Tin tức
Dragon Capital: Sức mạnh nội tại là động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam

Dragon Capital: Sức mạnh nội tại là động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam

12/07/2025

Banner PHS

Dragon Capital: Sức mạnh nội tại là động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam

Trọng tâm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5-10 năm tới, là làm sao để phát triển sức mạnh nội tại, tạo ra động lực tăng trưởng từ chính khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong nước và tiêu dùng nội địa.

Đây là phân tích của các chuyên gia đến từ Dragon Capital tại sự kiện Investor Day 2025 với chủ đề “Kết tinh nội lực, dẫn lối thịnh vượng” được tổ chức sáng ngày 12/07.

Các diễn giả tại sự kiện Investor Day 2025 của Dragon Capital sáng ngày 12/07.

Sức mạnh nội tại là chìa khóa tăng trưởng bền vững

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối Đầu tư, Dragon Capital chia sẻ tại sự kiện.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối Đầu tư, Dragon Capital khẳng định rằng động lực tăng trưởng bền vững của Việt Nam luôn đến từ nội lực. Các yếu tố bên ngoài như xuất khẩu hay vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ đóng vai trò cân bằng vĩ mô, chứ không phải là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.

Minh chứng rõ nét là cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2011-2012. Khi đó, dù xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng ở mức 35-40%, nền kinh tế trong nước vẫn trì trệ, doanh nghiệp phá sản hàng loạt. "Cán cân đối ngoại rất tốt, nhưng nội tại lại yếu, và kết quả là tăng trưởng kinh tế gần như không có", ông Tuấn phân tích.

Cùng với đó, vai trò của khu vực FDI cũng cần được nhìn nhận lại. Với việc chỉ sử dụng chưa tới 8% tổng lực lượng lao động toàn quốc (khoảng 4.5 triệu lao động trên 55-58 triệu người), khu vực này rõ ràng không thể là động lực chính cho cả nền kinh tế. Do đó, chiến lược cốt lõi trong 5-10 năm tới là làm sao để phát triển sức mạnh nội tại, tạo ra động lực tăng trưởng từ chính khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong nước và tiêu dùng nội địa.

Nền tảng để hiện thực hóa sức mạnh nội tại này chính là một cuộc cách mạng về cơ sở hạ tầng, được hậu thuẫn bởi một hệ thống chính trị tinh gọn, đồng thuận và nhất quán. Tầm nhìn đến năm 2040 là một Việt Nam sở hữu mạng lưới hạ tầng đồng bộ hàng đầu khu vực, trọng tâm là dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Với quy mô 1,541 km và vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD, dự án được kỳ vọng sẽ tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế. Trong giai đoạn xây dựng, có thể đóng góp thêm 1% vào tăng trưởng GDP, tạo ra hơn 200,000 việc làm mỗi năm trong suốt thời gian thi công. Tổng giá trị đầu tư cho ngành xây dựng có thể tăng thêm khoảng 33 tỷ USD - một con số rất ấn tượng.

Quan trọng hơn, khi đi vào vận hành, tuyến đường sắt sẽ tái định hình các vành đai đô thị, tạo ra các cụm kinh tế mới, đồng thời giải quyết triệt để bài toán chi phí logistics - một trong những nút thắt lớn nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay. Để tài trợ cho những dự án lớn và sự vươn lên của khu vực tư nhân, việc phát triển một thị trường vốn vững mạnh cũng đang được xem là ưu tiên chiến lược của Chính phủ.

Yếu tố cân bằng vĩ mô liên quan đến thuế quan trong giai đoạn sắp tới

Bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Dragon Capital cho biết, rủi ro vĩ mô lớn nhất từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đã được tháo gỡ sau khi 2 nước đạt được thỏa thuận sơ bộ.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia tiên phong đạt được thỏa thuận thuế quan với Hoa Kỳ. Theo thông báo mới nhất, mức thuế được áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ là 20%. Tuy nhiên, để đánh giá đúng bản chất, cần hiểu rõ rằng đây là mức thuế “gộp” – bao gồm tổng hợp nhiều sắc thuế khác nhau.

Trước đây, mức thuế thực tế Việt Nam phải chịu khi xuất khẩu sang Mỹ thường dao động từ 3% đến 9%, tùy thuộc vào chủng loại sản phẩm và từng thời điểm cụ thể. Như vậy, phần thuế tăng thêm hiện nay thực chất chỉ rơi vào khoảng 11-17% so với mặt bằng cũ – thấp hơn rất nhiều so với mức thuế thông báo lên tới 46% từng được chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố hồi đầu tháng 4/2025.

Đối với hàng trung chuyển, những mặt hàng có nguồn gốc từ quốc gia khác (phần lớn là Trung Quốc) chỉ quá cảnh qua Việt Nam trước khi sang Mỹ – mức thuế hiện hành là 40%. Tuy nhiên, đây là nhóm hàng có giá trị gia tăng nội địa (DVA) rất thấp, tức phần đóng góp thực sự vào GDP Việt Nam là không đáng kể. Vì vậy, mức thuế cao áp lên nhóm hàng trung chuyển này gần như không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực nào đáng kể tới nền kinh tế.

Hiện tại, Việt Nam đang nằm trong nhóm các quốc gia có khung thuế quan cạnh tranh nhất trong các đàm phán thương mại với Hoa Kỳ. Từ nay đến ngày 01/08, Mỹ dự kiến sẽ công bố thêm các thỏa thuận với nhiều quốc gia khác, có thể chia thành hai nhóm chính: nhóm đồng minh truyền thống như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc; và nhóm đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Việc Việt Nam là quốc gia thứ hai ký được thỏa thuận chính thức với Mỹ được xem là tín hiệu tích cực cho thấy môi trường và khung thuế quan của Việt Nam vẫn duy trì được tính ổn định và cạnh tranh cao.

Theo đó, tác động thực tế của mức thuế này đến GDP là rất nhỏ. Trước đây, Dragon Capital từng dự phóng trong kịch bản xấu nhất, thuế có thể khiến GDP giảm 1.4-2%. Tuy nhiên, với thỏa thuận hiện tại, ngưỡng thuế chưa đủ lớn để gây ra làn sóng dịch chuyển FDI hay làm biến đổi cấu trúc thương mại, rủi ro dòng vốn rút khỏi Việt Nam là không đáng kể.

5 lĩnh vực là trụ cột cho tăng trưởng

Theo bà Đặng Nguyệt Minh, chiến lược của Chính phủ hiện nay tập trung vào việc hình thành các cụm liên kết ngành, tạo hiệu ứng lan tỏa để xây dựng quy mô và sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Mục tiêu là đưa ít nhất 20 doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm lĩnh vực được xác định là trụ cột cho sự phát triển trong những năm tới bao gồm: Công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp sinh học.

Một điểm đáng chú ý trong chiến lược này là việc khối kinh tế tư nhân lần đầu tiên được giao phó trọng trách thực hiện các sứ mệnh quốc gia. Những tập đoàn hàng đầu như Hòa Phát, Vingroup, FPT, Techcombank... đang tích cực vào cuộc, đóng vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ hơn cùng phát triển.

Để hiện thực hóa tham vọng trên, nền tảng quan trọng nhất đến từ một hệ thống chính trị được tinh gọn và hành động với tốc độ quyết liệt. Đặc biệt, Chính phủ đã được trao những cơ chế đặc thù để chủ động tháo gỡ các rào cản pháp lý. Ví dụ nổi bật là Nghị quyết 206/2025/QH15, cho phép Chính phủ gỡ vướng cho các luật chưa kịp sửa đổi. Nếu được thông qua, cơ chế này có thể khơi thông dòng vốn cho 2,200 dự án đang bị ách tắc, với tổng quy mô lên tới 235 tỷ USD, con số tương đương 50% GDP cả nước. Chỉ riêng việc giải phóng nguồn lực khổng lồ này đã được xem là một đòn bẩy mạnh mẽ, tạo ra cú hích cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.

Cát Lam

FILI - 16:42:43 12/07/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng