First Sale Valuation: Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt tiết kiệm thuế khi xuất khẩu sang Mỹ
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và hải quan Mỹ tăng cường kiểm soát trị giá khai báo, "First Sale Valuation" (FSV) đang trở thành công cụ đáng chú ý để doanh nghiệp Việt tối ưu chi phí thuế. Tuy nhiên, nếu áp dụng sai cách, doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro kiểm toán hoặc bị truy thu thuế.
Tại hội thảo do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức, các chuyên gia logistics quốc tế cảnh báo nhiều doanh nghiệp Việt đang khai báo trị giá thấp để giảm thuế, nhưng không chuẩn bị đủ hồ sơ chứng minh hợp lệ. Điều này dẫn đến nguy cơ bị cơ quan hải quan Mỹ kiểm tra sâu.
FSV là cơ chế cho phép nhà nhập khẩu Mỹ khai báo trị giá tính thuế dựa trên giao dịch đầu tiên trong chuỗi cung ứng - tức giá mà nhà sản xuất tại Việt Nam bán cho đơn vị trung gian - thay vì giá bán cuối cùng đến nhà nhập khẩu. Mục tiêu là loại bỏ phần cộng thêm từ trung gian ra khỏi giá trị khai báo, qua đó giảm số thuế phải nộp.
Để được chấp thuận áp dụng FSV, doanh nghiệp cần chứng minh rõ ràng chuỗi 3 bên (nhà sản xuất - trung gian - nhà nhập khẩu) với đầy đủ hợp đồng, hóa đơn, chứng từ vận chuyển và các khoản chi phí được tách biệt như vận tải nội địa, kiểm dịch hay thủ tục thông quan.
Ví dụ thực tế cho thấy, một doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu áo thun từ Việt Nam với giá trị lô hàng 100,000 USD. Nếu không áp dụng FSV, toàn bộ số tiền này bị tính thuế nhập khẩu với mức 26.5%, tương đương 26,500 USD. Ngược lại, nếu khai báo theo giá bán đầu tiên là 85,000 USD, thì thuế phải nộp chỉ còn 22,500 USD, tiết kiệm gần 4,000 USD mỗi lô hàng. Với 100 chuyến hàng mỗi năm, con số tiết kiệm có thể lên tới 400,000 USD.
Nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi liệu có thể "bóc tách" các khoản như chi phí vận chuyển, thông quan hay xin cấp CO để không tính vào trị giá khai báo. Câu trả lời là có, miễn là những chi phí này không nằm trong giá xuất xưởng (EXW) và được chứng minh bằng chứng từ rõ ràng.
Bên cạnh FSV, một cách khác giúp giảm thuế là điều chỉnh điều kiện giao hàng từ FOB sang EXW. Với FOB, các chi phí vận chuyển nội địa - từ nhà máy tới cảng - thường bị cộng vào trị giá khai báo và chịu thuế. Khi chuyển sang EXW, các khoản này được tách khỏi hóa đơn thương mại và không còn nằm trong trị giá tính thuế.
Theo ông Nunzio De Filippis - CEO Cargotrans USA, nếu mỗi lô hàng có chi phí vận chuyển nội địa khoảng 5,000 USD, thì với vài chục chuyến hàng mỗi năm, doanh nghiệp có thể tiết kiệm hơn 130,000 USD chỉ nhờ thay đổi điều kiện Incoterms mà không cần điều chỉnh sản phẩm hay quy trình sản xuất.
![]() Ông Nunzio De Filippis - CEO Cargotrans USA tại sự kiện. Ảnh: Tử Kính
|
Để tận dụng hiệu quả, doanh nghiệp còn cần am hiểu về mã HS (phân loại hàng hóa), xác định đúng xuất xứ nguyên liệu và chủ động hoàn thiện hồ sơ từ sớm. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thuế mà còn giảm thiểu nguy cơ bị kiểm toán hoặc truy thu về sau.
FSV đã tồn tại từ năm 1989. Tuy vậy, việc triển khai đúng cách và đầy đủ vẫn là thách thức lớn với nhiều doanh nghiệp Việt. Trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh kiểm tra bằng công nghệ, không ít trường hợp đã bị yêu cầu bổ sung hồ sơ vì khai báo chưa đầy đủ hoặc chưa đạt điều kiện áp dụng.
"Đây là một công cụ phổ biến trong ngành may mặc mà chúng tôi đã áp dụng hàng chục năm qua", ông Nunzio cho biết. "Một đối tác của chúng tôi đã sử dụng FSV suốt hơn 30 năm, nhưng đến nay vẫn còn rất ít doanh nghiệp Việt thật sự hiểu rõ và tận dụng hiệu quả. Đã đến lúc các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu và đầu tư nghiêm túc vào cơ chế này".
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng FSV không phù hợp với mọi trường hợp. Việc áp dụng đòi hỏi hiểu biết chuyên sâu về luật hải quan Mỹ, cùng sự tư vấn chuyên nghiệp ngay từ giai đoạn chuẩn bị hồ sơ để đảm bảo tính pháp lý và tối ưu hóa lợi ích thực tế.
Giải đáp tình huống thực tế tại hội thảo Câu hỏi 1: Doanh nghiệp tôi xuất hàng nội thất sang Mỹ theo điều kiện FOB. Trên hóa đơn, tôi có ghi rõ giá EXW là 20,000 USD và tách riêng các chi phí vận chuyển nội địa như trucking, thông quan… với đầy đủ chứng từ. Trong trường hợp này, khi khách hàng bên Mỹ làm thủ tục nhập khẩu, trị giá tính thuế sẽ được tính theo giá EXW hay vẫn là giá FOB như thông lệ? Liệu tôi đang hiểu đúng về First Sale Valuation không? Trả lời: Việc bạn ghi rõ giá EXW và tách các khoản chi phí nội địa trong hóa đơn FOB là chưa đủ để được áp dụng mức trị giá khai báo theo EXW. Theo quy định của hải quan Mỹ, nếu bạn sử dụng điều kiện FOB, toàn bộ chi phí từ nhà máy đến cảng - dù có được thể hiện riêng hay không - vẫn bị tính gộp vào trị giá khai báo và chịu thuế. Để có thể khai báo trị giá tính thuế theo giá EXW, doanh nghiệp cần chính thức thay đổi điều kiện giao hàng từ FOB sang EXW. Khi đó, phần chi phí vận chuyển nội địa và các dịch vụ liên quan sẽ không nằm trong hóa đơn thương mại nữa, mà sẽ được chuyển sang hóa đơn riêng do đơn vị giao nhận phát hành. Đây là điểm khác biệt then chốt: khách hàng Mỹ vẫn phải trả các chi phí đó, nhưng không phải trả thuế nhập khẩu cho phần này nữa. Hải quan Mỹ không cho phép tách dòng chi phí trong điều kiện FOB để làm giảm trị giá tính thuế. Muốn được chấp nhận, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh Incoterms về EXW một cách chính thức. Với các doanh nghiệp có khối lượng xuất khẩu lớn, việc thay đổi này có thể mang lại mức tiết kiệm đáng kể mỗi năm. Câu hỏi: Doanh nghiệp tôi hoạt động trong lĩnh vực thép. Theo tôi tìm hiểu, để áp dụng FSV cần có chuỗi 3 bên - tức nhà sản xuất, trung gian và nhà nhập khẩu. Trong trường hợp công ty tôi mua nguyên liệu thép từ một đơn vị cung cấp, thì khi khai báo hải quan có phải sử dụng hóa đơn đầu tiên trong chuỗi giao dịch không? Ngoài ra, doanh nghiệp tôi nhập thép từ Trung Quốc, sau đó gia công thành nhà thép tiền chế rồi xuất sang Mỹ. Vậy phần giá trị gia công này có bị tính trong thuế Section 232 không? Thuế nhập khẩu sẽ áp dụng trên toàn bộ giá trị đơn hàng, hay chỉ tính trên phần nguyên liệu thép? Trả lời: Đúng, sản phẩm của bạn - nhà thép tiền chế - thuộc diện chịu thuế theo Section 232, hiện đang áp dụng mức 50% đối với thép nhập khẩu, không phân biệt đến từ Trung Quốc hay Hàn Quốc. Tuy nhiên, một sai sót phổ biến là nhiều doanh nghiệp đang khai báo thuế này trên toàn bộ giá trị thành phẩm, trong khi quy định chỉ yêu cầu tính thuế 50% trên phần giá trị của nguyên liệu thép hoặc sản phẩm phái sinh từ thép. Để thực hiện đúng, bạn cần tách riêng chi phí của phần thép trong sản phẩm và thể hiện rõ trong tờ khai riêng. Các chứng từ cần có bao gồm: hóa đơn mua nguyên liệu, định mức sản xuất, bill of materials và hồ sơ xác định tỷ lệ thép trong sản phẩm cuối cùng. Phần còn lại - tức phần gia công, phụ kiện hoặc giá trị gia tăng khác - sẽ chỉ chịu mức thuế nhập khẩu thông thường (ví dụ 10%). Bên cạnh đó, bạn vẫn có thể áp dụng song song cơ chế First Sale Valuation. FSV cho phép khai báo trị giá tính thuế dựa trên giá bán đầu tiên trong chuỗi cung ứng, miễn là bạn chứng minh được chuỗi 3 bên minh bạch. Tuy nhiên, FSV và Section 232 là hai cơ chế độc lập, và cả hai đều cần được xử lý riêng biệt theo đúng quy trình. Việc áp dụng FSV không làm thay đổi hay loại bỏ nghĩa vụ tách riêng phần giá trị thép để khai Section 232. Về nguồn gốc, nếu bạn mua thép từ một nhà cung cấp tại Việt Nam nhưng họ nhập khẩu từ Trung Quốc, bạn vẫn phải khai nguồn gốc là Trung Quốc. Hải quan Mỹ yêu cầu rõ ràng về xuất xứ hàng hóa - không phải theo nơi bạn mua, mà theo nơi sản xuất thực tế của nguyên liệu thép. Thông tin này dù không thay đổi mức thuế suất, nhưng là một phần bắt buộc trong hồ sơ kiểm tra và báo cáo của hải quan Mỹ. |
Tử Kính