ECB duy trì lãi suất thấp để phục hồi kinh tế
Theo đánh giá sơ bộ, nhiều nước phát triển và EU bắt đầu phục hồi từ quí 3/2009 sau 5 quí suy giảm liên tiếp, nên các chính phủ đang lập kế hoạch và xác định thời điểm rút các gói kích thích tài khóa. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế lo ngại sau khi dữ liệu về sản lượng tháng 10-11/2009 cho thấy tốc độ phục hồi chậm dần nếu không nói là đang biến mất. IMF cũng đưa ra dự báo là các nền kinh tế phát triển có thể rơi vào tình trạng các gói hỗ trợ trở nên mất tác dụng một cách nhanh chóng do phục hồi chưa vững chắc, vấn đề tạo việc làm và tăng chi tiêu cá nhân còn khó khăn.
Tại EU, số liệu tháng 12 cho thấy kinh tế được cải thiện hơn so với kỳ vọng, rủi ro đã qua đi, sản lượng công nghiệp chế tạo tăng cao nhất trong 21 tháng qua và khu dịch vụ tăng nhanh hớn so với tháng 11, kinh tế EU có thể sẽ tăng 1,2% trong năm nay và lạm phát điều chỉnh ở 1,2%, thấp hơn mục tiêu lạm phát 2,0% do ECB đề ra. Tuy nhiên, thất nghiệp lại tăng trên 10%, doanh thu bán lẻ đạt thấp, cung tiền thấp kỷ lục từ trước đến nay, kinh tế của khu vực này phụ thuộc chủ yếu vào CHLB Đức, CH Pháp và Italia, trong khi cả 3 nền kinh tế này phục hồi rất chậm, cụ thể là:
− Kinh tế Đức giảm 5% trong năm 2009 nên phục hồi chậm chạp, nhu cầu tiêu dùng yếu ớt, mặc dù xuất khẩu cải thiện đáng kể và chính phủ Đức đã chi 4,4 tỉ euro để trợ cấp đổi xe cũ lấy xe mới với mức trợ cấp 2.500 euro/xe, làm tăng số lượng xe bán ra thêm khoảng 1 triệu chiếc, nhập khẩu giảm sút và kỳ vọng trung hạn không lạc quan không thể bù đắp được nhu cầu trong tương lai gần;
− Kinh tế Italia dự kiến chỉ tăng 0,7% trong năm 2010 sau khi suy giảm trong 2 năm trước;
− Kinh tế Pháp bị thiệt hại ít nhất trong số 16 nước EU và GDP có thể sẽ tăng 1,4% (dự báo trước đó là 0,75%) sau khi giảm 2,25% năm 2009.
Do kinh tế phục hồi chậm, rủi ro còn cao nếu EU rút lui các gói hỗ trợ quá sớm, nên ECB dự kiến sẽ duy trì lãi suất thấp 1,0% cho tới quí 4/2010. Sau thời gian đó, lãi suất sẽ được điều chỉnh lên 1,5% khi kinh tế phục hồi vững chắc và tăng dần. Mục tiêu của việc duy trì lãi suất thấp là đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát, đồng thời có tác dụng phòng ngừa nguy cơ tái diễn suy thoái. Mặt khác, ECB phải có hành động theo hướng duy trì lãi suất và khả năng tiếp cận tín dụng do đồng euro tăng giá sẽ có hại cho phục hồi kinh tế của các nước EU, làm giảm năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, EU đang phải đối mặt với tình trạng nợ nần của nước thành viên Hy Lạp – một thách thức lớn nhất kể từ khi đồng tiền chung được thiết lập và việc duy trì lãi suất thấp là cần thiết. Ngoài việc tìm kiếm giải pháp và gây sức ép pháp lý buộc chính phủ Hy Lạp phải có kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách, các nước EU cũng phải tính đến phương án hỗ trợ (dưới hình thức cho vay), tình trạng nợ nần của Hy Lạp cũng ảnh hưởng đáng kể đến lòng tin thị trường và mức tín nhiệm của khu vực sử dụng đồng euro, làm tăng chi phí vay vốn và gây khó cho các ngân hàng Hy Lạp, nhưng cũng gây tổn thương cho các chủ nợ của Hy Lạp và phát sinh hàng loạt vấn đề.
Với mức thâm hụt năm 2009 tăng lên 12,7% GDP và nợ quốc gia đã vượt trên 120% so GDP, chính phủ Hy Lạp đã trình kế hoạch tài khóa cho 3 năm để Ủy ban châu Âu ra phán quyết cuối cùng vào trung tuần tháng 2/2010. Theo kế hoạch này, thâm hụt ngân sách sẽ giảm xuống 8,7% GDP vào năm nay và còn 2,8% vào năm 2011 thông qua biện pháp chủ yếu là giảm mạnh chi phí lương trong khu vực công và cán bộ hưu trí, nhưng việc này sẽ vấp phải các phản ứng xã hội như nhiều nước đã thực hiện các chương trình điều chỉnh của IMF, trong khi Hy Lạp là nước có các tổ chức công đoàn mạnh và truyền thống về biểu tình, những cố gắng tiết kiệm chi tiêu của chính phủ trong những năm thành đạt trước đây đều không thành công. Theo đánh giá của dư luận và các chuyên gia kinh tế, chính phủ Hy Lạp đang phải đứng trước hai sự lựa chọn là thực hiện các cam kết trả nợ hoặc bị khai trừ khỏi khu vực EU.
Như vậy, phục hồi kinh tế mong manh là yếu tố chủ yếu tác động đến ECB trong việc duy trì lãi suất thấp, ngoài ra là yêu cầu đảm bảo cân đối tiền tệ và lạm phát, uy tín của các nước EU, giảm tỉ lệ thất nghiệp và khắc phục các vấn đề xã hội.
Văn Thanh
SBV