Tin tức
Giảm thuế VAT - Giải pháp kịp thời và củng cố nội lực dài hạn cho nền kinh tế

Giảm thuế VAT - Giải pháp kịp thời và củng cố nội lực dài hạn cho nền kinh tế

04/07/2025

Banner PHS

Giảm thuế VAT - Giải pháp kịp thời và củng cố nội lực dài hạn cho nền kinh tế

Giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) là một bước đi linh hoạt và cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, để kinh tế phục hồi bền vững, cần chuyển hướng từ hỗ trợ ngắn hạn sang kiến tạo dài hạn, với trọng tâm là củng cố nội lực và nâng cao sức chống chịu.

Sáng 17/06/2025, Quốc hội đã thông qua nghị quyết giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 01/07/2025 đến 31/12/2026, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%.

Lần giảm thuế VAT này, Chính phủ đề xuất mở rộng thêm đối tượng được giảm thuế so với quy định tại các nghị quyết trước đây và kéo dài thời gian giảm thuế đến hết năm 2026. Trong đó, kinh doanh vận chuyển, logistics, hàng hóa, dịch vụ công nghệ thông tin… thuộc đối tượng được giảm thuế.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật về thuế VAT, hoạt động dạy học, dạy nghề và dịch vụ y tế thuộc đối tượng không chịu thuế nên cũng không cần phải giảm thuế.

Đối với các dịch vụ như hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nên không cần phải giảm thuế. Còn dịch vụ viễn thông, bất động sản là những ngành có tăng trưởng trong thời gian qua và cũng không thuộc đối tượng được giảm thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo phương án Chính phủ trình, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 khoảng gần 122,000 tỷ đồng.

Giải pháp ngắn hạn linh động

Việc Quốc hội thông qua tiếp tục giảm 2% thuế VAT là một chính sách tài khóa linh động trong bối cảnh nền kinh tế đang cần thêm động lực để phục hồi sau nhiều cú sốc liên tiếp. Đây là bước đi kịp thời để hỗ trợ tiêu dùng, cải thiện dòng tiền cho các doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh hiệu quả tức thời, việc giảm thuế VAT còn được nhìn nhận như một phần trong chiến lược tài khóa dài hạn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trong ngắn hạn, chính sách giảm thuế VAT có thể phát huy tác dụng tích cực rõ rệt. Khi giá hàng hóa và dịch vụ giảm xuống, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực lên toàn bộ nền kinh tế.

Những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua như bán lẻ, du lịch, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng sẽ được tiếp thêm sức bật, giúp tăng doanh thu, lợi nhuận và tạo thêm việc làm. Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm vừa và nhỏ cũng được hưởng lợi khi có thể giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và cải thiện dòng tiền kinh doanh. Từ đó, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, tránh sa thải lao động và giảm thiểu nguy cơ phá sản.

Không chỉ hỗ trợ sản xuất kinh doanh, việc giảm thuế VAT còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô bằng cách kiềm chế áp lực lạm phát trong bối cảnh giá hàng hóa toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp. Khi giá cả không tăng quá nhanh, đời sống người dân được bảo vệ tốt hơn, niềm tin vào nền kinh tế cũng được củng cố. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và mở rộng tuyển dụng, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Xây dựng nền kinh tế nội lực vững vàng

Dù có nhiều tác động tích cực, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, giảm thuế VAT ở mức 2% chỉ là giải pháp tình thế, hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, nhưng không thể là “cây đũa thần” để giải quyết những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế. Nếu chỉ dựa vào việc cắt giảm thuế mà không có những chính sách dài hạn đi kèm, nguy cơ thâm hụt thu ngân sách sẽ gia tăng và làm chậm tiến trình cải cách cơ cấu kinh tế.

Trong dài hạn, cải cách chính sách tài khóa và hệ thống thuế là điều không thể tránh khỏi. Việc giảm thuế cần có chọn lọc, tập trung vào các ngành sản xuất, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo - lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng và việc làm chất lượng. Ngược lại, cần xem xét lại mức thuế đối với các lĩnh vực không khuyến khích hoặc không thiết yếu để bảo đảm sự hài hòa trong tổng thể chính sách thuế.

Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả thu ngân sách, khắc phục tình trạng thất thu trong ngành nghề thương mại điện tử và từ các tập đoàn đa quốc gia. Tái cơ cấu chi tiêu công, tập trung đầu tư cho các lĩnh vực nền tảng như hạ tầng, giáo dục, y tế… thay vì chỉ cho các gói kích cầu ngắn hạn.

Việc cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh cũng cần được thực hiện song song. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm rào cản pháp lý, nâng cao tính minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn mà không phải phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ từ Nhà nước.

Ngoài cung cấp các chính sách tín dụng dài hạn với lãi suất hợp lý, cũng cần đẩy mạnh chương trình thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao năng suất lao động thông qua đào tạo kỹ năng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, năng lượng xanh sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Phát triển hạ tầng giao thông, logistics và đầu tư vào kinh tế số sẽ là nền tảng để giảm chi phí, tăng hiệu quả vận hành và hội nhập thương mại toàn cầu. Khi doanh nghiệp có thể tiếp cận công nghệ, dữ liệu lớn và kết nối tốt hơn, năng lực sản xuất và tiêu dùng trong nước cũng sẽ được nâng lên.

Cùng lúc đó, cần thúc đẩy tăng thu nhập thực tế thông qua tăng năng suất lao động, khuyến khích tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh, thay vì chỉ dựa vào việc giảm giá hàng hóa.

Tựu trung, giảm thuế VAT là bước đi linh hoạt và cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh hơn trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, để kinh tế phục hồi bền vững, cần chuyển hướng từ hỗ trợ ngắn hạn sang kiến tạo dài hạn, với trọng tâm là củng cố nội lực và nâng cao sức chống chịu.

Cát Lam

FILI - 12:00:00 04/07/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng