Tin tức
Kiểm soát giá vàng?

Kiểm soát giá vàng?

29/11/2005

Banner PHS

Kiểm soát giá vàng?

Đối với Việt Nam, không cần phải kiểm soát giá vàng là điều đáng mừng. Không thể kiểm soát giá vàng cũng không phải là điều đáng lo. Vấn đề là cần phải nâng cao hiệu quả của việc thanh toán bằng tiền đồng, cụ thể là thanh toán không dùng tiền mặt...

Đối với Việt Nam, không cần phải kiểm soát giá vàng là điều đáng mừng. Không thể kiểm soát giá vàng cũng không phải là điều đáng lo. Vấn đề là cần phải nâng cao hiệu quả của việc thanh toán bằng tiền đồng, cụ thể là thanh toán không dùng tiền mặt.

 

Trong mấy ngày qua giá vàng thế giới đã lên đến kỷ lục cao nhất trong vòng 22 năm, chạm đến ngưỡng 500 USD/ao-xơ. Giá vàng ở Việt Nam cũng tăng theo từng ngày, để lên đến cao điểm là gần 950 ngàn đồng một chỉ vào ngày 28/11. Thế nhưng trên thế giới cuộc sống vẫn an bình, và ở Việt Nam mọi người vẫn hào hứng theo dõi SEA Games. Chẳng thấy xôn xao như trước đây, mỗi khi giá vàng biến động...

 

Vàng đã từng ở trong tiềm thức mỗi người Việt Nam

 

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, từ trước mùa xuân năm 1975, có lẽ chưa lúc nào, Việt Nam được bình yên trong một vài thế kỷ. Chiến tranh nối tiếp chiến tranh, hết ngoại xâm này lại đến ngoại xâm khác. Do đó, việc lưu trữ tiền luôn ẩn chứa những rủi ro bất trắc. Chỉ có vàng là thứ tài sản được xem là bất biến với thời gian, dù trong chế độ nào thì vàng vẫn luôn là vàng.

 

Chính vì vậy mà trong một thời gian dài, rất dài, khi đánh giá về mức độ giàu nghèo hay tích lũy của cải, người ta không nói đến tiền tỷ hay tiền triệu như bây giờ. Người ta chỉ nói đến bao nhiêu phân vàng, chỉ vàng, hay cây vàng. Có khác chăng, ngoài vàng thì người ta còn nói đến ngôi nhà hay mảnh đất, tài sản mơ ước cả đời của bất cứ người dân Việt nào.

 

Của cải tích trữ của mỗi người được tính bằng số vàng cất trong nhà, chôn dưới đất, chứ không phải là những khoản tiền gửi tiết kiệm, những khoản đầu tư có sinh lời như ngày nay.

 

Vàng cũng được dùng làm chuẩn để đo lường giá trị của những tài sản khác. Do những biến động thường xuyên, nếu dùng khái niệm tiền để định giá ngôi nhà hay mảnh vườn thì những người ở những giai đoạn lịch sử khác nhau không thể hiểu nhau. Nếu nói ngôi nhà này trị giá bao nhiêu đồng tiền Đông Dương thì chỉ có những cụ già bảy tám mươi tuổi mới hiểu, những người thuộc lớp trẻ ngày nay hoàn toàn mù tịt. Nhưng nói căn nhà giá trị 100 cây vàng thì thế hệ nào cũng có thể hiểu được. Đây là một trong những lý do để vàng trở thành phương tiện đo lường và trao đổi trong các giao dịch bất động sản.

 

Vàng đã từng nằm trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam, kể cả những người chẳng bao giờ có vàng. Chính vì vậy, tuy chỉ chiếm một phần nhỏ trong giao dịch xã hội, nhưng sự biến động của giá vàng đã luôn kéo theo những xáo động cho nền kinh tế.

 

Trong giai đoạn 1980-1990, không ai ngạc nhiên khi vàng tăng giá thì chị bán rau ngoài chợ cũng tăng giá. Dù rằng chẳng có mối liên hệ trực tiếp nào. Chị có đi bán rau để mua vàng đâu, mà nếu tính ra thì phải cả ngàn mớ rau mới mua được chỉ vàng. Thế nhưng tất cả giá cả đã bị cuốn vào cái vòng xoáy tâm lý. Chẳng biết vì giá vàng tăng kéo theo giá hàng, hay giá hàng tăng đẩy giá vàng lên.

 

Có cần kiểm soát giá vàng?

 

Điều đáng ghi nhận là đến nay giá vàng đã không còn cái quyền lực như trước đây. Những đồ trưng diện của nhà giàu không còn nhất thiết phải là sợi dây chuyền vàng to nặng, mà có thể là cái xe sang trọng, cái điện thoại đời mới, bộ quần áo hàng hiệu... Sự tích lũy của cải ít được tính bằng gói vàng chôn dưới đất, mà được tính bằng tiền gửi ngân hàng, mảnh đất, cái nhà, hay nhìn xa hơn nữa là đầu tư cho đứa con đi trường tốt.

 

Rất tiếc không có số liệu về tỷ lệ thanh toán bằng vàng trong tổng các phương tiện thanh toán của nền kinh tế (tiền đồng, ngoại tệ, vàng...) nhưng nhìn chung tỷ lệ thanh toán bằng vàng hiện chiếm tỷ trọng không lớn.

 

Đến nay, câu hỏi đặt ra là liệu người ta có quay lại cất giữ vàng? Một số nhà đầu cơ vàng trên thế giới dự kiến giá có thể tăng gấp rưỡi hay gấp đôi trong 10 năm tới. Nhưng trong vòng 10 năm, người Việt Nam có nhiều cách để tăng gấp đôi tài sản dự trữ của mình mà chẳng cần vàng làm phương tiện. Ví dụ, nếu mua trái phiếu lãi suất 8% một năm thì chỉ sau 9 năm đã tăng được gấp đôi. Đó là chưa nói đến phong trào mua nhà và mua đất...

 

Do giá trị của vàng trong tiềm thức nhiều người đã giảm rất nhiều, tác động thực và tác động tâm lý của giá vàng đối với nền kinh tế là không lớn. Vì vậy, không cần phải kiểm soát giá vàng.

 

Có thể kiểm soát giá vàng?

 

Giá vàng tăng cao trong mấy năm qua được giải thích bằng nhiều lý do. Những chi phí khổng lồ của cuộc chiến vùng Vịnh làm người dân giảm lòng tin vào sự ổn định kinh tế của Mỹ. Việc chính phủ Mỹ thông báo sang năm 2006 sẽ ngừng việc công bố số liệu về lượng cung tiền theo nghĩa rộng (M3) làm cho người dân lại càng nghi ngờ “chắc là có gì đó không ổn”. Tiếp đến là tuyên bố của chính phủ Nga có thể mua vàng để tăng gấp đôi lượng vàng dự trữ. Rồi đến mức tiêu thụ ngày càng cao của Trung Quốc, nước dùng vàng làm trang sức nhiều nhất thế giới... Mỗi động thái trên đều liên quan đến những con số hàng trăm tấn vàng.

 

Như vậy, biến động giá vàng là do các yếu tố vĩ mô của thị trường thế giới. Vàng ở Việt Nam chủ yếu là được nhập khẩu. Giá vàng trong nước hầu như biến động hoàn toàn theo sát với giá vàng thế giới.

 

Có người cho rằng cần phải kiểm soát giá vàng để tránh các tác động tâm lý trong nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là có thể kiểm soát được không? Đầu mối kiểm soát vàng và tiền tệ chính là Ngân hàng Nhà nước. Liệu Ngân hàng Nhà nước có đủ khả năng dự trữ vàng để bán ra lúc giá cao, mua vào lúc giá thấp?

 

Câu trả lời là không. Hiện nay nhiệm vụ thực thi chính sách quản lý ngoại hối đã là quá tải đối với Ngân hàng Nhà nước rồi. Ngoài ra, sự can thiệp của Nhà nước sẽ tạo ra sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, và tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới là không thể kiểm soát được. Xăng dầu còn có thể buôn lậu huống chi là vàng.

 

Đối với Việt Nam, không cần phải kiểm soát giá vàng là điều đáng mừng. Không thể kiểm soát giá vàng cũng không phải là điều đáng lo.

 

Vấn đề ở đây là cần phải nâng cao hiệu quả của việc thanh toán bằng tiền đồng, cụ thể là thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời tạo cho người dân cơ hội và niềm tin để đầu tư bằng những cách như tiết kiệm ngân hàng, trái phiếu và cổ phiếu. Nền kinh tế sẽ không còn phụ thuộc nhiều vào vàng hay ngoại tệ.

VNN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng