Tin tức
EU hối thúc tìm giải pháp dứt điểm vấn đề nợ công

EU hối thúc tìm giải pháp dứt điểm vấn đề nợ công

18/07/2011

Banner PHS

EU hối thúc tìm giải pháp dứt điểm vấn đề nợ công

Khu vực đồng euro phải đưa ra giải pháp rõ ràng tại cuộc họp thượng đỉnh sắp tới nhằm kéo Hy Lạp ra khỏi bờ vực vỡ nợ công và tránh đẩy các nền kinh tế lớn hơn trong khu vực lún sâu vào khó khăn tài chính.

Một số lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đưa ra cảnh báo này ngày 17/7 trong bối cảnh các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro tại cuộc họp ngày 11/7 vừa qua không đạt thỏa thuận về gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp.

Phát biểu trên Đài phát thanh ARD, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng tại cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 21/7 tới, Khu vực đồng euro phải phát tín hiệu ổn định để triển khai gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp. Bà Merkel tuyên bố sẽ chỉ tham dự nếu cuộc họp sắp tới đem lại kết quả.

Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou nhấn mạnh đã đến lúc Khu vực đồng euro phải "tỉnh giấc" để tìm giải pháp dứt khoát cho cuộc khủng hoảng nợ công của đất nước ông.

Trả lời phỏng vấn của tờ Thời báo Tài chính Đức, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet cảnh báo các chính phủ Khu vực đồng euro sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Hy Lạp vỡ nợ.

Chủ tịch Trichet cho biết ông đã nhiều lần nhắc nhở những người đứng đầu nhà nước và chính phủ Khu vực đồng euro rằng trong trường hợp một nước nào đó trong khu vực vỡ nợ công, ECB sẽ không thể chấp nhận trái phiếu của nước này như một sự đảm bảo chính thức. Khi đó, các nước khác trong khu vực sẽ phải tự giải quyết tình hình.

Thất bại tại cuộc họp bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro ngày 11/7 vừa qua đã làm chao đảo các thị trường trái phiếu và tiền tệ khu vực.

Diễn biến này còn gây tâm lý hoang mang tình trạng vỡ nợ ở Hy Lạp có thể tác động đến các nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư như Italia và Tây Ban Nha, đồng thời làm gia tăng lời đồn đoán rằng Athens sẽ rút khỏi Khu vực đồng euro hoặc khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ tan vỡ.

Hiện tại, giới chức Khu vực đồng euro đang xem xét khả năng mua lại nợ của Hy Lạp nhằm giảm nhẹ sức ép ngắn hạn đối với quốc gia đang phải gánh khoản nợ khổng lồ lên tới 340 tỷ euro (480 tỷ USD, tương đương 150% GDP). Điểm mấu chốt trong giải pháp này là mức độ tham gia của các nhà cho vay tư nhân.

Theo bà Merkel, Khu vực đồng euro đã làm hết sức mình để tránh kịch bản tồi tệ hơn là lôi kéo sự tham gia của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, sự tham gia của khu vực tư nhân chứng tỏ khủng hoảng nợ ở Hy Lạp rất nghiêm trọng.

Các quan chức EU cũng đưa ra kế hoạch cho Athens vay tiền để mua lại nợ của chính mình với giá thấp hơn trên thị trường thứ cấp, thực chất là kéo dài thời hạn thanh toán nợ cho Hy Lạp.

Một số quan chức đề xuất phát hành trái phiếu Khu vực đồng euro để lấy tiền cho Hy Lạp vay với lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann phản đối với lý do đề xuất này không công bằng đối với người nộp thuế trong khu vực.

Thành viên Ban Giám đốc ECB Lorenzo Bini Smaghi gợi ý sử dụng Cơ chế Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) để mua lại trái phiếu của Hy Lạp.

Theo ông Smaghi, quyết định này có thể khuyến khích các nhà đầu tư trái phiếu tư nhân bán trái phiếu theo giá thị trường, hiện thấp hơn 50% so với mức phát hành. Khu vực nhà nước sẽ được lợi về tiền tệ khi mua lại những trái phiếu này.

Là nước đóng góp chính cho ngân sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Mỹ tuyên bố tiếp tục ủng hộ các nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp.

Phát biểu sau buổi làm việc cùng ngày 17/7 với giới chức Hy Lạp tại thủ đô Athens của nước này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định Washington sát cánh cùng chính phủ và người dân "xứ sở thần thoại" trên con đường ổn định kinh tế và thịnh vượng.

Mặc dù đã nhận được gói cứu trợ trị giá 110 tỷ euro (160 tỷ USD) từ EU và IMF với cái giá phải thực hiện một loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng" không được lòng dân, Hy Lạp vẫn nợ chồng chất trong khi không còn khả năng huy động vốn trên thị trường.

Nước này cần gói cứu trợ thứ hai với qui mô tương tự gói cứu trợ thứ nhất để chặn đứng nguy cơ vỡ nợ công./.

Vietnam+

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng