Thị trường tài chính-tiền tệ thế giới
Đồng euro quanh mức thấp nhất trong 2 tháng qua so với đồng USD
Đồng euro đang lẩn quẩn ở gần mức thấp nhất trong 2 tháng qua so với đồng USD trong phiên 3/2 tại thị trường Tôkyô, trước khả năng tình hình lạm phát ở châu Âu có thể buộc ngân hàng trung ương khu vực này phải hạ lãi suất.
Chiều 3/2 tại Tôkyô, đồng euro được giao dịch ở mức 1,2845 USD/euro, không thay đổi so với cuối phiên 2/2 tại Niu Yoóc. Đồng euro cũng ổn định ở mức 114,92 yên/euro.
Các thị trường dự kiến thống kê về giá sản xuất của 16 nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 12/08. Số liệu này làm dấy lên tin đồn về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể buộc phải hạ lãi suất cho vay cơ bản trong cuộc họp ngày 5/2 tới, cho dù trước đó Thống đốc ECB Jean-Claude Trichet cho biết ECB sẽ không thay đổi gì cho tới tháng 3 tới.
Theo nhà chiến lược về tiền tệ thuộc Ngân hàng Societe Generale, Yuji Saito, dấu hiệu của lạm phát thấp là khả năng ECB phải hạ lãi suất, từ mức 2% hiện nay xuống 1,5%.
ECB đã phải hạ lãi suất cho vay cơ bản 4 lần kể từ tháng 10/08. Tuy nhiên, hiện chi phí đi vay của Eurozone vẫn cao hơn nhiều so với mức tương ứng gần 0% ở Mỹ và Nhật Bản.
Chứng khoán toàn cầu còn sa sút
Chứng khoán Mỹ và châu Âu đã giảm điểm khá mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần và xu hướng này lan sang một số thị trường ở châu Á trong phiên 3/2.
Đầu phiên 2/2 tại Niu Yoóc, chỉ số công nghiệp Dow Jones có lúc đã giảm tới 130 điểm. Tuy nhiên, tình hình trở nên khá hơn vào cuối phiên khi có thông tin tốt hơn dự kiến của lĩnh vực chế tạo Mỹ. Thông tin này làm dịu đi ít nhiều những báo cáo yếu kém về thu nhập và chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ. Cuối phiên, chỉ số này dừng ở mức 7.936,75 điểm, giảm 64,11 điểm so với phiên cuối tuần trước.
Chứng khoán châu Âu cũng không tránh khỏi bị đi xuống, do ảnh hưởng từ thị trường Phố Uôn. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt của khu vực đều giảm, trong đó chỉ số FTSE 100 tại Luân Đôn và CAC 40 tại Pari đều giảm lần lượt 1,73% và 1,48% xuống 4.077,78 điểm và 2.930,05 điểm.
Tại thị trường chứng khoán (TTCK) hàng đầu châu Á là Tôkyô chiều 3/2, chỉ số Nikkei giảm 48,47 điểm xuống 7.825,51 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng tại Hồng Công cũng giảm 84,60 điểm xuống 12.776,89 điểm, do các cổ phiếu bất động sản mất giá mạnh.
Tuy nhiên, một số TTCK châu Á vẫn ghi điểm trong phiên 3/2, trong đó chỉ số Weighted tại Đài Bắc tăng mạnh 112,83 điểm lên 4.372,81 điểm nhờ lĩnh vực điện tử tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu cao về mặt hàng tivi màn hình phẳng. Tại Thượng Hải, chỉ số Composite cũng tăng 49,13 điểm lên 2.060,81 điểm, nhờ các cổ phiếu dầu mỏ, dệt may và thiết bị máy móc lên giá sau khi có thông tin rằng, Bắc Kinh sẽ đưa ra một kế hoạch kích thích mới để hỗ trợ các ngành này.
AFP