G20 bất đồng về giải cứu kinh tế toàn cầu
Ngày 14/3 tại Horsham, Anh, diễn ra hội nghị bộ trưởng tài chính các nước công nghiệp phát triển và các nước đứng đầu nhóm quốc gia đang phát triển (G20) nhằm tìm ra tiếng nói chung trong việc giải cứu nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.
Hội nghị được tổ chức trước Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tổ chức tại London, Liên hiệp Anh, vào ngày 2/4 tới. Mục đích chính của Hội nghị là chuẩn bị nội dung cho hội nghị Thượng đỉnh G-20. Tuy nhiên, mới bước vào phiên thảo luận đầu tiên, các bộ trưởng tài chính G-20 đã chia rẽ sâu sắc, phản ánh rõ sự bất đồng về các giải pháp tài chính giữa 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại hội nghị, đại biểu Mỹ bất đồng với các đồng nghiệp châu Âu về việc áp dụng các biện pháp kích cầu mới đối với nền kinh tế toàn cầu hay phải áp dụng một chế độ tài chính nghiêm ngặt hơn.
Phía Mỹ muốn áp dụng các biện pháp tài chính kích cầu và được các nước Nhật Bản, Trung Quốc chia sẻ. Nhưng hầu hết các nước ở châu Âu lại không tán thành.
Các nước châu Âu muốn chỉ cần thắt chặt hơn nữa các qui định về tài chính ngân hàng và không nên bơm thêm tiền vào các nền kinh tế ốm yếu.
Mấy ngày qua, các quan chức cao cấp Mỹ bao gồm cả ông Lary Mummers- cố vấn kinh tế cao nhất của Tổng thống Barack Obama nói rằng các nước hàng đầu thế giới phải cố gắng đi những bước dài khởi đầu để giúp phục hồi nền kinh tế toàn cầu.
Với quan điểm này, các nhà lãnh đạo ở Washington muốn 20 nước giầu nhất thế giới bơm nhiều tiền hơn nữa vào nền kinh tế của mình.
Lý do các nước châu Âu không ủng hộ quan điểm này là, nếu chi tiêu nhiều hơn nữa, sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách vốn rất lớn hiện nay còn thâm hụt sâu hơn nữa.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đồng ý tham gia các lực lượng cùng quan điểm thắt chặt hơn nữa các qui định. Theo giải thích của châu Âu, giảm bớt chi tiêu là nhằm tránh các cuộc khủng hoảng tài chính khác trong tương lai.
Chủ tịch của nhóm bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng euro, Jean Claude Juncker của Luxembourg nói, việc Mỹ kêu gọi bơm thêm tiền mặt hơn nữa vào nền kinh tế thế giới là không phù hợp với châu Âu.
Bộ trưởng Tài chính các nước Áo, Thụy Sĩ, Luxembourg cho rằng họ sẽ nới lỏng luật bảo mật ngân hàng vốn rất nhạy cảm trước sức ép ngày càng tăng từ quốc tế. Điều này nhằm giúp cho việc thanh tra các công ty các nước có trốn lậu thuế hay không khi gửi tiền vào các ngân hàng ở ba nước trên.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng đạt được sự thỏa hiệp giữa bộ trưởng tài chính của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới về giải pháp cứu nền kinh tế toàn cầu. Ông Obama nói: Mọi người cần phải hiểu rằng chúng ta cùng nhau ở đây là vì có chung một mục đích.
Chẳng biết cuối cùng các nước giầu nhất thế giới có tìm được tiếng nói chung hay không. Nhiều nước trong số họ đang phải đối mặt với sự suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa lúc nhu cầu tiêu dùng của nhân dân đang giảm sút nhanh chóng.
Tại hội nghị, các bộ trưởng G-20 sẽ thảo luận vấn đề chống bảo hộ mậu dịch trong tình hình phải kích cầu nền kinh tế trong mỗi nước. Ngoài ra, hội nghị còn đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cấp thêm vốn cho các nước thành viên để có tiền cứu nguy cho nền tài chính một số quốc gia đang đứng trước bờ phá sản.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick- người đưa ra một trong những sự phân tích thuyết phục nhất về tình hình hiện nay- cảnh báo, năm 2009, sẽ là năm rất nguy hiểm đối với các nền kinh tế.
Trước đó, ông Robert Zoellick nhận định rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay là tồi tệ nhất kể từ năm 1930. Ông cho rằng bất kỳ gói kích cầu mới nào cũng chỉ như muối bỏ bể nếu không bình ổn được hệ thống ngân hàng.
G-20 bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Nga, Pháp, Đức, Ý, Canada, Hàn Quốc, Mexico, Brazil, Ấn Độ,...
Đ.P (Theo AFP )
Tiền Phong