Hà Nội gấp rút chuẩn bị mặt bằng cho 2 tuyến đường sắt quốc gia
Với hơn 357ha đất cần thu hồi, Hà Nội đang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để kịp khởi công đồng loạt tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào tháng 8 tới.
Tại cuộc họp với các địa phương và sở ngành chiều 11/07, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài 37.5 km đi qua địa bàn các xã thuộc các huyện cũ Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, với khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) dự kiến khoảng 245.2ha. Trong đó, huyện Mê Linh (nay là Tiến Thắng, Quang Minh) cơ bản chỉ thu hồi đất nông nghiệp, không phát sinh tái định cư, với chi phí GPMB dự kiến khoảng 92 tỷ đồng.
Riêng Đông Anh (Phúc Thịnh, Thư Lâm) cần thu hồi hơn 72ha, ước tổng chi phí GPMB gần 2,200 tỷ đồng. Tại xã Phù Đổng và Thuận An (Gia Lâm), tổng diện tích thu hồi theo hai giai đoạn khoảng 198ha, bao gồm cả phạm vi nhà ga và hành lang bảo vệ hai bên tuyến.
Trong khi đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Hà Nội dài gần 28km, tổng diện tích thu hồi khoảng 112.7ha, đi qua các xã Ngọc Hồi (Thanh Trì), Thường Tín, Thượng Phúc (Thường Tín), Phượng Dực và Chuyên Mỹ (Phú Xuyên). Số hộ dân cần bố trí tái định cư tại Thường Tín lên tới 411 hộ, trong khi tại xã Ngọc Hồi (Thanh Trì) có khoảng 320 trường hợp. Tổng nhu cầu đất xây dựng khu tái định cư trên toàn tuyến ước tính khoảng 18.5ha.
Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Xây dựng cho biết đang phối hợp các đơn vị liên quan để hoàn thành rà soát hướng tuyến trong tháng 7 và bàn giao cọc mốc GPMB tại thực địa trong tháng 8. Đơn vị đề nghị thành phố tiếp tục chỉ đạo sát sao các địa phương để đảm bảo tiến độ.
Theo chỉ đạo mới nhất từ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp ngày 09/07, hai dự án sẽ được khởi công đồng loạt trên cả nước vào ngày 19/08 - đúng dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Trên tinh thần này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh yêu cầu các địa phương tăng tốc, chủ động phối hợp, thực hiện nghiêm các quy trình GPMB và tái định cư, trong đó đặc biệt lưu ý việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm địa phương.
![]() Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP
|
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh biểu dương nỗ lực của các xã trong điều kiện bộ máy mới chuyển đổi theo mô hình hai cấp, đồng thời khẳng định GPMB cho hai tuyến đường sắt quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Lãnh đạo xã phải trực tiếp đứng đầu Ban chỉ đạo GPMB tại địa phương, bảo đảm thông suốt từ chỉ đạo Trung ương đến cơ sở.
Thành phố sẽ sớm ban hành hướng dẫn phân cấp, ủy quyền cụ thể đối với các phần việc GPMB, đồng thời yêu cầu các xã chốt điểm tái định cư trong tuần sau. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng được giao nhiệm vụ khẩn trương tham mưu quy hoạch các khu tái định cư phục vụ dự án từ nay đến năm 2030.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh yêu cầu các đơn vị liên quan sớm cập nhật số liệu chi tiết về các nhà ga của hai tuyến, phối hợp triển khai GPMB hiệu quả, ưu tiên những xã đông dân cư và có diện tích thu hồi lớn, tránh tình trạng triển khai dàn trải làm ảnh hưởng tiến độ chung.
Tùng Phong