“Giải cứu” doanh nghiệp ngành nhựa
Hiện nay, hơn 20% doanh nghiệp ngành nhựa đã phải đóng cửa do khó khăn vì lãi suất.
Thời gian tới các doanh nghiệp ngành nhựa cần làm gì để vượt qua khó khăn hiện nay là chủ đề được các chuyên gia tập trung bàn thảo tại hội thảo “Cùng ngành nhựa: tận dụng cơ hội để bứt phá” do Hiệp hội nhựa Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mới đây tại TP.HCM.
Theo ông Hồ Đức Lam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) hiện đã có 20% trong tổng số hơn 2.000 danh nghiệp (DN) ngành nhựa phải đóng cửa do không chịu nổi mức lãi suất từ 20-22%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2010, ngành Nhựa chính thức có 1.064 DN có số vốn từ 500 triệu đồng trở lên, do đó đặc thù của ngành hầu hết là DN vừa và nhỏ. Chính vì đặc thù đó mà trong bối cảnh hiện nay, khó nhất của DN ngành Nhựa vẫn là vấn đề vốn. Bên cạnh đó, cán cân thương mại hiện nay của ngành nhựa đang bị mất cân đối nghiêm trọng. Hiện mỗi năm ngành nhựa xuất khẩu khoảng 1,5 tỉ USD nhưng lại nhập khẩu gần 4 tỉ USD, chủ yếu là nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, theo VPA, nhiều khả năng tỷ giá hối đoái có những điều chỉnh vào cuối năm sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các DN nhựa trong việc nhập nguyên liệu về sản xuất.
Trên thực tế, để làm ra một sản phẩm nhựa bán trên thị trường, DN ngành nhựa phải nhập khẩu từ 80-85% nguyên liệu và phụ gia, trong khi chi phí nguyên liệu chiếm 70% giá thành nhưng ngành nhựa chỉ toàn tập trung vào những sản phẩm phổ thông, giá rẻ để cạnh tranh với ngành nhựa Trung Quốc.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng khó khăn hiện nay là khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu. Trong tình thế hiện nay, DN nhựa cũng như các DN khác, nên thực hiện phương châm kêu gọi góp vốn chuyển thành các công ty cổ phần; bán một số tài sản để huy động vốn; tránh vay tín dụng với lãi suất cao hơn lợi nhuận. Riêng với các DN nhựa, có thể mở rộng thị trường sang hướng mới, chú ý các thị trường tiềm năng mới như Lào, Campuchia, Myanmar.
Ở góc độ ngân hàng, ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng Techcombank cho biết, Techcombank vừa ra mắt sản phẩm cấp tín dụng cho doanh nghiệp ngành nhựa. Theo đó, các doanh nghiệp trong ngành sẽ được đáp ứng kịp thời về vốn với tỷ lệ cho vay tối đa lên đến 100% giá trị chứng từ đầu vào với tài sản đảm bảo linh hoạt: Tín chấp, hàng hóa, phương tiện vận tải hoặc quyền đòi nợ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng nhận được hỗ trợ trong việc hợp tác với đối tác nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán.
Cũng theo ông Thắng, ở giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp nên… hạn chế vay vốn, chỉ vay khi thật sự cần thiết. “ Nhiều doanh nghiệp thường đưa ra mức tăng trưởng 50 – 70% để vay lượng vốn lớn, nhưng khi đi vay thì không có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, ngân hàng sẽ không giải ngân”, ông Thắng nói và cho rằng, giai đoạn cuối năm sắp tới doanh nghiệp thường vay vốn nhiều, do đó cách tốt nhất để có thể tiếp cận được nguồn vốn là doanh nghiệp nên xây dựng mối quan hệ tốt với một số ngân hàng lớn, đảm bảo được tính thanh khoản.
Ngoài ra, về vấn đề tỷ giá cuối năm khá “căng”, do doanh nghiệp vay nhiều để trả nợ. Riêng đối với doanh nghiệp ngành nhựa phụ thuộc khá nhiều vào tỷ giá (80% nguyên liệu phải nhập khẩu), sẽ khó khăn hơn, do đó doanh nghiệp nên xem lại danh mục vốn vay. Theo các chuyên gia, giai đoạn hiện nay tỷ giá đang ổn định, doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để vay vốn bằng ngoại tệ thì sẽ có nhiều lợi thế.
Thanh Vũ
đầu tư