Tin tức
Điểm những lần siêu lạm phát trên thế giới

Điểm những lần siêu lạm phát trên thế giới

20/02/2011

Banner PHS

Điểm những lần siêu lạm phát trên thế giới

Lịch sử nhân loại từng chứng kiến không ít biến cố trong hệ thống tiền tệ, trong đó có đến 5 thảm kịch siêu lạm phát, khi đó, tiền chỉ có giá trị bằng giấy lộn.

Lạm phát đang trở thành đề tài “nóng bỏng” trên toàn thế giới, với sự tăng giá chóng mặt của hầu hết các đồng nội tệ.

Giáo sư Steve H. Hanke thuộc ĐH Johns Hopkins của Mỹ cho hay, siêu lạm phát thường xảy ra đồng thời với chiến tranh hoặc những biện pháp chính sách tài khóa quá lỏng lẻo. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của siêu lạm phát vẫn là sự gia tăng nhanh chóng của cung tiền mà không được hỗ trợ bởi tăng trưởng kinh tế.

Theo Giáo sư Hanke, trong thế kỷ 20, siêu lạm phát xảy ra 17 lần ở Đông Âu và Trung Á, 5 lần ở Mỹ Latinh, bốn lần ở Tây Âu, một lần ở Đông Nam Á và một lần ở châu Phi. Trong số đó, có 5 lần siêu lạm phát rơi vào mức thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử.

Hungary

Mức lạm phát hàng tháng cao nhất: 13.600.000.000.000%

Giá cả tăng gấp đôi trong thời gian: 15,6 giờ

Trường hợp siêu lạm phát tệ hại nhất từng được ghi nhận trong lịch sử xảy ra tại Hungary vào nửa đầu năm 1946. Khi đó, tờ tiền có giá trị lớn nhất của Hungary có mệnh giá lên tới 100.000.000.000.000.000.000 (100 tỷ tỷ) Pengo, so với mức 1.000 Pengo vào năm 1944. Ở lúc cao điểm, tốc độ lạm phát lên tới 195% một ngày.

Tình hình trở nên tồi tệ đến mức Chính phủ Hungary phải áp dụng một loại tiền đặc biệt dành riêng cho việc đóng thuế và trả cước phí bưu điện, được điều chỉnh hàng ngày theo thông báo trên sóng phát thanh. Vào tháng 8/1946, Hungary tiến hành đổi tiền. Trước khi đổi tiền, ước tính, tổng số tiền giấy trong lưu thông của Hungary chỉ có giá trị tương đương với 1/1.000 của một USD.

Nguyên nhân chính của lạm phát tại Hungary chính là lĩnh vực nông nghiệp nước này chịu ảnh hưởng tồi tệ bởi Đại Suy thoái, nợ công quá cao buộc Chính phủ Hungary phải phá giá đồng tiền. Ngoài ra, Hungary còn gặp nhiều khó khăn trong giải quyết hậu quả của chiến tranh thế giới thứ nhất.

Đến thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2, Chính phủ Hungary lại kiểm soát nền kinh tế yếu kém khi Ngân hàng Trung ương in tiền ồ ạt để đáp ứng nhu cầu tài chính của Chính phủ mà không áp dụng bất kỳ hạn chế nào.

Zimbabwe

Mức lạm phát hàng tháng cao nhất: 79.600.000.000%

Giá cả tăng gấp đôi trong thời gian: 24,7 giờ

Tình trạng đồng tiền Zimbabwe sụt giá nghiêm trọng hồi tháng 11/2008 là trường hợp siêu lạm phát gần đây nhất trên thế giới. Khi đó, đồng tiền của Zimbabwe tăng tới 79.000.000.000% một tháng. Nói cách khác, cứ 24 giờ trôi qua, giá cả tăng gấp đôi.

Ngân hàng Trung ương Zimbabwe phải liên tục phát hành các đồng tiền mệnh giá 100 triệu và 200 triệu, đồng thời hạn chế số tiền rút ra khỏi ngân hàng ở mức 500.000 tương đương 0,25 USD.

Trong khi đó, giá cả trên thị trường không ngừng leo thang, với một ổ bánh mi tăng từ 2 triệu lên 35 triệu chỉ sau một đêm. Chính phủ còn tuyên bố lạm phát là bất hộ pháp và bắt giữ giám đốc điều hành công ty nào dám tăng giá các mặt hàng.

Tuy nhiên, tình hình không thể khá hơn. Nhiều chủ cửa hàng từ chối đồng nội tệ và chỉ nhận đồng USD hoặc đồng rand của Nam Phi. Ngân hàng Trung ương Zimbabwe cuối cùng phải định giá lại đồng tiền và đóng cửa sàn giao dịch chứng khoán.

Theo các nhà phân tích, cội nguồn của tình trạng lạm phát tại Zimbabwe bắt đầu từ thập niên 1990 khi Tổng thống Mugabe đưa ra chương trình phân phối lại đất đai.

Trước đây ở Zimbabwe, nông dân da trắng sở hữu phần lớn đất nông nghiệp tốt nhất nước. Đất của người da trắng thì màu mỡ hơn vì nằm ở những địa phương mưa thuận gió hòa, còn đất của nông dân da đen thì thường là những vùng khô hạn.

Vì thế, nếu xét đến lợi thế thì người da trắng nắm trong tay phần đất sinh lời nhiều hơn. Khi Tổng thống Mugabe tuyên bố sẽ lấy đất của người da trắng chia cho người da đen, hàng nghìn người ủng hộ ông bèn lợi dụng thời cơ, công khai chiếm đoạt các trang trại của người dân da trắng.

Đối với nhân dân Zimbabwe, kết quả của cải cách ruộng đất, trải qua những rối loạn chính trị, là nghèo đói, chợ đen phát triển không kiểm soát nổi.

Đến năm 2006, Zimbabwe in thêm 21.000 tỷ đồng Zimbabwe để trả nợ IMF. Cùng năm đó, Zimbabwe in thêm 60.000 tỷ đồng Zimbabwe để trả lương cho quân đội, cảnh sát và quan chức nhà nước.

Một năm sau, nguồn cung thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men thiếu trầm trọng, lạm phát tháng vượt mức 115.000%. 6 tháng cuối năm 2007, Chính phủ Zimbabwe quyết định ngưng trả lương.

Tháng 4/2008, 50 triệu đồng Zimbabwe chỉ tương đương 1,2 USD trong khi đó Ngân hàng Trung ương ước tính kinh tế nước này tăng trưởng âm 6% so với 1 năm trước. Vào tháng 7/2008, Chính phủ Zimbabwe thậm chí có lúc hết giấy để in tiền bởi phía châu Âu ngừng cung cấp giấy in tiền cho Zimbabwe do lo ngại về lý do nhân đạo.

Nam Tư

Mức lạm phát hàng tháng cao nhất: 315.000.000%

Giá cả tăng gấp đôi trong thời gian: 1,4 ngày

Tháng 1/1964, giá cả hàng hóa tại Nam Tư (Yugoslavia gồm Bosnia-Hercegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia và Slovenia) bình quân tăng 64,6% mỗi ngày, gấp đôi trong 34 giờ.

Nhiều doanh nghiệp Yugoslavia từ chối đồng nội tệ dinar và đồng Mark Đức trở thành đồng tiền phi chính thức của nước này. Đồng dinar tiếp tục bị hắt hủi sau khi Chính phủ Yugoslavia tiến hành đổi tiền, với một triệu dinar cũ đổi một dinar mới. Vào ngày 12/11/1993, một triệu dinar tương đương một Mark Đức. Tuy nhiên, đến cuối tháng, 3.000 tỷ dinar mới có thể đổi một Mark Đức.

Ngày 17/1/1994, tỷ giá vọt lên một Mark Đức đổi được tới 30 triệu dinar. Không dừng lại ở đó, đến ngày 24/1, Chính phủ công bố đồng siêu dinar tương đương 10 triệu dinar rất mới. Chính phủ Yugoslavia như vậy 5 lần phá giá đồng tiền.

Trong thời gian siêu lạm phát này, nhiều cơ quan Chính phủ của Yugoslavia gần như không thể hoạt động, còn người dân thì luôn tìm cách tránh thanh toán đúng hạn các loại hóa đơn.

Một số chuyên gia lý giải, nguyên nhân lạm phát của Nam Tư chính từ những xung đột trong khu vực, khủng hoảng kinh tế khu vực và việc điều hành thiếu hiệu quả của Chính phủ.

Trong khi đó, Chính phủ đưa ra hàng loạt chính sách sai lầm như in tiền không kiểm soát, thâm hụt ngân sách khổng lồ và áp đặt giá cả giữa lúc nguồn cung khan hiếm càng khiến tình hình thêm tồi tệ.

Đức

Mức lạm phát hàng tháng cao nhất: 29.500%

Giá cả tăng gấp đôi trong thời gian: 3,7 ngày

Đồng Papiermark của Đức trải qua giai đoạn khó khăn vào năm 1923. Trong tháng 8/1923, một triệu Papiermark Đức mới đổi được một USD. Đến tháng 11/1923, con số này lên mức 238 triệu Papiermark một USD.

Nhiều người dân rơi vào tình trạng rối trí với “cú sốc con số 0” do phải đối mặt với lượng tiền quá nhiều với các con số 0 bất tận.

Lạm phát tăng cao với tốc độ tên lửa buộc Chính phủ Đức định giá lại đồng tiền, thay thế đồng Papiermark bằng đồng Rentenmark với tỷ giá 4,2 Rentenmark một USD và giảm đi 12 số 0 trên tờ tiền.

Nhiều ý kiến cho rằng, siêu lạm phát tại Đức năm 1923 xuất phát từ việc nước này in tiền để bồi thường chi phí Chiến tranh thế giới thứ nhất sau khi bại trận. Theo Hiệp ước Versailles, Đức phải bồi thường cho phe thắng cuộc bằng vàng hoặc ngoại tệ thay vì đồng Papiermark. Để mua vàng và ngoại tệ đáp ứng yêu cầu của hiệp ước này, Chính phủ Đức phải sử dụng đồng Papiermark được bảo lãnh bằng nợ Chính phủ, khiến sự mất giá của đồng tiền càng tăng tốc.

Khi người Đức mất khả năng bồi thường chiến tranh, quân Pháp và Bỉ chiếm đóng thung lũng Ruhr vào tháng 1/1923 để yêu cầu trả bằng hiện vật dẫn đến hàng loạt vụ đình công và phản kháng của người Đức khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Châu Âu lúng túng trong cách giải quyết tình hình, khiến kinh tế Đức nhanh chóng suy sụp và rơi vào siêu lạm phát.

Hy Lạp

Mức lạm phát hàng tháng cao nhất: 13.800%

Giá cả tăng gấp đôi trong thời gian: 4,3 ngày

Siêu lạm phát “manh nha” tại Hy Lạp từ tháng 10/1943 khi Đức chiếm đóng Hy Lạp. Tuy nhiên, lạm phát tăng vọt khi Chính phủ Hy Lạp cuối cùng giành được quyền kiểm soát Athen vào tháng 10/1944. Khi đó, giá các mặt hàng tại quốc gia này tăng 13.800% và “vọt” lên 1.600% một tháng sau đó.

Theo ước tính, thời gian trung bình nắm giữ đồng drachma của người dân Hy Lạp trước khi chi tiêu chỉ là bốn giờ. Tờ tiền mệnh giá lớn nhất của Hy Lạp tính tới thời điểm tháng 10/1944 lên tới 100.000 drachma. Trước tình hình trên, Chính phủ Hy Lạp quyết định tiến hành đổi tiền, với 50 tỷ drachma cũ đổi một drachma mới.

Trong những năm sau đó, lạm phát tại Hy Lạp dần suy giảm, thậm chí có lúc nước này còn trải qua tình trạng giảm phát. Đến năm 1947, giá cả mới thực sự bình ổn.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính của lạm phát tại Hy Lạp là chiến tranh thế giới thứ 2 khiến nước này chồng chất nợ nần, thương mại sụt giảm và còn phải trải qua bốn năm bị chiếm đóng.

Bích Diệp (theo CNBC)

đất việt

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng