Khi sàn giao dịch vắng… giao dịch!
Nhiều doanh nghiệp chế biến hạt điều chờ đợi sàn giao dịch điều hoàn thiện để tham gia |
Ra đời trong sự kỳ vọng rất lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng hai sàn giao dịch cà phê và điều đã sớm bộc lộ nhiều hạn chế.
Sàn giao dịch cà phê: đìu hiu!
Sau gần 3 năm chính thức đi vào hoạt động, đến nay sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người. Hiện sàn có trên 40 thành viên đăng ký bán, 21 thành viên kinh doanh và 3 thành viên môi giới cà phê.
Vừa qua, nhiều ưu đãi đã được thực hiện nhằm làm cho sàn giao dịch sôi động hơn. Cụ thể: nông dân và các doanh nghiệp gửi cà phê tại kho còn được vay tối đa 70% giá trị lô hàng để kịp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Trước đó, sàn giao dịch đã hạ mức ký gửi từ 5 tấn xuống còn 1 tấn để các doanh nghiệp và người dân dễ thực hiện. Tuy nhiên, lượng hàng ký gửi lưu kho là quá ít đối với một nước một nước xuất khẩu hàng đầu cà phê như nước ta.
Trên thực tế, người dân vẫn chuộng phương thức giao dịch trực tiếp, không qua sàn, dẫn tới một số vụ vỡ nợ, khiến hàng chục doanh nghiệp và hàng trăm hộ dân ở Đắc Lắc điêu đứng. Trong khi sàn cà phê Buôn Ma Thuột chưa làm tốt được vai trò bình ổn giá, giảm thiểu rủi ro cho người sản xuất, kinh doanh cà phê thì một số sàn giao dịch cà phê khác lại ồn ào khai trương hoạt động. Như sàn giao dịch hàng hóa Singapore giao dịch hợp đồng tương lai cà phê Robusta tại TP.HCM và sở giao dịch hàng hóa Triệu Phong (TPE) ra mắt tại TP.HCM với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, được phép giao dịch tất cả các loại hàng hóa bao gồm cà phê, cao su và thép.
Lý giải tình trạng sàn giao dịch cà phê hoạt động èo uột, ông Vũ Đức Tiến,-Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên- cho rằng, hiện nay nước ta hiện vẫn còn thiếu đội ngũ nhân viên giỏi để vận hành sàn giao dịch hàng hóa. Mặt khác, theo Sở Công Thương Đắc Lắc, công tác tuyên truyền, quảng bá cũng như việc ban hành những định chế giao dịch của sàn còn yếu và bất cập, vì vậy, cần phải tăng cường quảng bá để chuyển thói quen mua bán, giao dịch cà phê theo lối truyền thống sang giao dịch qua sàn giao dịch an toàn, hiện đại hơn.
Sàn giao dịch điều: tắt tiếng!
Nếu sàn giao dịch cà phê hoạt động không hiệu quả thì sàn giao dịch điều sau phiên thử nghiệm từ 20 đến 23/3/2010 tại Bình Phước nhằm tạo tiền đề cho sự ra đời của sàn giao dịch điều đầu tiên của Việt Nam đã phải t"ắt tiếng". Ý định đưa sàn giao dịch điều chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2010 đã gặp trở ngại. Lý do, theo ông Phan Vũ Hùng, Giám đốc Công ty giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom- STE): Để có thể giao dịch khớp lệnh bắt buộc doanh nghiệp phải có một số lượng điều nhất định ký gửi, nhưng hiện giờ hầu hết các doanh nghiệp không còn dự trữ điều nên không thể hoạt động theo đúng chức năng của một sàn giao dịch.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam, cho rằng, ý tưởng sàn giao dịch điều là của Hiệp hội điều Việt Nam, xuất phát từ mong muốn sàn giao dịch là chợ, trong đó người mua và người bán gặp nhau với lượng giao dịch hiệu quả. Sàn giao dịch sẽ là điều kiện để minh bạch hóa trong kinh doanh, góp phần ổn định giá cả.
Rút kinh nghiệm từ những mặt tồn tại của một số sàn giao dịch khác, ông Giang cho rằng, trước khi khai trương chính thức sàn giao dịch điều, cần có sự chuẩn bị chu đáo, không đặt nặng vấn đề thời gian mà đặt vấn đề hiệu quả khi sàn ra đời. Về đối tượng tham gia sàn, không phải ai cũng tham gia giao dịch mà phải có sự chọn lọc các doanh nghiệp có điều kiện, có khả năng để tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Trong giai đoạn trước mắt, sàn chỉ đưa ra giao dịch hạt điều nhân, sau đó mới tiến hành giao dịch hạt điều thô. Riêng đối với nông dân, cần tập hợp họ thành nhóm, tổ, hợp tác xã đứng ra thu mua, giao dịch qua sàn.
Rõ ràng, để các sàn giao dịch hàng hóa hoạt động sôi động, một mặt cần làm tốt công tác quảng bá, vận động người dân và các doanh nghiệp tham gia, mặt khác cần hoàn chỉnh các chính sách. Đồng thời cần có một đội ngũ nhân viên giỏi nghiệp vụ để các sàn giao dịch vận hành hiệu quả.
Tấn Hùng
công thương