Doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng vào chính sách mới từ Nghị quyết 68
Nghị quyết 68 mở ra một cánh cửa lớn, nhưng đi qua được hay không phụ thuộc vào từng doanh nghiệp. Với nền tảng chính sách đang dần được hoàn thiện, hệ thống ngân hàng ngày càng hiểu rõ vai trò đồng hành và đặc biệt là sự nhìn nhận rõ ràng về vai trò trụ cột của kinh tế tư nhân, tương lai cho khu vực này đang được kỳ vọng sẽ có bước phát triển vượt bậc.
Sáng ngày 09/07/2025, tại Talkshow “Đón sóng Nghị quyết 68”, các chuyên gia đã cùng phân tích những tác động tích cực của Nghị quyết 68 đến khu vực kinh tế tư nhân, quan trọng là làm sao gỡ nút thắt vốn cho khu vực này.
![]() Talkshow “Đón sóng Nghị quyết 68” được tổ chức sáng ngày 09/07/2025.
|
Các nút thắt lớn của doanh nghiệp tư nhân đang dần được tháo gỡ
PGS.TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - chia sẻ, Nghị quyết 68 mở ra định hướng quan trọng, giúp tháo gỡ những rào cản lâu nay của doanh nghiệp tư nhân. Các nút thắt lớn về vốn, cơ chế quản lý, công nghệ và nguồn nhân lực đang được xử lý cụ thể hơn trong Nghị quyết này.
Cụ thể, chính sách vốn hiện nay không còn giới hạn đối với khu vực tư nhân. “Không giới hạn không có nghĩa là buông lỏng hoàn toàn. Nhà nước cần chủ động dỡ bỏ những rào cản đang tồn tại như điều kiện vay vốn, tiếp cận đất đai, hay các thủ tục thuế và bảo lãnh tín dụng”, ông Thiên nói. Nếu doanh nghiệp muốn có cơ hội tiếp cận vốn thì nội lực phải đủ mạnh, nhân sự chất lượng, kế hoạch kinh doanh khả thi và hệ thống tài chính minh bạch.
Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% đang tạo kỳ vọng tích cực cho các doanh nghiệp SME trong bối cảnh phục hồi hậu đại dịch. Nhưng con số này chỉ mang tính tiềm năng và để dòng vốn đến được doanh nghiệp thì vẫn cần có điều kiện kèm theo.
“Ngân hàng hoàn toàn có quyền đặt điều kiện vay vốn. Doanh nghiệp muốn vay phải chứng minh được mình đủ sức mạnh tài chính và có phương án sử dụng vốn hiệu quả”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng vào chính sách mới
![]() Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB - ông Từ Tiến Phát
|
Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB - ông Từ Tiến Phát cho biết, sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, niềm tin của doanh nghiệp tăng lên rõ rệt. “Chúng tôi là ngân hàng chuyên phục vụ nhóm khách hàng SME và khách hàng bán lẻ, nên cảm nhận rõ sự thay đổi trong doanh nghiệp. Trước đó, họ ngần ngại đầu tư vì chưa thấy rõ định hướng của Nhà nước. Nay, các băn khoăn lớn đã có lời giải”, ông Phát chia sẻ.
Ông đánh giá cao các chính sách như miễn giảm thuế 3 năm cho startup, đơn giản hóa thủ tục thanh kiểm tra, hỗ trợ mở rộng thị trường và chuyển đổi xanh… Tất cả đã tạo nên bức tranh đồng bộ và đáng kỳ vọng cho sự hồi phục và phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, ba khó khăn lớn mà doanh nghiệp vẫn đang đối mặt gồm: Thị trường, vốn và thủ tục.
Về thị trường, nhất là sau dịch COVID-19, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ có thị trường tiêu thụ nội địa co hẹp, cơ hội xuất khẩu không nhiều. Do đó, thúc đẩy tiêu dùng nội địa rất quan trọng và đây cũng là việc Chính phủ đang thúc đẩy, nhất là đầu tư phát triển vùng kinh tế trọng điểm.
Về vốn, khó khăn vẫn đến từ sổ sách kế toán không minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo. Dù các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực, nhưng các hình thức tài trợ như cho vay tín chấp, theo dòng tiền hay hàng tồn kho vẫn chưa phổ biến.
Về thủ tục, rất nhiều doanh nghiệp SME vẫn than phiền về sự phức tạp và thời gian xử lý lâu của các cơ quan chức năng, cơ quan thuế cho đến ngân hàng.
Tổng Giám đốc ACB Từ Tiến Phát nhấn mạnh: “Doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo và có niềm tin. Chính sách chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ nằm ở sự thay đổi từ nội tại doanh nghiệp”.
Cát Lam