Eurozone có thể có thêm các nạn nhân mới do khủng hoảng tài chính
Sau các ngân hàng, một số nước yếu trong khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) có nguy cơ là nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng tài chính. Tình hình hiện nay đòi hỏi các nước thành viên phải có các biện pháp ứng phó. Báo Le monde (Pháp) số ra ngày 2/2 phân tích quan điểm của Pháp về vấn đề này.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng Châu Âu hiện không có người chỉ huy, trong khi cuộc khủng hoảng tài chính còn kéo dài. Ông Sarkozy muốn tổ chức một hội nghị bất thường của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ thuộc Eurozne trong tháng 2/09, không đợi Hội đồng châu Âu họp vào 19 và 20/3. Mục đích nhằm thể hiện sự đoàn kết trong liên minh tiền tệ và đạt được cam kết về một khoản ngân sách tối thiểu nhằm ngăn chặn các đợt "bão" tài chính tấn công các nước yếu nhất như trường hợp của Ailen và Hunggari.
Một tháng sau khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU, Tổng thống Pháp đánh giá tương lai của Liên minh châu Âu (EU) trở nên khó đoán định. Cả Séc và Ủy ban Châu Âu (EC) đều bị cho là thụ động. Chủ tịch EC, ông José Manuel Barroso, bị chỉ trích là cả nể với các nước thành viên. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 26/1, ông Sarkozy bày tỏ sự lo lắng đối với tương lai của Eurozone. Ngày hôm sau, trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo cánh hữu, ông Sarkozy nhận định rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng Mỹ chỉ mới bắt đầu và lo ngại về tính dễ bị tổn thương của các nước yếu nhất khu vực, chẳng hạn như Hy Lạp.
Sau các ngân hàng, tiếp đến các quốc gia sẽ là nạn nhân của sự mất lòng tin trên các thị trường tài chính. Đối với các khoản nợ 10 năm, Hy Lạp phải trả lãi suất là 5,8%, Ailen là 5,5%, so với mức 3,8% ở Pháp và 3,3% tại Đức. Đây là khoảng cách lớn nhất từ khi thành lập Eurozone.
Trong khi đó, nước Đức và các chuyên gia tài chính không hài lòng với các cảnh báo của ông Nicolas Sarkozy vì cho rằng điều này có thể làm châu Âu lo ngại và tiếp tay cho hiện tượng đầu cơ.
Dự kiến vào ngày 5/2 tới, ông Sarkozy sẽ phát biểu trên truyền hình về vấn đề trên. Ông hy vọng sẽ xây dựng được một luận thuyết, hoặc một cách thức để không bị động đối phó với các trường hợp khủng hoảng kinh tế. Ông cũng nhắc lại trường hợp đáng buồn của Hunggari phải nhờ tới sự trợ giúp của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); ông muốn đảm bảo rằng châu Âu từ nay có thể làm chủ ngôi nhà của mình. Pháp cũng cho rằng sự can thiệp của IMF có thể hiểu như những bước đầu tiên hướng tới sự tan vỡ của Eurozone.
Để làm được điều này, hiện có hai giải pháp được nhắc đến. Hoặc để các quốc gia đang có vấn đề tự giải quyết bằng một kế hoạch hà khắc. Đức ủng hộ phương án trên với lập luận: "Chính thị trường sẽ buộc các quốc gia phải điều chỉnh hợp lý hơn. Đó là hình phạt thích đáng". Giải pháp thứ hai là các nước EU cứu giúp nhau. Điều này sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng về pháp lý và chính trị. Điều 101 của hiệp ước Maastricht cấm các ngân hàng trung ương cứu giúp lẫn nhau và nhờ nhà nước trợ giúp. Yêu cầu này do Đức soạn thảo vì nước này không muốn cung cấp tài chính cho các nước được gọi là thuộc câu lạc bộ Địa Trung Hải (Club Med) bao gồm Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp vốn không thể làm chủ được nguồn ngân sách tài chính. Pháp hiện nghiêng theo phương án hai. Một Bộ trưởng Pháp đánh giá: "Nếu bị bó hẹp trong câu chữ của các bản hiệp ước, chúng ta sẽ bị giam trong ngục". Tổng thống Pháp đang tìm cách thuyết phục Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Jean Claude Trichet -người không tin sẽ xảy ra sự đổ vỡ trong Eurozone. ECB tuyên bố chỉ thực hiện trong khuôn khổ các hiệp ước. Theo ECB, việc thiết lập một cơ quan của châu Âu chịu trách nhiệm cấp các khoản cho vay nhà nước chỉ làm tăng các rủi ro, giảm khả năng trợ giúp tín dụng khẩn cấp cho các nước yếu nhất.
Tổng thống Pháp hy vọng sẽ giàn xếp để đạt được một thỏa thuận với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp tại Munich vào ngày 7/2 tới, trước phiên họp ngày 22/2 của Eurozone tại Béclin.
ttxvn