Tin tức
IMF: Việt Nam cần cảnh giác với “nợ ngầm”

IMF: Việt Nam cần cảnh giác với “nợ ngầm”

17/09/2010

Banner PHS

IMF: Việt Nam cần cảnh giác với “nợ ngầm”

Ngưỡng nợ công của VN đang ở mức an toàn theo các đánh giá của Chính phủ và các tổ chức quốc tế.

* Nợ nằm ngoài phạm vi bảo lãnh: “Đáng lo đấy”

Song theo đại diện cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam hôm 15.9, tại hội thảo về "Nợ công - kinh nghiệm quốc tế và bài học cho VN" do Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Tổ chức Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức, đã lưu ý rằng: VN cần tính đến những rủi ro đối với những khoản nợ mà Chính phủ không công khai bảo lãnh  (còn gọi là "nợ ngầm") và chú ý đến chỉ số niềm tin để duy trì vốn quốc tế.

“Nợ ngầm có thể đánh úp các bạn”

Cảnh báo về mức nợ công đã tới ngưỡng của VN, tuy vẫn nằm trong mức an toàn, song TS Benedict Bingham - đại diện thường trú của IMF - cho rằng, đang có tới 3 con số về tỉ lệ nợ công của VN trên GDP. Chính phủ VN đưa ra mức nợ công (tính đến 31.12.2009) là 52,6%/GDP, nhưng theo IMF tại VN thì con số này là 49% và một số liệu nữa của IMF tại Wasington (Mỹ) lại là 44%. Điều này có nguyên nhân từ định nghĩa “nợ công”.

Theo ông Benedict, theo định nghĩa của IMF, “nợ công” chỉ bao gồm các khoản nợ của Chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương, kể cả nợ tạm ứng từ hệ thống ngân hàng, nợ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển; nhưng không bao gồm một số khoản nợ của khu vực công (như nợ của doanh nghiệp nhà nước) và các khoản ngầm định khác không được Chính phủ công khai bảo lãnh. Tuy nhiên, các khoản nợ ngầm này sẽ tác động không nhỏ đến tình hình nợ công của Chính phủ, vì nếu nợ ngầm mất khả năng thanh toán thì sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến hệ thống ngân hàng, cuối cùng Chính phủ cũng là người đứng ra gánh chịu.

Theo ông Benedict, những khoản vay đối với chương trình vay trợ giá, hay bảo lãnh tiền gửi không có dự phòng đều không được tính là nợ công, nhưng rút cục thì Chính phủ vẫn không thể không liên đới. Vấn đề nữa được IMF khuyến cáo là ngưỡng nợ trên dưới 50% GDP có vẻ là ngưỡng an toàn, phù hợp với thông lệ các nước, nhưng tỉ lệ nợ này sẽ không nói lên điều gì nếu không lưu ý đến cơ cấu nợ và phải có dự phòng cho ngưỡng này. “Hiện với thị trường mới nổi như VN, Chính phủ đang muốn tỉ lệ nợ chỉ đạt mức trung bình khoảng từ 35-40% để có dự phòng rủi ro.

“Đặc biệt, trong 10-20 năm tới đây, VN sẽ thuộc những quốc gia không được hưởng những nguồn vốn ưu đãi nữa mà phải vay thương mại nhiều hơn, vì thế chi phí nợ sẽ tăng lên, điều này buộc các khu vực DN, cả Nhà nước, tư nhân và các ngân hàng phải tính đến nợ dự phòng, rủi ro về hối đoái và tái cấp vốn”, ông Benedict nói.

QH sẽ giám sát chặt chẽ

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính)- ông Hoàng Hải khẳng định, với Luật Quản lý nợ công ban hành năm 2009, tình trạng nợ công và việc quản lý nợ đang trong tầm kiểm soát. Hầu hết các khoản vay nước ngoài của Chính phủ có kỳ hạn dài, lãi suất cố định và ưu đãi. Hiện vốn vay Chính phủ chiếm khoảng 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, bù đắp bội chi cho ngân sách khoảng 5% GDP.

Chỉ tiêu nợ công tính đến cuối năm 2009 bằng 52,6% GDP. Trong đó, nợ Chính phủ 41,9% (thấp hơn ngưỡng an toàn Chính phủ quy định 50%), nợ Chính phủ bảo lãnh 9,8%, nợ chính quyền địa phương 0,8%. Nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đến 31.12.2009 là 38,8% (thấp hơn ngưỡng an toàn Chính phủ quy định 50%). Nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước là 15,8% (ngưỡng an toàn là 30%). “Chính phủ đang giao Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng ngưỡng an toàn nợ đến năm 2020, khi lãi suất vay tăng dần và các khoản vay có tính chất thương mại tăng lên, đồng thời tính toán cả đến các phương án thay đổi lãi suất” - ông Hoàng Hải cho biết. Đối với những khoản “nợ ngầm” được khuyến cáo, theo ông Hải, về nguyên tắc, DN vay, DN phải có nghĩa vụ lo trả nợ. Tuy nhiên, đối với những khoản vay quốc tế, hoặc phát hành trái phiếu quốc tế, Chính phủ sẽ đứng ra trả, sau đó yêu cầu DN vay phải có kế hoạch hoàn trả các khoản vay.

Trao đổi với báo giới, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cho biết, tới đây Quốc hội sẽ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo cụ thể về cả tình hình nợ của khu vực DN qua hệ thống ngân hàng, vì vấn đề này khá quan trọng liên quan đến bức tranh nợ công. Từ khi có Luật Quản lý nợ công, Chính phủ sẽ phải báo cáo QH về nợ công hàng năm và báo cáo kế hoạch trả nợ trong trung hạn. Vấn đề là làm rõ về hiệu quả đầu tư và an toàn tài chính.  

Hồng Quân

lao động

Tin tức mới nhất

Tin tức liên quan

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng