Kinh tế châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái
Nhận định về bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế châu Âu trong thời gian tới, Laurence Boone, chuyên gia kinh tế của Barclays Capital, một tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, đầu tư ở châu Âu, cho rằng, việc giá dầu giảm và giá trị đồng USD tăng lên so với đồng euro đương nhiên sẽ góp phần giảm gánh nặng cho nền kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, hiệu quả của nó chưa thể được cảm nhận ngay trong vài tháng tới và châu Âu về lâu dài không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế Mỹ.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Le Figaro số ra gần đây, bà Laurence Boone khẳng định hiện nay nền kinh tế châu Âu có dấu hiệu chững lại, nhưng chưa thể coi là đã rơi vào suy thoái vì theo lý thuyết, tăng trưởng kinh tế phải ở mức dưới 0 trong hai quí liền thì mới có thể khẳng định là nền kinh tế bị suy thoái. Tuy nhiên, có thể nhận thấy lĩnh vực việc làm trong khu vực đồng euro (Eurozone) có xu hướng chững lại. Thêm vào đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này trong quí II/08 thấp hơn quí trước 0,2%. Theo dự kiến, cuối quí III/08, tăng trưởng kinh tế khu vực này sẽ không tăng, thậm chí có thể giảm nhẹ, trong khi đó tỉ lệ thất nghiệp có thể tăng vào cuối quí IV/08. Với xu hướng này, có thể nói Eurozone sẽ chuyển sang giai đoạn báo động đỏ vào cuối quí III và chính thức đi vào suy thoái ở quí IV.
Bà Laurence Boone cho rằng, không chỉ nền kinh tế thuộc Eurozone bị chững lại mà ngay cả các nước châu Âu ngoài khu vực này cũng bị ảnh hưởng rõ rệt. Nước Anh, do bị rơi vào khủng hoảng bất động sản, đang phải trải qua một giai đoạn mà nền kinh tế bị kìm hãm một cách mạnh mẽ. Các nước Bắc Âu cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể như bánh xe tăng trưởng kinh tế của Đan Mạch đã bị chững lại và Na Uy, mặc dù được hỗ trợ một phần do giá dầu tăng, nhưng tăng trưởng cũng không vì thế mà được như trước.
Báo Pháp Les Echos số ra ngày 18/8 cũng cho rằng, sau khi GDP của châu Âu giảm 0,2% trong quí II/08, các hoạt động kinh tế tại Pháp, Đức, Italia đã bớt năng động và lạm phát vẫn tiếp tục duy trì ở mức khá cao (4%).
Số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat cho biết tổng GDP của 15 nước Eurozone đã giảm 0,2% trong quí II so với quý trước và là lần đầu tiên kể từ năm 1999 kinh tế khu vực này bị tăng trưởng âm. Kinh tế của toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) cũng lâm vào tình trạng tương tự. Sau khi tăng trưởng 0,7% trong quí I, GDP của toàn bộ 27 nước thành viên trong quí II đã giảm 0,1%.
Phần lớn các nước trong Eurozone đã phải tìm cách hạn chế bớt ảnh hưởng của đợt điều chỉnh kinh tế mới. Sau một thời gian tăng trưởng đạt 1,3% trong quí I, GDP của Đức đã giảm khoảng 0,5% trong quí II. Trước đó, một số chuyên gia phân tích đã đưa ra dự báo tỷ lệ suy giảm có thể lên tới 1%. Tốc độ giảm phát triển của kinh tế Italia là 0,3%. Hà Lan cũng đang rơi vào tình trạng báo động đỏ, còn Tây Ban Nha may mắn vẫn ở trong khu vực tăng trưởng, nhưng với tỷ lệ rất thấp là 0,1%. Hai nước khác cũng đạt kết quả tương tự là Áo và Bồ Đào Nha, với tỷ lệ tăng trưởng là 0,4%. Trong EU, chỉ có Đan Mạch và Extônia là hai nước phải chứng kiến nền kinh tế thụt lùi liên tục trong hai quí đầu năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, cắt giảm tiêu dùng và đầu tư là hai yếu tố cơ bản khiến cho kinh tế quí II giảm sút. Giá nhiên liệu và lương thực trên thị trường thế giới tăng cùng với việc vay tín dụng ngày càng bị thắt chặt đã khiến cho các hộ gia đình phải hạn chế chi tiêu. Sức cầu yếu thúc đẩy các doanh nghiệp giảm số dự án đầu tư phát triển. Các nhà xuất khẩu châu Âu còn bị ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Mỹ và đồng euro mạnh.
Chỉ có một dấu hiệu tích cực duy nhất là tỷ lệ lạm phát vẫn không thay đổi. So với cùng kỳ năm trước, lạm phát trong Eurozone vào tháng 7 là 4%, ngang với tháng 6. Thậm chí chỉ số giá tiêu dùng còn giảm 0,2%. Chuyên gia kinh tế Caroline Newhouse-Cohen của ngân hàng BNP Paribas nhận định: "Lạm phát đã lên tới mức cao nhất và sẽ giảm do tác động của giá nguyên liệu giảm cũng như hiệu ứng cơ sở". Mấy tuần gần đây, giá nhiên liệu đã giảm gần 20%. Đây là lý do khiến cho một số nhà phân tích loại trừ giả thuyết kinh tế châu Âu sẽ suy thoái trong năm nay. Sylvain Broyer và Cédric Tellier của ngân hàng đầu tư Natixis nhận định: "Do giá nhiên liệu giảm, rất ít khả năng Eurozone sẽ rơi vào suy thoái trong quí III". Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng GDP của khu vực này sẽ tiếp tục giảm. "Các dấu hiệu mới xuất hiện trong vài tuần nay cho thấy chúng ta đang rơi vào suy thoái", chuyên gia Véronique Riches-Flores dự đoán. Bà Caroline Newhouse-Cohen cho rằng "kinh tế Đức có thể tăng trưởng trở lại, nhưng nhiều khả năng kinh tế Pháp, Italia, Tây Ban Nha sẽ thụt lùi" trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay.
Tất cả mới chỉ là dự báo, duy chỉ có một điều chắc chắn là chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã kết thúc. Thống đốc ECB Jean-Claude Trichet thừa nhận kết quả kinh tế của khu vực đồng tiền chung hiện nay đã hạn chế khả năng xoay xở của ông.
ttxvn