Tin tức
Điều chỉnh pháp luật cho phù hợp với WTO

Điều chỉnh pháp luật cho phù hợp với WTO

14/08/2006

Banner PHS

Điều chỉnh pháp luật cho phù hợp với WTO

Ông Nguyễn Lương Trào, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh những cơ hội và thách thức của ngành lao động trước thềm WTO...

Ông Nguyễn Lương Trào, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh những cơ hội và thách thức của ngành lao động trước thềm WTO.

 

Ông nhận xét thế nào về nguồn lao động của Việt Nam khi gia nhập WTO?

 

Cùng với việc gia tăng thương mại và đầu tư, việc gia nhập WTO sẽ mở rộng cơ hội việc làm cho lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực sản xuất và chế biến hàng xuất khẩu, khu vực có mức tăng trưởng cao của nền kinh tế như ngân hàng, tài chính, viễn thông, du lịch; và khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Bên cạnh đó, môi trường cạnh tranh của nền kinh tế hội nhập sẽ kích thích sự phát triển của khoa học và công nghệ và do vậy sẽ có đòi hỏi cao hơn đối với đội ngũ lao động. Đây cũng chính là động lực cho sự phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, vì người lao động sẽ có cơ hội tiếp xúc với các phương pháp quản lý tiên tiến của thế giới, được nâng cao khả năng về tay nghề, năng lực quản lý và tác phong làm việc hiện đại.

 

Thế mạnh của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế là ở lực lượng lao động trẻ và giá nhân công rẻ.

 

Nhưng thưa ông, với lực lượng lao động trẻ và giá nhân công rẻ hiện nhiều quốc gia khác cũng đang sẵn sàng cạnh tranh bằng yếu tố này?

 

Đúng vậy, nếu chỉ dừng lại ở yếu tố lao động rẻ thì sẽ không thể biến cái mạnh đó thành cơ hội, bởi nhiều quốc gia khác cũng đang sẵn sàng cạnh tranh bằng yếu tố này. Bên cạnh đó, yếu tố lao động rẻ chỉ có lợi thế đối với những ngành kinh tế sử dụng nhiều lao động, không là lợi thế đối với những ngành kinh tế sử dụng công nghệ cao hoặc ngành sử dụng nhiều vốn.

 

Chính vì vậy chúng ta cần phải nỗ lực không ngừng để cải thiện chất lượng lực lượng lao động của Việt Nam, bằng cách nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề và kỹ năng hành nghề; chú trọng bồi dưỡng, giáo dục tinh thần chấp hành kỷ luật, hiểu biết pháp luật và ý thức hành động theo luật pháp của người lao động; giáo dục nâng cao nhận thức về văn hoá ứng xử trong công việc, xây dựng tác phong làm việc hiện đại và chuyên nghiệp.

 

Thưa ông, bên cạnh đó hệ thống chính sách và pháp luật lao động cũng rất quan trọng, liệu có cần thiết phải điều chỉnh không?

 

Trong những năm qua, hệ thống chính sách và pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực lao động - xã hội đã được xây dựng và sửa đổi, hoàn thiện theo hướng tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc thị trường.

 

Tuy nhiên, khi gia nhập WTO, chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh nhiều văn bản pháp luật, nhất là về quan hệ lao động, tuyển dụng lao động, tiền lương, an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực, chính sách thị trường lao động, cho phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của WTO là không phân biệt đối xử, minh bạch. Bên cạnh đó, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội và tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo.

 

Trên thực tế, hội nhập về mặt kinh tế luôn làm nảy sinh tác động về mặt xã hội. Đây luôn là vấn đề “nóng” đối với các quốc gia trong quá trình hội nhập. Ngoài việc phải xử lý vấn đề lao động bị mất việc làm trong những năm đầu của tiến trình hội nhập, về lâu dài còn phải giải quyết nhiều vấn đề khác.

 

Đó là sự tăng khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các nhóm dân cư như giữa lao động có tay nghề và lao động giản đơn, giữa thành thị và nông thôn, miền núi, giữa lao động trong các ngành có việc làm và thu nhập ổn định với bộ phận lao động dôi dư, mất việc làm.

 

Vậy ngành lao động đã có chiến lược như thế nào để sẵn sàng giải quyết được những vấn đề “nóng” trước và sau hội nhập WTO?

 

Để chuẩn bị cho bước tiến dài hơi, chúng ta phải tập trung sức để chuẩn bị cho lực lượng lao động có chất lượng tốt hơn. Chính vì vậy, mới đây Bộ lao động thương binh và xã hội đã ký 1 khung chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam, Tổ chức người lao động Việt Nam và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về Chương trình xúc tiến việc làm bền vững cho mọi người.

 

Chương trình này sẽ hướng tới việc làm nhiều hơn, hiệu quả hơn và chắc chắn sẽ mang đến thu nhập cao hơn. Người lao động sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong tìm việc, trong môi trường làm việc tốt để phát huy hết được tiềm năng sáng tạo trong lao động với tác phong công nghiệp cùng ý thức kỷ luật tốt hơn.

 

Về nguồn lực thực hiện trước mắt sẽ là tổng nguồn lực quốc gia và quốc tế và những nguồn từ hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước khác. Có thể là hợp tác tay ba giữa ILO, Việt Nam và 1 quốc gia nữa. Sau đó chúng tôi sẽ làm việc với ILO từng bước một để triển khai chương trình.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng