Tin tức
Dự báo một số xu hướng lãi suất và tỷ giá

Dự báo một số xu hướng lãi suất và tỷ giá

28/06/2005

Banner PHS

Dự báo một số xu hướng lãi suất và tỷ giá

Từ đầu năm đến tháng 6, lãi suất trên thị trường tiền tệ trong cả nước liên tục biến động theo chiều hướng gia tăng, cạnh tranh lãi suất giữa các tổ chức trung gian tài chính huy động vốn ngày càng gay gắt...

Từ đầu năm đến tháng 6, lãi suất trên thị trường tiền tệ trong cả nước liên tục biến động theo chiều hướng gia tăng, cạnh tranh lãi suất giữa các tổ chức trung gian tài chính huy động vốn ngày càng gay gắt.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2005, các ngân hàng thương mại Nhà nước đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn bằng hình thức tiết kiệm từ 3 đến 5 năm và chứng chỉ tiền gửi 12 tháng trở lên. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần mới dừng ở tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn đến 3 năm.

 

Mức lãi suất chung trên địa bàn các thành phố lớn, như Hà Nội, Tp.HCM giữa các khối ngân hàng có sự chênh lệch khá cao như sau:

 

- Đối với VND: tiền gửi 6 tháng từ 5,76%/ năm - 8,64%/năm; tiền gửi 12 tháng từ 7,2% năm - 9,12%/năm; tiền gửi 24 tháng - 36 tháng từ 8,4%/năm đến 9,76%/năm.

- Đối với USD: tiền gửi 6 tháng từ 1,12% năm - 3, 35%/năm tiền gửi 12 tháng từ 0,8%/ năm - 3,6%/năm.

 

Xuất hiện một mặt bằng lãi suất cao hơn

Hiện nay một số doanh nghiệp Nhà nước cũng phát hành trái phiếu với mức lãi suất khá cao so với lãi suất của các ngân hàng thương mại.

 

Ví dụ, từ 10/6/2005, Tổng công ty Sông Đà phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu ghi sổ kỳ hạn 3 năm với lãi suất 9,3%/năm. Một số tổng công ty khác cũng đã và đang chuẩn bị phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn, cạnh tranh huy động vốn với các ngân hàng thương mại.

 

Đợt phát hành công trái giáo dục, huy động được trên 2.600 tỷ đồng vốn cũng làm tăng thêm tính cạnh tranh trên thị trường xét từ góc độ nguồn vốn để huy động.

 

Các kênh thu hút tiền trong dân cư, như: cổ phiếu ngân hàng, cổ phần và cổ phiếu của các doanh nghiệp cổ phần hoá, chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ, đầu cơ bất động sản,... cũng làm tăng thêm mức độ cạnh tranh về nguồn vốn có thể huy động được giảm đi, gây áp lực lên lãi suất.

 

Do lãi suất huy động vốn tăng nên lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đối với khách hàng đến tháng 6/2005 cũng tăng.

 

Mức lãi suất cho vay chung như sau: Đối với VND: cho vay ngắn hạn từ 0,78%/tháng đến 1,05%/tháng, hay 9,36%/năm đến 12,06%/năm; cho vay dài hạn từ 0,9%/tháng đến 1,2%/tháng, cá biệt Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ tín dụng cho vay ở vùng nông thôn lên tới 1,35%/tháng.

 

Đối với USD cho vay ngắn hạn từ 2,3%/ năm - 6,29%/năm cho vay dài hạn tiền từ 2,7%/ năm - 5,91%/năm. Mức lãi suất cho vay thấp nhất chủ yếu của khối chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long. Mức lãi suất cho vay cao nhất là khối Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ tín dụng nhân dân.

 

Từ góc độ này cũng cho thấy khi lãi suất vay vốn quá cao sẽ ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng kinh tế và tiềm ẩn lạm phát.

 

Có thể nhận định ban đầu là đã hình thành một mặt bằng lãi suất mới trên thị trường tiền tệ. Lãi suất tăng cao phản ánh nhu cầu vốn của nền kinh tế đang cao, có thể nói đúng hơn là đang nóng lên.

 

Tình hình này một mặt giúp cho tăng trưởng kinh tế nhưng cũng cần quan tâm đến những vấn đề có thể xảy ra nếu lãi suất bị đẩy lên quá cao như nguy cơ của lạm phát, sức chịu đựng chi phí đầu vào của cả ngân hàng và doanh nghiệp, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm...

 

Nhưng áp lực tăng lãi suất huy động vốn nội tệ trên thị trường rất lớn, nên chắc chắn tới đây lãi suất huy động vốn VND, nhất là kỳ hạn trên 1 năm sẽ tăng lên. Tác động dây chuyền sẽ là lại làm tăng lãi suất cho vay VND.

 

Dự báo một số xu hướng lãi suất và tỷ giá

Lãi suất của các ngân hàng thương mại Nhà nước sau một thời gian thấp hơn nhiều lãi suất của các ngân hàng thương mại cổ phần nay đã gần tương đương khiến sự cạnh tranh lãi suất ngày càng gay gắt hơn. Trong khi đó, phong cách và thái độ phục vụ khách hàng của các ngân hàng thương mại cổ phần đã có sự tôn trọng khách hàng hơn.

 

Do đó trong thực tế, đang có tình trạng vốn tiền gửi của dân cư chạy từ ngân hàng thương mại Nhà nước sang ngân hàng thương mại cổ phần.

 

Khoảng cách giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ đã gần lại nhau hơn sau khi các ngân hàng tăng lãi suất ngoại tệ theo hướng tăng lãi suất thị trường vốn liên bang của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhưng vẫn còn ở mức xa và mức tăng lãi suất ngoại tệ chưa tác động mạnh đến nhu cầu gửi và vay vốn ngoại tệ của khách hàng.

 

Tình trạng chung vẫn là, doanh nghiệp thích gửi ngoại tệ có kỳ hạn, người dân thích gửi nội tệ vì lãi suất cao và tỷ giá VND/USD ổn định. Doanh nghiệp thích vay vốn ngoại tệ hơn vì lãi suất thấp và tỷ giá cũng ổn định.

 

Về diễn biến tỷ giá, trong 5 tháng đầu năm 2005, đồng Đô-la Mỹ thực sự mạnh trở lại so với các loại ngoại tệ chủ đạo khác, nhất là Euro. Tuy nhiên trái ngược với xu hướng đó thì giá giữa VND/USD lại ổn định.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2005 tỷ giá VND/USD chỉ tăng có 0,3%, còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước thì tỷ giá tăng 0,52%. Song dù số liệu nào đi chăng nữa thì mức tăng nói trên là rất thấp, tức ổn định.

 

Việc ổn định tỷ giá do cung ngoại tệ tăng khá, còn cầu ngoại tệ luôn được đáp ứng kịp thời. Nguồn ngoại tệ liên tục được bổ sung bởi nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu, ngoại tệ từ hoạt động du lịch quốc tế, từ kiều hối, từ tiền của người Việt Nam đi xuất khẩu lao động và sinh sống ở nước ngoài chuyển về, bởi nguồn vốn ngoại tệ huy động được từ thị trường trong nước.

 

Tỷ giá ổn định sẽ tạo thuận lợi cho cả xuất khẩu, nhập khẩu, vay nợ nước ngoài. Dự báo trong các tháng cuối năm 2005, tỷ giá VND/USD tiếp tục ổn định cho dù lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng.

 

Nguyên nhân cơ bản vẫn là do cung cầu USD thị trường trong nước diễn biến tích cực. Nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu vẫn được các ngân hàng thương mại đáp ứng kịp thời.

 

Một số ngân hàng thương mại vẫn còn một nguồn vốn ngoại tệ quan trọng đang đầu tư trên thị trường tiền tệ quốc tế để hưởng lãi suất. Quỹ dự trữ quốc gia về ngoại tệ tiếp tục được tăng cường.

 

Còn tỷ giá giữa VND và Euro, Yên Nhật, Bảng Anh, Đô-la Úc, Đô-la Singapore,... có xu hướng giảm, với mức độ giảm khác nhau. Đối với hoạt động xuất khẩu được thanh toán bằng các đồng tiền đó thì bị thiệt, nhưng các hợp đồng nhập khẩu, các khoản nợ vay phải thanh toán bằng các loại ngoại tệ đó thì được lợi.

 

Tuy nhiên, tỷ trọng thanh toán của các doanh nghiệp Việt Nam bằng các đồng tiền đó không lớn, nên ít có ảnh hưởng.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng