EU muốn hạn chế hàng dệt may Trung Quốc
Trước thềm cuộc gặp với Trung Quốc sẽ diễn ra trong tuần sau, Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo rằng họ có thể tiến hành các biện pháp phù hợp để hạn chế số lượng nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc đang tăng nhanh kể từ đầu năm nay...
Trước thềm cuộc gặp với Trung Quốc sẽ diễn ra trong tuần sau, Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo rằng họ có thể tiến hành các biện pháp phù hợp để hạn chế số lượng nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc đang tăng nhanh kể từ đầu năm nay.
Ngành dệt may châu Âu và Mỹ đã và đang chịu thiệt hại do làn sóng sản phẩm dệt may giá rẻ từ các nước đang phát triển bắt đầu tràn vào từ đầu năm, thời điểm hệ thống hạn ngạch dệt may hết hiệu lực. Hôm 10/3, lãnh đạo nhiều công ty dệt may đã yêu cầu Ủy ban châu Âu tiến hành các biện pháp tự vệ để ngăn chặn sự gia tăng số lượng sản phẩm quần áo nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Claude Veron-Reville, phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu, cho biết vào thời điểm hiện tại, các nhà lãnh đạo EU vẫn chưa nhận được các số liệu đáng tin cậy về số lượng nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc kể từ ngày 1/1 từ các nước thành viên. Đây là một điều kiện quan trọng để tiến hành xem xét các cáo buộc đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc.
Số liệu do Hiệp hội dệt may Trung Quốc công bố hôm 10/3 cho thấy số lượng hàng dệt may và đồ trang sức xuất khẩu của nước này đã tăng mạnh từ 1/1.
Việc EU có được các số liệu của mình là rất quan trọng, vì theo quy chế của Tổ chức Thương mại Thế giới, các biện pháp tự vệ chỉ có thể được áp dụng đối với một mặt hàng nhập khẩu nào đó khi có bằng chứng cho thấy mặt hàng đó đe dọa nghiêm trọng nền công nghiệp trong nước.
Để có thể thực hiện các biện pháp tự vệ, Ủy ban châu Âu phải được yêu cầu hành động bởi ít nhất một nước thành viên. Nhưng cho đến nay, việc đó vẫn chưa xảy ra.
Một nguồn tin cho biết nước đầu tiên yêu cầu tiến hành các biện pháp tự vệ sẽ đứng trước nguy cơ mất đi mối quan hệ mậu dịch tốt đẹp với Trung Quốc trong bối cảnh các công ty của họ đang đổ xô vào thị trường khổng lồ này. Vì thế, Veron-Reville cho rằng biện pháp tự vệ sẽ là giải pháp cuối cùng.
Trung Quốc, nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, hiện đang chiếm 28% thị phần thị trường dệt may toàn cầu. Các chuyên gia kinh tế nhận định nước này sẽ được lợi nhiều nhất từ việc dỡ bỏ quy chế hạn ngạch dệt may.
VnE