Giao hơn 13,000 tỷ đồng vốn trung ương bổ sung cho đầu tư công trung hạn
Theo Quyết định 1402/QĐ-TTg, hơn 13,000 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương được bổ sung từ nguồn tăng thu năm 2021-2023. Các bộ, địa phương liên quan phải hoàn thành phân bổ chi tiết trước 01/07/2025, đảm bảo đúng đối tượng, mục tiêu và hiệu quả đầu tư.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành Quyết định số 1402/QĐ-TTg về việc giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương từ nguồn dự phòng chung của giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở nguồn tăng thu ngân sách trung ương các năm 2022 và 2023. Đồng thời, Chính phủ cũng giao dự toán và kế hoạch vốn đầu tư công trung ương năm 2025 cho một số bộ, địa phương.
Theo quyết định, thành phố Cần Thơ được giao 1,201 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 để thực hiện các nhiệm vụ đầu tư công năm 2025. Các bộ, địa phương khác được bổ sung tổng cộng 12,090.81 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 và 2023. Trong đó, danh mục phân bổ bao gồm Bộ Xây dựng và các địa phương Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Long.
Việc giao vốn này được thực hiện trên cơ sở danh mục các dự án đủ điều kiện, đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và đã được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 455/TTr-CP ngày 29/05/2025. Các địa phương, bộ ngành liên quan có trách nhiệm thông báo hoặc quyết định phân bổ chi tiết danh mục và mức vốn cho từng dự án theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công, các nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo đúng đối tượng, mục tiêu và hiệu quả sử dụng vốn.
Đối với thành phố Cần Thơ, thời hạn hoàn thành báo cáo phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2025 là trước ngày 01/07/2025. Tương tự, Bộ Xây dựng cùng các địa phương được giao vốn trung hạn cũng phải hoàn thành thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn trước thời hạn trên và báo cáo về Bộ Tài chính.
Các bộ, địa phương và đơn vị được giao vốn chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan liên quan về tính chính xác của nội dung, số liệu, danh mục dự án và mức vốn được bố trí. Việc thực hiện giải ngân vốn sẽ tuân thủ đúng quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công. Các cơ quan được yêu cầu báo cáo định kỳ hằng tháng, quý và năm về tình hình thực hiện và giải ngân vốn.
Bộ Tài chính có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện Quyết định 1402/QĐ-TTg, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật. Đồng thời, cơ quan này cũng chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các đề xuất, số liệu báo cáo và kết quả phân bổ, sử dụng nguồn vốn.
Tùng Phong