Tin tức
Doanh nghiệp với các vụ kiện chống bán phá giá

Doanh nghiệp với các vụ kiện chống bán phá giá

10/08/2006

Banner PHS

Doanh nghiệp với các vụ kiện chống bán phá giá

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) cho biết đến nay Cục vẫn chưa nhận được đơn kiện nào của doanh nghiệp về hàng nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam...

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) cho biết đến nay Cục vẫn chưa nhận được đơn kiện nào của doanh nghiệp về hàng nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam.

 

Đối phó với các vụ kiện thương mại, đặc biệt là những vụ kiện chống bán phá giá đang trở thành một vấn đề “nóng”, theo bà, vậy các doanh nghiệp - đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các vụ kiện - cần phải chuẩn bị những gì để sẵn sàng đối phó?

 

Ở Việt Nam thời gian qua cho thấy khả năng các doanh nghiệp bị kiện bán phá giá và trợ cấp bán phá giá, tự vệ là rất cao. Kể từ năm 1994 là năm đầu tiên chúng ta bị kiện chống bán phá giá, cho đến thời điểm hiện nay thì hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 38 vụ kiện, trong đó có 23 vụ kiện chống bán phá giá và 5 vụ kiện tự vệ.

 

Trong đó, điều đáng chú ý nhất là thị trường Liên minh châu Âu đã chiếm tới 10 vụ kiện chống bán phá giá và vụ lớn nhất là vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da.

 

Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm hiểu thật kỹ pháp luật của các nước liên quan, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO vào cuối năm 2006. Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 3 pháp lệnh gồm Pháp lệnh về chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam và Pháp lệnh tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam.

 

Vì vậy, chúng tôi đã tổ chức cuộc toạ đàm về “Pháp luật chống bán phá giá của EU và các vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý sau khi Việt Nam gia nhập WTO”, nhằm nâng cao nhận thức của các Hiệp hội và doanh nghiệp về pháp luật chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của châu Âu cũng như những vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý khi Việt Nam gia nhập WTO, đặc biệt là trong việc chuẩn bị đối phó với những vụ kiện thương mại do các nước khác tiến hành đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

 

Thời điểm này, các doanh nghiệp da giày đang chờ đợi phán quyết cuối cùng của Hội đồng châu Âu, bà có thể cho biết những thông tin mới nhất về diễn biến của vụ kiện chống bán phá giá lớn nhất này?

 

Có thể nói vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da là một trong những vụ kiện có tác động một cách tiêu cực đối với ngành sản xuất da giày cũng như về mặt xã hội với hơn nửa triệu lao động, đặc biệt là đối với 80% nữ lao động làm việc trong ngành.

 

Về phía các cơ quan hữu quan gồm Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao, Bộ Công nghiệp cũng hết sức hỗ trợ cho Hiệp hội Da giày và cộng đồng doanh nghiệp kháng kiện, tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay thì Uỷ ban châu Âu và Hội đồng châu Âu vẫn chưa có kết luận cuối cùng nhưng giải pháp trì hoãn thuế quan đã bị phủ quyết, Uỷ ban châu Âu đã trở lại với phương pháp áp thuế. Các thành viên châu Âu vẫn đang thảo luận về vấn đề này.

 

Thông tin mới nhất mà chúng tôi có được là đại đa số những đại diện của các nước thành viên EU đã đi đến kết luận không chấp nhận đề xuất của Uỷ ban tư vấn về chống bán phá giá về việc đưa ra mức thuế để áp cho sản phẩm giày mũ da của Việt Nam và Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Điều đó có nghĩa là đại đa số các nước của liên minh châu Âu đã phản đối việc áp thuế.

 

Như vậy, đây là một tín hiệu tốt, tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chờ những quyết định của Hội đồng châu Âu trong thời gian tới. Cụ thể là vào ngày 6/9/2006, Hội đồng châu Âu sẽ tổ chức cuộc họp để Uỷ ban tư vấn về chống bán phá giá trình lần cuối về đề xuất áp thuế đối với giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam là 10% và Trung Quốc là 16,5%.

 

Sau đó, Hội đồng châu Âu sẽ đưa ra quyết định cuối cùng là có áp thuế theo đề xuất của Uỷ ban tư vấn về chống bán phá giá hay phủ quyết đề xuất này.

 

Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang là bị đơn của các vụ kiện chống bán phá giá. Vậy có khả năng chính các doanh nghiệp Việt Nam sẽ kiện một số mặt hàng nhập khẩu bán phá giá vào thị trường Việt Nam không, thưa bà?

 

Đã có dư luận cho rằng có một số mặt hàng nhập khẩu đang bán phá giá tại thị trường Việt Nam như hàng may mặc, da giày, điện tử dân dụng..., tuy nhiên Cục Quản lý cạnh tranh với vai trò thực thi Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam vẫn chưa nhận được một đơn kiện nào từ phía các nhà sản xuất Việt Nam.

 

Để tiến hành khởi kiện một vụ kiện chống bán phá giá theo đúng pháp lệnh Chống bán phá giá hàng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, trong một số trường hợp có thể không cần có đơn kiện từ phía các doanh nghiệp thì cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ trưởng Bộ Thương mại vẫn có thể ra quyết định điều tra bán phá giá.

 

Trong thời gian này, chúng tôi đang thu thập thông tin cũng như đang xem xét, cân nhắc có thể khởi kiện và mở một cuộc điều tra bán phá giá hay không? Bởi việc mở một cuộc điều tra, cũng như quá trình điều tra để đi đến kết luận là có hay không có hàng nhập khẩu bán phá giá và có đi đến áp thuế chống bán phá giá hay không đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ chặt chẽ Pháp lệnh về chống bán phá giá của Việt Nam phù hợp với những quy tắc của WTO, quy trình này đòi hỏi phải có đầy đủ thời gian, công sức nghiên cứu và đặc biệt là cần phải có đầy đủ thông tin và cả một quá trình điều tra rất phức tạp.

 

Đến giờ phút này, chúng ta vẫn chưa có một kết luận chính thức nào và cũng chưa  nhận được đơn kiện nào của các doanh nghiệp về hàng nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam.

 

Đặc điểm chính về pháp luật chống bán phá giá của EC

1. Yếu tố cơ bản trong pháp luật chống bán phá giá của Uỷ ban châu Âu (EC) linh hoạt và phát triển hơn các hệ thống khác, thể hiện ở điều khoản về lợi ích cộng đồng, không có phương pháp tính cho xấp xỉ bằng không, nguyên tắc đánh thuế thấp hơn biên độ phá giá.

 

2. Thủ tục trong pháp luật chống bán phá giá của EC khiến cho quá trình đưa ra phán quyết phức tạp hơn các thể chế khác bởi EU không phải là một nước, mà là một liên minh của nhiều quốc gia.

 

3. Thủ tục xem xét tư pháp: toà án châu Âu và toà án sơ thẩm có quyền xét xử đối với các trường hợp chống bán phá giá.

 

Toà án châu Âu và toà án sơ thẩm có thể gây ảnh hưởng đến việc bãi bỏ các loại thuế chống bán phá giá tạm thời hoặc chính thức, đồng thời có khả năng gây ảnh hưởng chấm dứt các quyết định/ điều tra/ cam kết.

 

“Lái” các quyết định của EC khi điều tra chống bán phá giá?

Để có thể “lái” các quyết định của EC khi điều tra chống bán phá giá, các doanh nghiệp nên củng cố quan hệ hợp tác với chính quyền EU để thu được nhiều thông tin chi tiết hơn liên quan tới 3 tiêu chuẩn đầu tiên trong việc cấp Quy chế MET (Quy chế đối xử theo chế độ kinh tế thị trường).

 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phát triển hệ thống kế toán trong doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên chú ý tới những lĩnh vực xuất khẩu hàng hoá đang chịu sự cạnh tranh với Trung Quốc, đối với những lĩnh vực đó cần thiết phải giám sát mức độ xuất khẩu của hàng hoá Trung Quốc để dự đoán các trường hợp bị quy kết bán phá giá có thể xảy ra.

Các doanh nghiệp nên kiểm tra về “Lợi ích cộng đồng” có sự tham gia của nhiều bên liên quan thông qua việc nỗ lực vận động người tiêu dùng, những người bán buôn, các nhà sản xuất của EU, giúp họ chuẩn bị bản phân tích kinh tế hợp lý.

 

Quá trình ra phán quyết của EC quy định rằng hội đồng (đa số) chịu trách nhiệm việc ra quyết định trong các trường hợp chống bán phá giá. Các doanh nghiệp nên biết rằng trong EC, nhóm những nước ủng hộ việc áp dụng thuế chống bán phá giá bao gồm Italia, Tây Ban Nha, Pháp..., nhóm phản đối bao gồm Anh và các nước Bắc Âu... Vì vậy, việc hợp tác với các quốc gia phản đối các biện pháp chống bán phá giá là có thể và hữu dụng.

 

Rút kinh nghiệm trong vụ kiện da giày (EC chọn Brazil làm nước tham chiếu vì thiếu sự hợp tác từ các nước Ấn Độ, Indonesia và Pakistan) nên các doanh nghiệp cần củng cố mối liên kết với các quốc gia đang phát triển khác nhằm tăng cường hợp tác của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp của những nước đó, mức độ hợp tác có thể là hợp tác khu vực (ví dụ giữa các nước châu Á) hoặc hợp tác song phương.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng