Tin tức
Gói kích cầu của Việt Nam cần được sử dụng thông minh

Gói kích cầu của Việt Nam cần được sử dụng thông minh

26/03/2009

Banner PHS

Gói kích cầu của Việt Nam cần được sử dụng thông minh

Để vượt qua khủng hoảng tài chính hiện nay, Uỷ ban Kinh tế - Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) của LHQ khuyến cáo Việt Nam thận trọng trong chi tiêu công, sử dụng gói kích cầu bền vững, thiết thực, dài hạn.

Điều tra tình hình kinh tế xã hội của ESCAP năm 2009 công bố sáng 26.3 tại Hà Nội cho biết, hiện nay, sự phát triển của Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực đang bị đe doạ bởi cùng lúc ba cuộc khủng hoảng: Khủng hoảng tài chính kinh tế, khủng hoảng giá lương thực và giá dầu, thách thức về biến đổi khí hậu. Khủng hoảng tài chính chỉ ảnh hưởng gián tiếp, nhưng lại rất mạnh đến Việt Nam. "Vẫn chưa tới lúc đạt tới đáy khủng hoảng" - tiến sĩ Mia Mikic (ảnh, phải), Vụ Thương mại và Đầu tư của ESCAP nhận định.

ESCAP nhấn mạnh, các gói kích cầu Chính phủ Việt Nam đã công bố cần được sử dụng thông minh, đúng mục đích, đầu tư vào các chính sách dài hạn về phát triển năng lượng và lương thực, tăng cường cho các chính sách an sinh xã hội.

Bà Mia "băn khoăn về khả năng chi trả cho các gói kích cầu. Phần lớn chúng được lấy từ trái phiếu chính phủ, do vậy, chính phủ càng cần chú ý đến hiệu quả đầu tư, nếu không 5 - 10 năm nữa sẽ có những hậu quả nặng nề".

Một hướng đi khác để giảm bớt ảnh hưởng của khủng hoảng là quay vào kích cầu nội địa là đúng đắn, cần dựa vào tiêu dùng trong nước như "hậu phương vững chắc" trong bối cảnh hiện nay.

Về khả năng trụ vững của Việt Nam trong khủng hoảng, tiến sĩ Mikic cho rằng, khả năng đó phụ thuộc vào hiện trạng của quốc gia: "Ví dụ nợ công thấp sẽ tăng cường khả năng thực hiện gói kích cầu. Hoặc khả năng chuyển từ thị trường xuất khẩu cũ sang thị trường xuất khẩu mới càng nhanh, càng năng động thì càng dễ trụ vững".

Bà Mia cũng lưu ý rằng, khu vực doanh nghiệp sẽ là khu vực giúp Việt Nam thoát ra khỏi khủng hoảng vì họ sẽ là một đối tượng thực hiện gói kích cầu của Chính phủ. Bà nói: "Doanh nghiệp phải đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế. Nhưng chính phủ phải cải thiện các khó khăn của doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, giảm thủ tục hành chính, thời gian chờ đợi của doanh nghiệp. Chính phủ cũng cần quan tâm tham gia các hiệp định thương mại để mang lại lợi ích nhiều hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sử dụng các hiệp định đó để có hoạt động thương mại mạnh mẽ hơn".

Theo dự báo của ESCAP, năm 2009, mặc dù giá gạo tăng cao ở mức kỷ lục có thể làm dịu bớt phần nào khó khăn của nền kinh tế, song tốc độ tăng trưởng GDP có thể tiếp tục giảm xuống còn 4.0%. Phân tích cụ thể của ESCAP về các tác động của khủng hoảng đối với Việt Nam cho thấy, đầu tư gián tiếp bắt đầu chạy ra khỏi Việt Nam từ năm 2008 gây biến đổi thất thường trên thị trường chứng khoán.

Xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào một số nước, đặc biệt là Mỹ; tăng trưởng ngày càng phụ thuộc vào thương mại, xuất siêu nhưng không đáng tự hào vì chủ yếu là tái xuất vàng.

Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, nhất là khi xuất hiện hiện tượng không tận dụng được thời gian làm việc.

Tỉ lệ nghèo đói ở Việt Nam giảm đi, nhưng với tốc độ chậm hơn, và đã xuất hiện một số hộ rất nghèo và thiếu đói.

Mỹ Hằng

Lao Động

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng