Tin tức
Hợp lực cho Tập đoàn than

Hợp lực cho Tập đoàn than

06/10/2005

Banner PHS

Hợp lực cho Tập đoàn than

Cả ngành than đang “tích nhiệt” để sẵn sàng cho bước phát triển mới, với mục tiêu “tạo ra một tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ cao, quản lý hiện đại, kinh doanh đa ngành...” ...

Cả ngành than đang “tích nhiệt” để sẵn sàng cho bước phát triển mới, với mục tiêu “tạo ra một tập đoàn kinh tế mạnh, có trình độ công nghệ cao, quản lý hiện đại, kinh doanh đa ngành...” đã được nêu lên trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn than Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.

 

Không khí này có thể thấy rõ ở Cọc 6, một trong những mỏ lớn nhất của ngành than, trong 45 năm qua đã khai thác được hơn 60 triệu tấn than và hiện tại vẫn tiếp tục mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất.

 

“Trong những năm tới, nhiệm vụ của Công ty sẽ còn lớn hơn nhiều khi sản lượng được giao thì cao lên, trong khi điều kiện khai thác thì khó khăn “xuống” âm hàng trăm mét nữa so với mặt nước biển!”, kỹ sư Trần Công Cây, Phó giám đốc Công ty cho biết.

 

Đáy mỏ hiện có diện tích khoảng 3 km2 sẽ tăng lên tới gần gấp 3 khi khai thác than xuống độ sâu âm 265 mét như dự kiến. Khi đó, không những phải đầu tư thêm phương tiện xe máy, mà giá thành sản phẩm cũng sẽ bị “đội lên” khá nhiều để bóc đất đá, vận chuyển than, và đặc biệt là cho công tác bơm nước.

 

Có “lực” để vực “lượng”

 

Để đáp ứng được khối lượng công việc ngày một lớn, trong năm 2004, Cọc 6 đã phải đầu tư gần 100 tỷ đồng cho trang bị phương tiện máy móc, và con số này cũng lên tới 60 tỷ đồng trong năm 2005.

 

Hiệu quả sản xuất, vì vậy cũng tăng liên tục: sản lượng bóc đất trong giai đoạn từ năm 2001 – 2005 tăng 162,9% so với giai đoạn 1996 – 2000, sản lượng than khai thác tăng 63,2%, sản lượng than tiêu thụ tăng 61,2%, hệ số bóc (m3/T) tăng 61,4%, doanh thu tăng 132,4%, lợi nhuận tăng 144%...

 

Việc đầu tư mạnh cho sản xuất đang là yêu cầu bắt buộc và là xu hướng chung của các đơn vị khai thác than.

 

Ông Phạm Minh Thảo, Giám đốc Công ty than Núi Béo cho biết, số vốn đầu tư cho trang thiết bị, phương tiện máy móc của công ty không ngừng tăng: năm 2001 là 50 tỷ đồng, năm 2002 lên 100 tỷ đồng, năm 2004 hơn 100 tỷ đồng, và năm 2005 lên tới 240 tỷ đồng. Mạo Khê - công ty có sản lượng khai thác hầm lò lớn nhất hiện nay (1,2 triệu tấn than hầm lò trong kế hoạch năm 2005) – cũng đang không tiếc tiền để mua sắm máy móc, công nghệ: 17 tỷ đồng đầu tư dự án đào lò trong đá, nâng tốc độ đào từ 40 mét dài/tháng hiện nay lên 90 – 120 mét; 16 tỷ đồng đầu tư máy đào lò trong than, nâng tốc độ đào từ 60 – 80 mét/tháng/gương lò lên 200 mét; 7 tỷ đồng đầu tư băng tải dài 1.060 mét vận chuyển than từ giếng chính về kho sàng, nhằm giảm chi phí, giảm thất thoát, nâng năng suất và giảm ô nhiễm môi trường; 8 tỷ đồng đầu tư 2 mô đun tuyển than xấu (cám 6, 6A) sang than tốt hơn (cám 5), giải phóng lượng than tồn đọng; khoảng 30 tỷ đồng đầu tư 3 trạm quạt thông gió, nâng công suất cấp khí lên gần gấp 3.

 

Công ty tuyển than Cửa Ông vừa đầu tư 20 tỷ đồng để nối dài cầu cảng thêm 250 mét, có thể tiếp nhận 4 tàu có trọng tải từ 6.500 – 7.000 tấn vào “ăn hàng” cùng lúc...

 

Theo Quyết định của Thủ tướng, ngành nghề kinh doanh của Tập đoàn than Việt Nam được mở rộng đa dạng và quy mô lớn hơn nhiều so với Tổng công ty than Việt Nam hiện nay.

 

Nhu cầu vốn đầu tư để phát triển của ngành than vì vậy cũng sẽ lớn hơn nhiều lần, nên Thủ tướng cũng đã giao cho Hội đồng quản trị Tập đoàn than Việt Nam xây dựng đề án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập Công ty tài chính than Việt Nam.

 

Trong gần 10 năm, trên vùng than đã và sẽ xuất hiện hàng chục công trình lớn mà không “làm than”: nhiệt điện Quảng Ninh, nhiệt điện Mông Dương, nhà máy sản xuất ôtô, đóng tàu, thiết bị điện... do chính nội lực của ngành than phát huy hoặc góp vốn xây dựng.

 

Công ty công nghiệp ôtô than Việt Nam có lẽ là một trong những thành viên mới nhất của “đại gia đình than” kiểu mới, nhưng cũng đã vào guồng sản xuất. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của Công ty đã đạt hơn 154 tỷ đồng, chủ yếu là từ lắp ráp xe tải (107,856 tỷ đồng).

 

Với 74 tỷ đồng đầu tư cho Dự án, sản lượng lắp ráp đã tăng từ 310 xe năm 2004 lên 1.000 xe Kamaz và Kraz trong năm 2005 này. Công suất tối đa của dây chuyền lên tới 1.800 xe vào năm 2008 (có thể mở rộng lên 3.000 xe/năm), đặc biệt là yêu cầu về tỷ lệ nội địa hoá ngày càng cao đòi hỏi phải có thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nữa.

 

Có “nhân” mới  có “quả”

 

Bước vào mô hình hoạt động mới, nhưng ngành than chắc chắn sẽ không quên truyền thống chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động. Làm công nhân than giờ đây là nghề “hút hàng” thuộc loại nhất nhì Quảng Ninh, trước hết là vì mức thu nhập tương đối cao:

 

Tại Công ty than Mạo Khê, gần 6.000 công nhân viên được hưởng mức thu nhập bình quân 2,4 triệu đồng/tháng trong năm 2004, 3,4 triệu đồng/tháng trong 6 tháng đầu năm 2005; hơn 2.500 cán bộ công nhân viên Công ty than Núi Béo có thu nhập bình quân 2,7 triệu đồng/tháng năm 2004, trên 3 triệu đồng/tháng trong 9 tháng đầu năm 2005; 4.300 công nhân viên của Cọc 6 hiện có thu nhập bình quân 3,7 triệu đồng/tháng...

 

 Không những thế, điều kiện lao động của người thợ giờ đây cũng đã và đang tốt hơn trước đây rất nhiều. Ám ảnh về những vụ tai nạn chết hàng chục người không còn nữa khi các mỏ mạnh dạn đầu tư thiết bị cảnh báo, trang thiết bị bảo hộ lao động.

 

Tại Núi Béo, 10 năm nay không để xảy ra tai nạn nặng hay chết người. Tại Mạo Khê, từ khi lắp đặt 2 hệ thống đo khí tự động của Nhật Bản và Ba Lan trị giá gần 2 triệu USD, người lao động cảm thấy an tâm hơn nhiều so với việc đo khí bằng máy cầm tay 3 lần/ca: máy đo của Ba Lan cứ 4 phút lại báo kiểm tra một lần, máy của Nhật Bản thì liên tục hiển thị trên đồ thị màn hình.

 

Bữa ăn công nghiệp 6.000 đồng/suất, ăn giữa ca 10.000 đồng/suất, ăn bồi dưỡng độc hại 12.000 – 15.000 đồng/suất là phổ biến ở các mỏ, làm cho mọi người cảm thấy không khác khi được ăn cơm ở nhà! Các mỏ cũng đều xây dựng nhà tắm nóng lạnh, xưởng giặt đồ tự động… làm cho người công nhân, nhất là những người thợ hầm lò không còn cảnh “lầm than” nữa.

 

Thống kê sơ bộ của Công ty than Cọc 6 cho thấy, hiện nay đã có hơn 60% gia đình cán bộ công nhân viên của Công ty đã có nhà ở kiên cố và nhà cao tầng, 100% gia đình có đủ tiện nghi sinh hoạt và máy thu hình...; hàng năm, Công ty còn tổ chức khám sức khoẻ định kỳ 2 lần cho công nhân lao động nặng nhọc, độc hại và lao động nữ, 1 lần cho số người còn lại; cấp được 134 sổ bệnh cho công nhân làm việc lâu năm bị mắc bệnh nghề nghiệp.

 

Ông Trần Công Cây khẳng định tầm quan trọng của việc chăm lo cho đời sống của người lao động, coi đó chính là “sự đầu tư” có hiệu quả nhất cho sản xuất: “Trong số 4.300 cán bộ công nhân viên hiện nay, số người có trình độ đại học và cao đẳng đã lên tới 460 người, là nhân tố quyết định đến tương lai phát triển mạnh hơn nhiều lần của Công ty chúng tôi”.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng