Indonesia muốn thành nước sản xuất lương thực lớn của thế giới
Chính phủ Indonesia gần đây công bố kế hoạch tăng tốc độ phát triển các đồn điền nông nghiệp quy mô lớn nhằm giúp Indonesia trở thành nước sản xuất lương thực, thực phẩm lớn của thế giới.
Chính phủ Indonesia học tập Brazil, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước thuê những khu đất rộng lớn, màu mỡ ở những khu vực vùng sâu vùng xa như Papua và Kalimantan để lập đồn điền.
Kế hoạch phát triển nông nghiệp mới
Quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp Indonesia, ông Manan cho biết Indonesia nỗ lực từ nay đến năm 2030 trở thành một trong những nước sản xuất gạo, ngô, đường, cà phê, tôm, thịt và dầu cọ lớn nhất thế giới.
Dự án quan trọng đầu tiên là khai thác 1,6 triệu ha đất nông nghiệp tại hầu hết các khu vực chưa khai phá của thành phố Merauke, ở phía đông nam của tỉnh Papua. Chính phủ Indonesia hy vọng “trang trại thực phẩm và năng lượng tích hợp Merauke” sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm, khiến những khu vực nghèo của quần đảo Indonesia có sức sống.
Ông Manan cho biết: “Chính phủ chọn Merauke vì khu vực này thích hợp cho việc trồng lúa, ngô, đậu tương, mía và cây trồng khác. Merauke có 4,5 triệu héc ta đất, trong đó có 2,5 triệu héc ta thích hợp cho việc trồng trọt. Đất đai ở khu vực này bằng phẳng, khí hậu phù hợp, thích hợp cho các loại cây trồng”.
Nếu kế hoạch thành công, dân số của Merauke có thể tăng từ 175.000 người hiện nay lên 800.000 người. Ngoài ra, Kalimantan là khu vực khai thác mỏ nhưng cũng đã mọc lên nhiều đồn điền.
Indonesia hiện có 235 triệu dân, là nước có dân số lớn thứ tư trên thế giới. Từ năm 2008 đến nay, Indonesia đã tự túc về gạo và trở thành nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Chuyên gia Đại học Sha Taya Wazha, Prijan cho biết: “Nếu mọi thứ được tiến hành theo kế hoạch, Indonesia sẽ tiếp tục tự túc lương thực trong vòng 5 năm, sau đó bắt đầu cung cấp lương thực cho toàn thế giới”.
Đầu tư nước ngoài chiếm tối đa 49%
Theo quy định của Indonesia, người nước ngoài có thể có tối đa 49% cổ phần đầu tư trong công ty và những ưu đãi khác, như thuế. Ông Manan cho biết: “Để ngăn chặn hình thức độc quyền hoặc hành vi thâu tóm đất đai, chúng tôi quy định mỗi công ty chỉ có thể có tối đa 10.000 héc ta đất”.
Ông Manan cũng nhấn mạnh chính phủ chỉ bán quyền sử dụng đất, chứ không phải bán đất. Ông tiết lộ Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Trung Đông đã bày tỏ sự quan tâm đối với kế hoạch này của Indonesia.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng lợi thế lớn nhất của những khu vực chưa được khai thác là đất trống, thực ra cũng là một trở ngại. Và kế hoạch này cần tới 5 tỉ đô la Mỹ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm cảng biển và đường băng sân bay mới.
Trong khi đó, các tiểu nông của Indonesia phản đối vì cho rằng sinh kế của họ có thể bị đe dọa bởi thương mại hóa nông nghiệp quy mô lớn. Hội Nông dân Indonesia cho biết: “Chúng tôi phản đối khái niệm về đồn điền lương thực. Với chúng tôi, đồn điền lương thực là một kế hoạch tước đoạt đất đai. Cách làm này giống như quay trở lại chế độ phong kiến. Hầu hết đất đai của nông dân sẽ bị các công ty lớn lấy đi và nông dân sẽ không có gì”.
Tại các nước áp dụng chương trình tương tự là Brazil và Madagascar, nông dân cũng có cùng mối quan tâm, họ nghi ngờ các công ty thực phẩm và nhiên liệu sinh học sẽ độc quyền về đất nông nghiệp.
Phúc Minh (Theo Zaobao)
TBKTSG Online