạn.

 

Với những lợi thế trên, các chuyên gia ngân hàng cho rằng, trong tương lai không xa, hoạt động mua - bán trái phiếu sẽ diễn ra phổ biến và thu hút một lượng đáng kể người dân tham gia. Giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, hoạt động này sẽ tăng tính thanh khoản cho trái phiếu và người dân sẽ đầu tư mua trái phiếu chính phủ nhiều hơn, trái phiếu chính phủ phát hành dễ dàng hơn. “Trước đây, lực cản duy nhất để người dân “ngại” mua trái phiếu chính phủ là do mua vào nhưng khi cần tiền không bán được, lực cản này sẽ không còn khi các giao dịch mua - bán trái phiếu phát triển mạnh”, ông này nói.

ĐT

Tin tức mới nhất

Tin tức liên quan

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng