Đồng euro xuống mức thấp nhất 2 năm qua
Đồng euro hôm nay, 8/11 mất giá ở mức trầm trọng nhất trong vòng 2 năm qua trước đồng USD khi bạo loạn tiếp tục leo thang trên khắp các vùng miền nước Pháp và có khả năng còn lan sang khắp châu Âu...
Đồng euro hôm nay, 8/11 mất giá ở mức trầm trọng nhất trong vòng 2 năm qua trước đồng USD khi bạo loạn tiếp tục leo thang trên khắp các vùng miền nước Pháp và có khả năng còn lan sang khắp châu Âu.
Cuộc bạo loạn đã kéo sang đêm thứ 11, lan tới 300 thị trấn trên khắp cả nước Pháp. Nhiều người cho rằng nó có thể lan sang khắp châu Âu nếu Chính phủ Pháp không nhanh chóng vãn hồi trật tự.
Mất trật tự xã hội như vậy đang và sẽ đe dọa tăng trưởng kinh tế cũng như ngăn chặn các dòng vốn đầu tư vào Pháp - một trong 2 đầu tàu của khu vực đồng euro cùng với Đức.
"Bạo loạn có thể sẽ lan sang Đức, Bỉ và như vậy sẽ gây tác động vô cùng to lớn đối với đồng euro. Đó là một diễn biến hết sức tồi tệ cho đồng euro mà những người giữ nó không hề mong muốn", Sue Trinh, chuyên gia tiền tệ của Ngân hàng quốc gia
Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Đồng euro trên thị trường Tokyo sáng nay chỉ còn mua được 1,1751 USD trong khi một ngày trước đó còn đạt mức 1,1805 USD. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2003 tới nay.
Theo các chuyên gia, đồng euro sẽ còn mất giá trong mấy ngày tới. Đồng euro cũng chỉ đổi được 138,52 yen Nhật, trong khi một ngày trước đó còn đạt mức 138,92.
Trước đà mất giá "không phanh" này của đồng tiền chung châu Âu, đích thân Thống đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ông Jean-Claude Trichet đã phải lên tiếng trấn an các nhà đầu tư và cho biết sẵn sàng nâng lãi suất tiền gửi đồng euro để ngăn chặn lạm phát.
Hiện ECB vẫn đang duy trì mức lãi suất ngắn hạn 2%, mức đã được ấn định từ tháng 6/2003. Ông Trichet cho rằng mức này vẫn còn phù hợp với hoàn cảnh, song sẽ được thay đổi bất cứ lúc nào cần thiết, ngụ ý tới thời điểm cuộc bạo loạn có thể vượt biên giới Pháp lan sang các nước khác.
Vấn đề là, không chỉ đồng euro bị tác động bởi cuộc bạo loạn kéo dài. Du lịch, đầu tư, sản xuất kinh doanh và nền kinh tế Pháp cũng như châu Âu nói chung đang và sẽ gánh chịu hậu quả lớn từ một lần bất ổn lan rộng như hiện nay.
"Rõ ràng điều này gây bất lợi lớn cho đồng euro và sau đó là các nền kinh tế phụ thuộc đồng tiền này", John Horner, chuyên gia tiền tệ của Ngân hàng Đức Deutsche Bank AG chi nhánh Sydney, nhận xét, "Bạo loạn kiểu đó cho thấy nhiều dấu hiệu dẫn đến sự rối loạn về chính trị và sự không ổn định cho châu Âu, trước hết là khu vực đồng euro".
Đồng euro gần đây thường phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ chính trị các nước trong cộng đồng. Lần trước, chỉ vì kết quả bầu cử Đức chưa phân thắng bại, đồng euro cũng đã một lần mất giá ở mức trầm trọng nhất trong vòng một tháng so với USD.
Phải mất rất nhiều năm cộng với vô số nỗ lực để có thể lấy lại hình ảnh một nước Pháp lãng mạn và giàu đẹp trong khối châu Âu gắn kết và hùng mạnh.
Vietnam Net