Tin tức
Kiểu chọn tổng thầu EPC hiện nay đang bức tử ngành cơ khí

Kiểu chọn tổng thầu EPC hiện nay đang bức tử ngành cơ khí

28/09/2011

Banner PHS

Kiểu chọn tổng thầu EPC hiện nay đang bức tử ngành cơ khí

Ông Nguyễn Văn Thụ, chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí cho hay, theo thống kê của hiệp hội, sau 9 năm thực hiện quyết định 186 (năm 2002) về phát triển nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm, các doanh nghiệp cơ khí trong nước chỉ vỏn vẹn đầu tư được… 6 công trình.

Ý kiến ông Thụ là một trong nhiều ý kiến cho thấy chính sách thì nhiều, thực hiện rất ít, tại hội nghị sơ kết một năm “thực hiện các biện pháp tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu” diễn ra tại Hà Nội ngày 28.9.

Chính sách: nhiều, thực hiện: quá ít

Một trong những nguyên nhân hàng đầu của tình trạng này là vì phần lớn tổng thầu EPC (khai thác/ cung ứng/ xây dựng) đều thuộc về nhà thầu nước ngoài, nhất là Trung Quốc, khiến họ làm tất cả các công đoạn thiết kế thi công, đưa trang thiết bị từ bên ngoài vào. “Nếu nhà thầu một nước công nghiệp phát triển G7 làm tổng thầu EPC thì chí ít các đơn vị Việt Nam còn được tham gia 30 - 40% khối lượng công việc của từng dự án, chứ doanh nghiệp Trung Quốc làm thì việc lớn hay bé chúng ta đều ra rìa”, ông Thụ nói.

Ông Ninh Viết Định, trưởng ban quản lý đấu thầu tập đoàn Điện lực (EVN) thanh minh rằng, tại các dự án của EVN do EPC Trung Quốc trúng thầu là đều do bị ràng buộc khi vay vốn, chứ không không phải EVN không muốn. Song theo ông Thụ, thậm chí có dự án vay vốn trong nước hoàn toàn mà vẫn giao cho nhà thầu Trung Quốc, như dự án nhà máy xi măng của tổng công ty Cơ khí xây dựng.

Ông Thụ thừa nhận, không phải ngành cơ khí vỗ ngực cái gì cũng làm được, nhưng nếu nhà nước có cơ chế, chúng tôi sẽ học, đầu tư, vươn lên, như việc sản xuất thành công giàn khoan tự nâng 90m nước cho ngành dầu khí ngày 1.9 vừa qua. “Từ Đảng, Chính phủ, đến bộ Công thương đã có nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng nói ưu tiên cho ngành công nghiệp cơ khí, nhưng việc thực hiện chưa được bao nhiêu”, ông Thụ đánh giá.

Bán ra nước ngoài dễ hơn bán trong nước

Đại diện vụ Năng lượng (bộ Công thương) nhận định, hiện các doanh nghiệp cơ khí còn yếu về liên kết, ví dụ cùng một dự án song có ba doanh nghiệp trong hiệp hội Cơ khí cùng bỏ giá rẻ. “Đừng làm đối thủ của nhau mà phải liên kết, chụm đầu lại cùng làm, bởi theo quy hoạch điện VII, đến năm 2015 các thiết bị cho ngành điện phải dùng hàng sản xuất trong nước 40%, và tăng lên 70% vào năm 2020”, vị này khuyên.

“Trách cơ chế nhưng trước tiên cũng phải tự trách mình”, ông Thụ nhìn nhận tình trạng làm ăn của doanh nghiệp cơ khí còn manh mún, bảo thủ, dẫn đến xuất xứ hàng hóa để giám định khó khăn… Song ông cũng nói “không phải không làm được” vì thực tế bao giờ tổng thầu cũng thuê lại thầu phụ với không ít việc nhỏ, như cung cấp máy lọc bụi, than, nước… trong dự án nhiệt điện, các thiết bị của nhà máy xi măng, đến các sản phẩm phức tạp như cẩu trục, nồi hơi…

Ông dẫn thực tế: nhà máy cơ khí Doosan (Dung Quất) xuất khẩu cẩu trục đi khắp thế giới, vậy mà 10 năm qua chỉ bán được ở Việt Nam… 2 cái cho cảng Hải Phòng; hay sản phẩm cột phóng điện của nhà máy UPI Phú Thái xuất khẩu cả năm được 25 ngàn tấn, được Ấn Độ ưa chuộng thì lại trầy trật ở thị trường trong nước.

Tổng giám đốc tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp Vũ Việt Kha cũng cho rằng, nếu nhà nước không có các “cơ chế cứng” buộc các tập đoàn khi dùng vốn nhà nước phải ưu tiên các sản phẩm trong nước sản xuất được thì “đơn vị nào cũng muốn đi nhập hàng ngoại”.

Trước thực trạng ấy, đại diện các doanh nghiệp cơ khí kiến nghị; các chủ đầu tư khi phải tách, chia nhỏ các gói thầu trong tổng thầu EPC để “ưu tiên” cho doanh nghiệp nhà; đặc biệt Nhà nước vận dụng nhiều hơn nữa cơ chế chỉ định thầu để chủ đầu tư được quyền lựa chọn các doanh nghiệp trong nước - như việc tập đoàn Dầu khí chọn nhà thầu Việt Nam trong đóng mới dàn khoan 90m nước. “Nếu không, với hình thức đấu thầu EPC như hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc, bằng lợi thế bỏ thầu giá rẻ, sẽ cho doanh nghiệp Việt Nam ra rìa”, ông Thụ lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Tài, phó vụ trưởng vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) chỉ ra rằng: Chủ trương tách EPC đã có từ lâu nhưng chế tài để nhà đầu tư tách chưa có. Điều này dẫn đến “các chủ đầu tư khi tổ chức đấu thầu EPC chả tách làm gì cho mệt”.

Bởi thế, trước mắt, thứ trưởng bộ Công thương Lê Dương Quang chỉ biết “vận động” một số tập đoàn, tổng công ty phải có biện pháp cụ thể như ban hành chỉ thị riêng, lập kế hoạch mua sắm thiết bị trong nước đi kèm đó là xây dựng quy định để xử lý các đơn vị thành viên nếu không thực hiện.

Thứ trưởng Quang thông tin, hiện các mặt hàng nhóm máy móc, nguyên vật liệu chiếm đến 83% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Theo báo cáo (chưa đầy đủ) của các tập đoàn, tổng công ty, hoạt động sản xuất kinh doanh máy móc, thiết bị vật tư, nguyên liệu trong nước năm 2010 đạt 30.596.820 triệu đồng, tỷ lệ sử dụng hàng hóa trong nước trung bình 53,6%. Dự kiến năm 2011 là 37.798.579 triệu đồng và 52%; các dự án đầu tư giá trị máy móc, thiết bị vật tư trong nước khoảng 16.090.803 triệu đồng, tỷ lệ sử dụng hàng hóa trong nước trung bình khoảng 18,6%.

Chí Hiếu

Sài Gòn tiếp thị

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng