Không tăng giá điện, sẽ thiếu điện, nhưng...
Không tăng giá điện thì sẽ dẫn đến việc thiếu điện, đó là lý lẽ của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, rằng cứ giữ bao cấp mãi trong giá điện sẽ không thu hút được nhà đầu tư...
Không tăng giá điện thì sẽ dẫn đến việc thiếu điện, đó là lý lẽ của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, rằng cứ giữ bao cấp mãi trong giá điện sẽ không thu hút được nhà đầu tư.
Thế nhưng, chung quanh thời sự ngành điện sắp tăng giá điện, người tiêu dùng - đặc biệt các chuyên gia kinh tế - vẫn còn băn khoăn nhiều điều. Và họ đã lên tiếng: Phải minh bạch hóa giá thành, nâng chất lượng phục vụ và phải xem thử tiền bù lỗ cho ngành điện liệu có đủ bù đắp cho việc hàng hóa cũng tăng giá. Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, trước khi đề nghị tăng giá điện, EVN, Bộ Công nghiệp có tính toán mức độ tác động của việc tăng giá đến sản xuất, đời sống dân cư cũng như thăm dò phản ứng của dư luận?
Tính toán mức ảnh hưởng với hộ gia đình rất khó vì điện sinh hoạt và điện kinh doanh có khi nhập nhằng, lại không có cơ sở đáng tin cậy để tính toán thu nhập của người dân.
Chúng tôi chỉ tính theo tỉ trọng. Hộ dùng 100 KWh chiếm 14,35%. Tỉ lệ những hộ vượt lên 100 KWh ít thôi chứ không nhiều. Hộ 100 - 150 KWh chiếm 3,4%, 151 - 200 KWh chiếm 1,97%; 200 - 300 KWh chiếm 1,87%; trên 300 KWh chiếm 2,04%. Còn thăm dò phản ứng của dư luận là trách nhiệm của Bộ Công nghiệp.
Ông đồng ý với phương án nào trong số 4 phương án tăng giá điện mà tổ công tác đã thống nhất và chuẩn bị trình Chính phủ?
Cá nhân tôi thiên về phương án sản xuất chỉ điều chỉnh cho một số hộ đang hưởng chế độ đặc thù (than, xi măng, sắt thép) lên bằng mức giá chung để công bằng trong sản xuất kinh doanh. Nó là từng ý trong cả 4 phương án chứ không phải 1 trong 4 phương án đó. Còn điện sinh hoạt, tôi cho là phải chia nhỏ bậc thang. Bậc thang đầu tăng ít thôi, bậc sau mới tăng lên. 50 KWh đầu cũng phải tăng để người tiêu dùng thấy cần phải tiết kiệm, nhưng tăng ít thôi. Còn từ 200 - 300 KWh trở lên phải tăng mạnh. Như thế chỉ tác động đến hộ dùng nhiều.
Chia nhỏ bậc thang rất dễ bị phản đối vì có tiết kiệm đến mấy thì một hộ dân bình thường cũng phải dùng tối thiểu trên 100 KWh/tháng. Trước đây EVN định tăng mạnh vào hộ dùng trên 300 KWh nhưng không được chấp thuận. Tổ công tác có lường trước vấn đề này không?
Mua 600 triệu KWh trong năm 2006 Tin từ Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), vào cuối tháng 3 này, EVN sẽ có quyết định cuối cùng về việc mua điện của Trung Quốc qua lưới 500 KV. Dự kiến, EVN sẽ nâng sản lượng điện mua của Trung Quốc trong năm 2006 lên 600 triệu KWh. Hiện nay, Việt Nam đang mua điện của Trung Quốc qua lưới 110 KV tại các điểm đấu nối Hà Khẩu - Lào Cai, Đông Hưng - Móng Cái (Quảng Ninh) và Thanh Thủy (Hà Giang). EVN cũng đang đàm phán mua điện của Trung Quốc qua cấp điện áp 220 KV. Tuyến đường dây 220 KV nối Trung Quốc - Việt Nam qua đường Hà Khẩu - Lào Cai về Yên Bái và Vĩnh Phúc đang được khẩn trương thi công và dự kiến sẽ đóng điện vào tháng 10 tới. |
Lần trước và lần này khác nhau. Trước tính KWh đầu tiên của bậc thang trên 300 KWh sẽ bị tính cao hẳn lên và việc chậm ghi số điện kế có thể làm tăng một số tiền lớn. Nhưng 50 KWh lại tính đều cho tất cả các hộ, ai cũng được hưởng 50 KWh giá rẻ đầu tiên. Hộ nào dùng trên 100 KWh, 200 KWh, 300 KWh mới có biểu giá khác.
Theo ông, hộ dùng khoảng 100 KWh tăng bao nhiêu là vừa?
Nếu tăng lên 650 đồng/KWh thì mỗi hộ chỉ tăng thêm 5.000 đồng/tháng. Nếu tăng 700 đồng/KWh thì thêm 10.000 đồng. Tăng thế không phải là nhiều. Quan trọng là không chấp nhận tăng giá thì sẽ thiếu điện. Chọn giữa thiếu điện với tăng giá ở mức đó chắc người dân sẽ chọn tăng giá vì nếu để thiếu điện thì còn khổ nữa. Lúc đó chắc chắn sẽ phải cắt điện sinh hoạt.
Nhưng tại sao có sự khác biệt lớn giữa mức đề nghị tăng giá của EVN và tổ công tác (14,8% và 8,8%)?
EVN làm không chỉ đại diện cho quyền lợi của riêng EVN mà còn là quyền lợi của tất cả các doanh nghiệp đang đầu tư vào ngành điện. Mức tăng bao nhiêu do Chính phủ quyết định nhưng rõ ràng tăng nhiều thì đầu tư được nhiều và ngược lại. Nó phải đi liền với điều kiện cần và đủ. Muốn có đủ điện thì phải bảo đảm đủ vốn, nếu không sẽ thiếu điện. Tại sao xưa nay ta “ăn đong”? Vì đầu tư ít, thậm chí dưới nhu cầu.
Thưa ông, ngay tổ công tác cũng nhận xét rằng áp lực tăng giá điện sẽ được giảm đáng kể nếu EVN tính đủ các nguồn lực và phấn đấu tiết kiệm chi phí?
Thông tin đó chưa chuẩn. Bản thân tôi là thành viên trong tổ công tác cũng không đồng ý với đánh giá này. Chẳng hạn EVN tính thủy điện tăng cao đến 50% là mức khó đạt được. Để có hàng tỉ KWh thủy điện như thế thì chi phí của EVN phải tăng lên hàng ngàn tỉ đồng. Chúng tôi đã phải đưa những giải pháp rất tiến bộ như vậy để phấn đấu điều hành đạt được mức đó.
Một số chuyên gia cho rằng ngành điện phải công khai giá thành để người dân biết mức tăng giá có phù hợp hay không. Họ cũng đặt câu hỏi số tiền có được nhờ tăng giá để đầu tư vào nguồn điện có đủ bù đắp cho phần thiệt hại do tăng giá gây nên hay không?
Giá thành sản xuất điện công khai hết rồi. Nhiều nhà máy điện đã cổ phần hóa, giá bán bao nhiêu có hết, đơn vị nào có giá cạnh tranh thì được ký hợp đồng mua trước. Tại sao chúng tôi muốn cổ phần hóa các nhà máy? Vì cổ đông vào sẽ kiểm soát được hết. Đã có 4 nhà máy cổ phần hóa xong, còn 6 cái khác đang làm. Giá thành thì ai là người kiểm soát? Không thể là từng người tiêu dùng mà chính là các cổ đông, là các bộ ngành, Hiệp hội Người tiêu dùng tham gia vào.
Tăng giá điện trong 5 năm thu được khoảng 20.000 tỉ đồng (tính trung bình tăng 100 đồng/KWh). Toàn bộ số tiền này sẽ được đầu tư cho các dự án. Đây không phải là nguồn chủ yếu nhưng lại là nguồn bắt buộc phải có để bổ sung vào vốn đầu tư của ngành điện là 335.000 tỉ đồng từ nay đến năm 2010.
Tôi cho rằng tăng giá điện lần này ảnh hưởng không lớn đến sản xuất nhưng sinh hoạt thì đương nhiên bị ảnh hưởng vì bị giảm bù chéo. Cứ giữ bao cấp mãi trong giá điện thì sẽ thiếu điện vì giá bán thấp không thu hút được nhà đầu tư. Lúc đó hậu quả sẽ khôn lường đến cả nền kinh tế.
Một vấn đề mà người tiêu dùng luôn thắc mắc: Tăng giá điện nhưng chất lượng có tăng không?
Không phải giá tăng mới nghĩ đến tăng chất lượng. Đây là vấn đề của các công ty kinh doanh điện, lúc nào cũng phải đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu.
Bà Phạm Chi Lan, Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ:
Trước khi tăng giá, phải minh bạch hóa giá thành
Tăng giá như thế khó chấp nhận được. Tôi thấy có hai vấn đề cần phải bàn. Băn khoăn lớn nhất của tôi là liệu ngành điện đã làm hết sức mình để giảm giá thành chưa? Lâu nay việc tăng giá thì nêu công khai nhưng chưa công khai giá thành. EVN lý luận đầu vào tăng, nhu cầu đầu tư tăng cao mà không có vốn thì phải tăng giá bán điện là không thuyết phục. Giá bán phải căn cứ vào giá thành sản xuất. Giá thành phải công khai để các chuyên gia nắm được, xem xét mức độ đã hợp lý hay chưa.
Trước khi đề xuất tăng giá, EVN phải minh bạch hóa giá thành để người ta thấy rằng EVN đã làm hết sức mình mà vẫn không thể hơn được mới phải tăng giá. Nhà nước đã giành độc quyền cho EVN thì phải kiểm soát được mọi công đoạn sản xuất, quản lý đã chặt chẽ chưa. Trên báo chí, người dân vẫn phát hiện những sai sót của ngành điện chứ không hẳn quản lý đã tốt. Thất thoát điện cũng còn rất lớn.
Thứ hai là phải xem còn phương án nào khác ngoài tăng giá hay không. Ví dụ trong đầu tư, tại sao không thu hút các khu vực kinh tế khác cùng đầu tư vào ngành điện mà cứ phải một mình EVN lo? Tư nhân và nước ngoài rất có thể tham gia ở những dự án nhỏ sử dụng năng lượng tái sinh như điện gió, điện mặt trời. Đừng chê những cái nhỏ, nó cũng đóng góp được nhiều về sản lượng trong khi đầu tư lớn rất tốn kém lại nhiều rủi ro.
Tôi cho rằng cứ tăng giá là không phù hợp với mức sống dân cư hiện nay và tốc độ tăng giá chung của các sản phẩm khác. Điều này không cần phải chứng minh gì nữa. Thiệt thòi nhất là người dân phải chịu tăng giá mà không biết được giá thành của ngành điện đã hợp lý chưa.
Theo các phương án đưa ra, tôi thấy chỉ có hộ sử dụng dưới 50 KWh là không chịu tác động nhưng ít ai sử dụng thế được. Đành rằng phải tiết kiệm điện nhưng cũng phải đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống. Thiết bị điện trong gia đình ngày càng nhiều và hiện đại hơn. Người ta sử dụng nó là để tiết kiệm thời gian, công sức chứ không phải cái gì cũng cắt giảm được.
Bà Nguyễn Thị Liên, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại, dịch vụ và giá cả - Tổng cục Thống kê:
Có đủ bù đắp thiệt hại gây ra cho các ngành?
Trong rổ hàng hóa thống kê gồm 10 nhóm thì chi phí điện thuộc nhóm nhà ở. Thực ra trong tổng tiêu dùng của người dân, tiền điện chỉ chiếm dưới 5% đối với khu vực thành thị và khoảng trên dưới 2% với khu vực nông thôn. Mức tiêu dùng điện sinh hoạt bình quân trong cả nước là 408.000 đồng/hộ/năm, chiếm 3,38% tổng chi dùng.
Ảnh hưởng trực tiếp của tăng giá điện đến tiêu dùng của người dân không lớn lắm (điện sinh hoạt) nhưng tăng giá điện sản xuất lại ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân cư vì nó làm đội giá thành sản phẩm, người dân phải mua vật phẩm tiêu dùng với giá đắt đỏ hơn. Do đó, phải tính xem tăng giá điện ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất.
Tổng số tiền điện thu được do tăng giá để cấp thêm cho một mình ngành điện có đủ để bù đắp cho thiệt hại gây ra cho tất cả các ngành sản xuất hay không. Thiệt hại mình ngành điện có đủ để bù đắp cho thiệt hại gây ra cho tất cả các ngành sản xuất hay không. Thiệt hại cho sản xuất chính là thiệt hại cho cả nền kinh tế. Nếu cân đối được thì mới nên tăng giá điện.
Người lao động