Hệ lụy từ một phán quyết
Khoản nợ khó đòi lên tới 25 tỷ đồng mà Hãng hàng không Đông Dương (ICA) gây ra cho nhà cung cấp nhiên liệu bay (Vinapco) hoàn toàn có thể tránh được nếu cách ứng xử cho những đơn vị ở thế độc quyền “bất đắc dĩ” được hướng dẫn cụ thể hơn.
Từ khoản công nợ khó tránh…
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hành chính liên quan tới việc Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) khiếu kiện các quyết định của Hội đồng Cạnh tranh liên quan đến vụ tranh chấp “Hợp đồng mua bán nhiên liệu hàng không” giữa Vinapco và Công ty cổ phần Hàng không Jestar Pacific (JPA) dự kiến sẽ được Tòa án Nhân dân TP .Hà Nội mở lại trong tháng 12/2010. Sở dĩ phải dùng từ “mở lại” là bởi phiên tòa hy hữu này từng được đặt lịch tiến hành vào ngày 30/11, nhưng đã bị hoãn với lý do chủ tọa phiên tòa bị ốm.
Theo LS. Trần Hữu Thắng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Vinapco, phán quyết của Tòa án sẽ không chỉ góp phần phân xử lại vụ việc lùm xùm gây nhiều tranh cãi giữa Vinapco và JPA, mà còn là “chìa khóa” để nhà cung cấp nhiên liệu bay này giải quyết một vụ tranh chấp thương mại với một đối tác khác - ICA.
Theo đó, việc Vinapco không được phép ngừng cung cấp nhiên liệu bay cho ICA như yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam tại Công văn hỏa tốc số 2131/CHK -TC ngày 24/6/2009 với lý do tránh gây ảnh hưởng đến hành khách, cũng như dây chuyền hoạt động chung của ngành hàng không Việt Nam đã khiến doanh nghiệp này phải “gánh” một khoản nợ rất lớn.
Tính đến thời điểm hiện tại, công nợ mua nhiên liệu bay của ICA đối với Vinapco đã lên tới 25 tỷ đồng.
Cũng cần nói thêm rằng, tình trạng nợ đọng tiền mua nhiên liệu bay của ICA đối với Vinapco đã diễn ra liên tục kể từ khi hãng hàng không tư nhân này bắt đầu thực hiện chuyến bay đầu tiên từ đầu năm 2009.
Hiện số lượng công văn gửi ICA của Vinapco với thái độ mềm mỏng có, cứng rắn có đã dày tới cả tệp, nhưng xem ra, khả năng thu hồi công nợ thành công đối với hãng hàng không tư nhân đang bị xem xét rút giấy phép bay này là cực khó.
“Hiện tại, chúng tôi thậm chí còn không liên lạc được với lãnh đạo ICA”, ông Trần Hữu Phúc, Tổng giám đốc Vinapco cho biết.
Về lý thuyết, theo Luật Doanh nghiệp, việc một đơn vị kinh doanh bị thua lỗ, mất vốn trách nhiệm đương nhiên sẽ được quy cho lãnh đạo đơn vị. Trong trường hợp của Vinapco, dù rất ý thức được nguy cơ thua lỗ, nhưng doanh nghiệp nhà nước này vẫn không thể thoát được do bị “kẹt cứng” bởi các quy định tại Luật Cạnh tranh. Theo khoản 3, điều 14, Luật Cạnh tranh, Vinapco - đơn vị duy nhất cung ứng nhiên liệu bay (trước thời điểm tháng 2/2010) bị việc cấm không được lợi dụng vị thế độc quyền để đơn phương thay đổi, hoặc hủy bỏ hợp đồng mà không có lý do chính đáng.
Theo các chuyên gia, không cần phải đợi đến khi Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu, Vinapco cũng không dám “ngừng cung cấp nhiên liệu cho ICA”. Nỗi ám ảnh về cáo buộc đã “lợi dụng vị thế độc quyền” và khoản phạt 3 tỷ đồng mà từ Hội đồng Cạnh tranh quốc gia áp đặt cho Vinapco sau khi đơn vị này tạm dừng cấp nhiên liệu bay trong vòng vài giờ cho Jetstar Pacific Airlines vào tháng 3/2008 vẫn còn quá lớn.
Theo ông Phúc, chính phán quyết này cộng với việc xác định “lý do chính đáng” để thay đổi hợp đồng là rất mập mờ đã khiến ICA lợi dụng để “ép lại” Vinapco.
Cũng cần phải nói thêm rằng, ngày 23/6/2009, sau khi nắm được điểm yếu của nhà cung cấp, ICA có văn bản số 0908/2009/ICA gửi Vinapco chấp thuận thanh toán tiền dầu hàng ngày dưới hình thức trả trước (khoảng 288 triệu đồng/ngày), nhưng lại ép đơn vị cung ứng khoanh nợ số tiền 11 tỷ đồng với lời hẹn trả dần sau khi hãng tái cơ cấu vốn vào khoảng tháng 9/2009.
“Mặc dù không tâm phục phán quyết của Hội đồng Cạnh tranh, nhưng trong khi chờ Tòa án hành chính xem xét khiếu nại, chúng tôi vẫn phải thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo điều hành từ các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”, ông Phúc cho biết.
… tới những hướng dẫn khiến doanh nghiệp bối rối
Điểm nổi cộm nhất trong quá trình xử lý vụ tranh chấp thương mại giữa Vinapco và ICA chính là những hướng dẫn mang tính “nước đôi” của 2 cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành: Cục Hàng không Việt Nam và Cục Quản lý cạnh tranh. Tại Văn bản số 273/QLCR - HCT ngày 28/4/2009 của Cục Quản lý cạnh tranh, một mặt, cơ quan nhà nước về chống độc quyền trong hoạt động kinh tế thừa nhận việc giải quyết công nợ giữa Vinapco và các khách hàng được thực hiện quy định của pháp luật và các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Cục Quản lý cạnh tranh cũng khẳng định việc Vinapco áp dụng biện pháp thu tiền trước khi tra nạp là không trái với quy định hiện hành của pháp luật cạnh tranh về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị thế độc quyền trên thị trường.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất mà Vinapco đặt ra về việc nếu họ dừng cung cấp nhiên liệu cho ICA có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không, lại không được trả lời rõ.
Riêng với văn bản hướng dẫn số 1369/CHK -TC của Cục Hàng không Việt Nam, một mặt, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Vinapco chủ động có các biện pháp hợp lệ để quản lý và thu hồi công nợ nhằm bảo toàn vốn nhà nước; mặt khác, lại yêu cầu nhà cung ứng nhiên liệu không được tự ý ngừng cung cấp nhiên liệu gây ảnh hướng đến hành khách và dây chuyền chung của cả ngành.
“Vinapco thực sự bối rối trước những hướng dẫn như vậy. Vinapco không thể đợi Cục Hàng không Việt Nam xem xét thu hồi quyền vận chuyển hàng không đối với các hãng vận chuyển không đủ điều kiện, trong khi phải nhìn số nợ tiếp tục dày thêm”, ông Phúc bức xúc.
Vinapco bối rối là phải bởi doanh nghiệp này vừa phải thực hiện nghĩa vụ bảo toàn vốn theo Luật Doanh nghiệp, vừa phải tuân theo những quy định bó buộc tại Luật Cạnh tranh.
Anh Minh
đầu tư