Tin tức
Doanh nghiệp bị “hành” từ lúc khởi sự!

Doanh nghiệp bị “hành” từ lúc khởi sự!

21/10/2005

Banner PHS

Doanh nghiệp bị “hành” từ lúc khởi sự!

Hầu hết các thủ tục để thành lập doanh nghiệp đều bị kéo dài hơn và hầu như công đoạn nào cũng bị tốn tiền ngoài quy định...

Hầu hết các thủ tục để thành lập doanh nghiệp đều bị kéo dài hơn và hầu như công đoạn nào cũng bị tốn tiền ngoài quy định.

 

260 ngày cho 7 thủ tục

 

Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để hiện thực một ý tưởng kinh doanh, nhà đầu tư phải trải qua 7 thủ tục hành chính gồm: đăng ký kinh doanh, khắc dấu, cấp mã số thuế và mua hoá đơn, mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng, có địa điểm đặt trụ sở hoặc mặt bằng sản xuất, xây dựng nhà xưởng sản xuất, xin phép kinh doanh hoặc thực hiện các điều kiện kinh doanh.

 

Trong đó, bốn thủ tục đầu là bắt buộc đối với mọi nhà đầu tư. Thủ tục thứ 5 - địa điểm trụ sở hoặc mặt bằng sản xuất cũng bắt buộc nhưng đối với một số doanh nghiệp thương mại thì đơn giản hơn vì có thể thuê văn phòng; tuỳ vào lĩnh vực kinh doanh mà các doanh nghiệp phải thực hiện hai thủ tục tiếp theo. Và trong mỗi thủ tục này lại còn có rất nhiều thủ tục nhỏ nữa đưa số thủ tục cần thiết lên đến còn số 13.

 

Kết quả khảo sát 175 doanh nghiệp tại 7 tỉnh thành trên cả nước cho thấy tổng thời gian mà doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục lên đến 260 ngày với một khoản chi phí lớn gấp nhiều lần chi phí chính thức. Trong khi đó, thời gian để thành lập doanh nghiệp ở Canada là 2 ngày với 2 thủ tục, Thuỵ Điển chỉ cần 3 thủ tục. Việt Nam còn tệ cả Haiti (203 ngày) và Congo (215 ngày).

 

Phức tạp và kéo dài: Đất đai vẫn "vô địch"

 

Doanh nghiệp Kim Bài ở Hà Tây là một điển hình về sự phức tạp và kéo dài các thủ tục về đất đai. Mất hơn 3 năm từ 2002 đến nay với 9 văn bản thẩm định của các ngành, 10 lần họp với dân và hàng chục lần qua lại chính quyền địa phương nhưng đến nay việc thuê hơn 6 ngàn m2 đất của doanh nghiệp vẫn phải chờ giải quyết.

 

Một doanh nghiệp khác ở Tây Nguyên đã gửi đến các chuyên viên nghiên cứu một bản liệt kê các thủ tục xin thuê, nhượng đất mà doanh nghiệp trải qua lên đến với 9 thủ tục, 42 chữ ký và con dấu, mất 404 ngày. Doanh nghiệp này cũng khẳng định đã chi ra một khoản tiền không nhỏ nhưng đến nay vẫn chưa xong.

 

Trong nghiên cứu: "Từ ý tưởng kinh doanh đến hiện thực: Chặng đường gian nan", các chuyên gia đã khẳng định rằng: quá trình tìm mặt bằng sản xuất là phức tạp nhất trong các loại thủ tục hành chính để thành lập doanh nghiệp, thủ tục kéo dài nhất và cũng tốn kém không ít.

 

Thông thường để được nhà nước giao đất doanh nghiệp phải trải qua 7 thủ tục: tìm hiểu chính quyền địa phương, xin chấp thuận về nguyên tắc, lập dự án và lên phương án đền bù, phê duyệt dự án và phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng và ký hợp đồng thuê đất, nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tổng thời gian mất khoảng 230 ngày. Thậm chí, có doanh nghiệp mất hơn một năm mà vẫn chưa hoàn tất thủ tục.

 

Khắc dấu, cấp mã số thuế những rắc rối không đáng có

 

Theo quy định,  doanh nghiệp chỉ mất 7 ngày để được cấp phép khắc dấu với chi phí rất nhỏ: 20 ngàn đồng. Tuy nhiên theo phản ánh của doanh nghiệp thì việc khắc dấu không phải lúc nào cũng đơn giản. Có đến 25% doanh nghiệp mất hơn 7 ngày để có được giấy phép khắc dấu và 7% doanh nghiệp mất hơn 15 ngày.

 

Quan điểm của các chuyên gia kinh tế thì con dấu chỉ là một dấu hiệu đặc trưng của doanh nghiệp trên văn bản giao dịch, cơ quan công an chỉ có nhiệm vụ bảo hộ con dấu mà doanh nghiệp đăng ký. Tuy nhiên, hiện nay do nhận thức chưa đầy đủ và quan niệm khá nặng nề về con dấu nên cơ quan công an đã đề ra nhiều yêu cầu rất vô lý: Có trường hợp chủ doanh nghiệp được yêu cầu phải đích thân đi nộp hồ sơ, 7 ngày sau đích thân lên nhận quyết định và một tuần sau mang con dấu được khắc đi đăng ký tại cơ quan công an thì doanh nghiệp mới được hoạt động.

 

Theo khảo sát việc cấp mã số thuế được 70% doanh nghiệp ghi nhận đúng với thời gian quy định. Tuy nhiên, một yêu cầu bất hợp lý làm cho doanh nghiệp cảm thấy họ vẫn bị "hành" là nhiều cơ quan quản lý thuế không chấp nhận trường hợp 1 cá nhân đến đăng ký mã số thuế cho 1 công ty, mặc dù người đó là đại diện theo pháp luật của công ty.

 

Bên cạnh đó, hiện nay, việc cấp mã số thuế và mã số xuất nhập khẩu không được cấp cùng lúc nên khi doanh nghiệp phát sinh xuất nhập khẩu lại phải một lần nữa làm thủ tục với cơ quan thuế với một quy trình không hề kém phức tạp so với việc cấp mã số thuế và có đến hơn 60% doanh nghiệp bị cấp chậm so với thời gian quy định chỉ 3 ngày.

 

Công đoạn nào cũng phải "chi thêm"

 

Một trong những thủ tục được đánh giá là có cải tiến nhiều nhất là việc cấp đăng ký kinh doanh. Hiện nay, thủ tục này đã giảm xuống còn 15 ngày theo quy định và có đến 66% doanh nghiệp được đăng ký kinh doanh theo đúng thời hạn quy định. Tuy nhiên, để  được cấp phép kinh doanh thì có đến 75% doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần và gặp phải nhiều thủ tục phiền hà, 45% doanh nghiệp phải chi thêm ngoài lệ phí chính thức và chỉ có 4% không gặp khó khăn nào.

 

Các doanh nghiệp không cho biết phải "chi thêm" bao nhiêu nhưng theo các chuyên gia thì số tiền bỏ ra thường phải gấp đôi chi phí chính thức, vào khoảng 100 ngàn đồng đối với doanh nghiệp tư nhân và 200 ngàn đồng đối với công ty TNHH và cổ phẩn.

 

Việc "chi thêm" đã thành phổ biến, ngay cả trong lĩnh vực không quy định lệ phí như cấp mã số thuế thì doanh nghiệp cũng phải chi ra ít nhất là 100 ngàn đồng. Chi phí cấp chứng nhận đăng ký mẫu dấu quy định chỉ 20 ngàn nhưng doanh nghiệp phải chi ra 220 - 300 ngàn mới có được con dấu để kinh doanh.

 

Trên thực tế những công đoạn nào càng phức tạp, kéo dài thì các khoản "chi thêm" càng lớn và những khoản chi thêm lớn nhất thuộc vào các thủ tục: xin giao thuê đất, xin phép xây dựng nhà xưởng và việc đáp ứng các giấy phép con, các chứng chỉ hành nghề...

 

Trong báo cáo, các chuyên gia đã khuyến cáo: sự phức tạp và tốn kém trong các thủ tục hành chính để khởi sự doanh nghiệp sẽ khiến cho các nhà đầu tư không cảm thấy yên tâm, khuyến khích vi phạm pháp luật và điều này tạo cơ hội cho tham nhũng phát triển...

 

Cuối cùng, là sự bất bình đẳng khi những cá nhân giàu có hoàn toàn có thể tránh được sự phức tạp của quy định, ngăn cản các cá nhân khác tham gia thị trường. Điều này đi ngược lại với mong muốn gia tăng số lượng doanh nghiệp của Chính phủ. Và chỉ có sự đơn giản hoá thủ tục trong kinh doanh mới khuyến khích các cá nhân, các hộ kinh doanh thành lập hay chuyển thể thành doanh nghiệp.

Vietnam Net

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng