Huyền thoại Dubai sụp đổ: Siêu nhân trở thành tội đồ
Sự kiện Tập đoàn đầu tư khổng lồ Dubai World của Liên hiệp các Tiểu vương Arập thống nhất (UAE) bỗng tuyên bố ngừng trả nợ khoản tiền khổng lồ 59 tỷ USD hôm 25/11 (sau rút xuống còn dưới 30 tỷ) khiến cả thế giới tài chính chao đảo.
Báo chí thế giới trước kia đã từng tung hô Quốc vương Dubai Sheikh Maktoum là siêu nhân giờ lại quy hết trách nhiệm cho ông.
Việc Dubai không trả nợ đã trở thành vụ vỡ nợ lớn nhất thế giới kể từ sau vụ Argentina từ chối trả các khoản nợ hồi năm 2001. Dư luận lo ngại rằng sự kiện này sẽ gây nên cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu mới.
Đối tượng bị thiệt hại lớn nhất ngoài các ngân hàng của Dubai ra, còn có nhiều nhà kinh doanh Âu Mỹ đang đổ tiền vào dự án Palm Island (Đảo Cọ) nổi tiếng.
Mấy năm gần đây Dubai tấp nập xuất hiện các công trình xây dựng khổng lồ. Người ta chẳng những muốn biến Dubai thành "Thành phố thế giới" mà còn muốn nó trở thành Trung tâm tài chính tiền tệ của thế giới.
Thế nhưng giấc mộng đó nay đã sụp đổ. Việc ngừng trả nợ không những làm tổn thương danh dự của Dubai trên thế giới mà trong tương lai còn khó có thể lấy lại được lòng tin của những nhà đầu tư.
Uy tín của Quốc vương Dubai Sheikh Maktoum - người nuôi mộng tạo ra "Huyền thoại sa mạc" cũng xuống đáy bùn. Báo chí Anh Mỹ xưa nay hết lời ca ngợi ông là "Ngọn đèn pha lãnh đạo tiến trình hiện đại hoá của thế giới Arập" thì nay chỉ sau một đêm đã quy hết trách nhiệm cho cá nhân ông.
Báo chí Anh cho rằng, trong mấy năm qua, Dubai, một tiểu vương quốc không có tài nguyên dầu lửa đột nhiên trỗi dậy ở vùng Vịnh bởi các dự án xây dựng thiên đường du lịch tại đây. Một loạt các công trình lớn như "Tháp Dubai" cao nhất thế giới, "Đảo Cọ" nhân tạo khiến cả thế giới phải khâm phục.
Trong suốt thời gian dài, ảo ảnh về núi vàng ấy làm người ta mờ mắt và đã thu hút các ông chủ đầu tư, các công ty kỹ thuật và truyền thông và cả CEO các tập đoàn lớn, các chính khách trọng yếu của thế giới cũng lũ lượt đổ tới vì sợ bỏ lỡ cơ hội có mặt trong "Phố Wall Trung Đông" ấy.
Nay "tầm nhìn" của Sheikh Maktoum đã khiến mọi người chịu đòn. Từ hôm 25/11 xảy ra khủng hoảng đến nay, người ta mới biết "Tầm nhìn Dubai" chỉ là toà lâu đài xây trên cát, trống rỗng và không nền móng. Tình cảnh khốn cùng của tập đoàn Dubai World đã tuyên cáo sự tan vỡ của mô hình Dubai.
Ấy vậy mà, hôm 21-11, tại Diễn đàn kinh tế thế giới, Sheikh Maktoum đã cao giọng: "Dubai đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính, đã ổn định, đủ để tiếp tục phát triển".
Báo chí Anh cho rằng, thực ra kế hoạch phát triển của Dubai của Sheikh Maktoum là "tay không bắt giặc", vay nợ khoảng 80 tới 90 tỷ USD hoặc nhiều hơn nữa.
Khi vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng, ông đã phế bỏ người đứng đầu Trung tâm tài chính quốc tế Dubai rồi bán sạch cổ phần của Tập đoàn đầu tư Dubai do chính phủ kiểm soát, trút trách nhiệm sang đầu một số nhà đầu tư.
Báo chí Arập bình luận, mô hình Dubai hoàn toàn không giống như kiểu công khai quản lý của Hồng Kông và Singapore mà tất cả được quyết định bởi Sheikh Maktoum và mấy người thân tín. Người ngoài gọi ông là "siêu nhân" thống trị Dubai.
Quốc vương Dubai Sheikh Bin Rashid Al Maktoum năm nay 62 tuổi. Ông là Phó Tổng thống, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng UAE. Ông có hai vợ, (trong đó một người là công chúa Jordan Raja), 19 người con. Ông trở thành Quốc vương Dubai vào tháng 1/2006 khi kế vị người anh trai. Sau gần 4 năm cầm quyền, ông đã biến Dubai thành trung tâm thương mại và tài chính toàn cầu, một thiên đường du lịch. Ông viết cuốn sách "Tầm nhìn của tôi" đề nghị thế giới Arập đi theo mô hình mà ông đề ra: nhập cư, tiền tệ, lao động, các khu xí nghiệp tự do, các thiết chế cơ sở hiện đại, đổ cát lấp biển để làm giàu nhanh chóng.
Lan Hương (Theo News.creaders.net)
Tiền Phong