Khủng hoảng nợ trở lại, Tây Ban Nha trở thành tâm điểm
Khủng hoảng nợ châu Âu có thể đang trở lại với tâm điểm chú ý là Tây Ban Nha do nhu cầu ảm đạm tại cuộc đấu giá trái phiếu hôm 04/04.
* ECB duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp
![]() |
Giới đầu tư ngày càng lo lắng về thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha khi kinh tế nước này tiếp tục sụt giảm |
Giới đầu tư ngày càng lo lắng về thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha khi kinh tế nước này tiếp tục sụt giảm
Theo đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã bán 2.6 tỷ EUR trái phiếu, chỉ nhỉnh hơn so với mức thấp nhất trong phạm vi dự báo từ 2.5-3.5 tỷ EUR của các nhà phân tích. Sau cuộc đấu giá trên, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này tăng vọt lên 5.6%, mức cao nhất trong gần 3 tháng.
Thời gian gần đây, chi phí vay mượn của Tây Ban Nha liên tục gia tăng bất chấp gói cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt trị giá 27.3 tỷ EUR công bố cuối tháng trước.
Nhà đầu tư lo lắngTây Ban Nha sẽ rất vất vả để hoàn thành mục tiêu thâm hụt ngân sách 2012 vì theo dự báo của các nhà phân tích Societe Generale (SocGen), kinh tế nước này có thể sụt giảm 1.7% trong năm nay.
Các chuyên gia phân tích SocGen nhận định: “Sức ép lên lợi suất trái phiếu chắc chắn sẽ dẫn đến kịch bản Tây Ban Nha có thể trở thành quốc gia thứ tư của Eurozone nhận tiền giải cứu từ Liên minh châu Âu (EU)”.
Mối lo ngại trên xuất hiện trở lại sau giai đoạn tương đối bình ổn của các thị trường nợ Eurozone nhờ biện pháp mạnh của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra khủng hoảng tín dụng trong hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cảm thấy phấn chấn hơn khi Hy Lạp tái cấu trúc nợ thành công.
Tuy nhiên, thắc mắc của giới đầu tư lúc này là liệu các Chính phủ Eurozone có thể tận dụng được sự cải thiện của thị trường để tiến hành cải cách ngân sách và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding của Berenberg Bank thì trong năm nay Eurozone đã đạt được những tiến triển đáng kể, trong đó có việc cải cách thị trường lao động tại Tây Ban Nha và Ý. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo EU cũng đã ký kết hiệp ước tài chính và quyết định gia tăng quy mô quỹ giải cứu khu vực lên 700 tỷ EUR.
Tuy vậy, ông cũng thừa nhận rằng mối lo lắng về Tây Ban Nha và suy đoán ECB sẽ rút lại các biện pháp hỗ trợ là nguyên nhân khiến các thị trường chệnh choạng trong thời gian qua. Ông Schmieding cảnh báo nguy cơ xuất hiện tâm lý hoảng loạn của các thị trường là rất cao.
Phát biểu trước báo giới tại cuộc họp chính sách ngày 04/04, Chủ tịch ECB Mario Draghi tiếp tục kêu gọi các Chính phủ Eurozone lập lại kỷ cương tài chính và thực hiện các cuộc cải cách kinh tế sâu rộng. Ông nói: “Việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế nội địa nhằm củng cố năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào các nhà làm chính sách”.
Bên cạnh các chính sách tài khóa thận trọng, ông Draghi cho rằng việc cải tổ thị trường lao động và sản xuất đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình vận hành nền kinh tế Eurozone”. Dù từ chối bình luận về cuộc đấu giá trái phiếu của Tây Ban Nha nhưng ông Draghi cho biết nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào cuộc cải cách của các Chính phủ.
Chủ tịch ECB cho rằng còn quá sớm để đề cập đến chiến lược thoái lui và cho biết thêm các nhà làm chính sách ECB vẫn đang đánh giá hiệu quả của các biện pháp bất thường vừa được áp dụng. Ngoài ra, ông Draghi cho biết ECB dự báo lạm phát sẽ duy trì trên mức mục tiêu 2% trong năm nay do thuế và giá năng lượng tăng cao. Được biết, tại cuộc họp này, ECB quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1% như dự báo.
Phước Phạm (Vietstock)
Finfonet