Kinh tế Nhật tăng trưởng khả quan
Văn phòng Chính phủ Nhật Bản vừa cho biết, kinh tế nước này đã tăng trưởng 3 quý liên tiếp, do chi tiêu tiêu dùng, xuất khẩu và thị trường việc làm được cải thiện...
Văn phòng Chính phủ Nhật Bản vừa cho biết, kinh tế nước này đã tăng trưởng 3 quý liên tiếp, do chi tiêu tiêu dùng, xuất khẩu và thị trường việc làm được cải thiện.
Phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản sau thắng lợi áp đảo của Liên minh cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử ngày 11/9 và đã được Cơ quan lập pháp nước này tái bổ nhiệm làm Thủ tướng, ông Junichiro Koizumi cam kết tiếp tục thúc đẩy các kế hoạch cải cách kinh tế, trong đó có kế hoạch cải tổ ngành bưu điện (JP), bước đầu tiên trong một loạt bước đi cải cách cơ cấu nhằm đưa kinh tế Nhật Bản nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á đang có dấu hiệu tăng trưởng khả quan, sẽ có tác động thúc đẩy kinh tế châu lục này phát triển. Văn phòng Chính phủ Nhật Bản vừa cho biết kinh tế đã tăng trưởng 3 quý liên tiếp, do chi tiêu tiêu dùng, xuất khẩu và thị trường việc làm được cải thiện.
Trong tài khoá 2005-2006, dự báo kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 2%. Chi tiêu của các hộ gia đình, thước đo sức sống của kinh tế Nhật Bản trong quý II năm nay đã tăng 0,7% so với quý trước đó, chiếm khoảng 55% GDP. Đầu tư vốn của các doanh nghiệp trong nước tăng 2,2%. Xuất khẩu tăng 2,8%, do xuất khẩu ô tô, máy thiết bị và dịch vụ tăng.
Giới doanh nghiệp tiếp tục đầu tư
Chỉ số Tankan phản ánh lòng tin của giới doanh nghiệp, trong quý 2/2005 được cải thiện, thị trường lao động chuyển biến tích cực, cho thấy kinh tế Nhật Bản đang thoát khỏi tình trạng giảm phát.
Theo Ngân hàng trung ương Nhật Bản ( BOJ), chỉ số lòng tin của các hãng chế tạo lớn đã tăng từ 18 điểm trong quý 1 năm nay lên 19 điểm trong quý II. Chỉ số này đã không ngừng được cải thiện kể từ tháng 9/2003, sau đợt giảm xuống âm 38 điểm trong quý IV/2001 và quý I/2002. Tâm lý lạc quan về triển vọng kinh tế trong nước đã giúp chỉ số chứng khoán Nikei 225 tăng 17,2% trong quý II. Chỉ số lòng tin đối với các doanh nghiệp lớn không thuộc ngành chế tạo giữ ở mức 15 điểm.
Các số liệu chủ chốt trong tháng 8 cũng có nhiều tín hiệu đáng mừng, xuất khẩu và chi tiêu của người tiêu dùng tăng. Sản lượng công nghiệp tăng 1,2% so với tháng 7; tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,3% so với mức 4,4% trong tháng 4/2005 và từng ở mức kỷ lục 5,5% hồi giữa năm 2002. Chỉ số tiêu dùng trong tháng 8 giảm 0,1% sau khi giảm 0,2% trong tháng trước đó.
Các nhà kinh tế nhận xét do bức tranh kinh tế có nhiều gam mầu sáng, Thống đốc Ngân hàng trung ương Toshihiko Fukui có thể xem xét lại chính sách tiền tệ và sớm chấm dứt lãi suất zero vào cuối tài khoá kết thúc tháng 3/2006.
Richard Jerram, nhà kinh tế hàng đầu thuộc Công ty chứng khoán Macquarie Securities tại Tokyo nói bức tranh tổng thể của kinh tế Nhật Bản là khả quan, có nhiều cải thiện về sản lượng, xuất khẩu khá, nhu cầu trong nước đã tăng, tình trạng giảm phát đang được kiểm soát.
Khảo sát của Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết đầu tư vốn của các doanh nghiệp từ tháng 4-6/2005 tăng 7,3%, so với cùng kỳ năm trước và là quý tăng trưởng thứ 9 liên tiếp. Các doanh nghiệp sản xuất thép và hoá chất đi đầu trong hoạt động đầu tư vốn, mức tăng trưởng đầu tư trong ngành thép là 121,5% và trong ngành hoá chất là 37,5%. Các doanh nghiệp phi sản xuất, các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản tăng chi tiêu vốn ở mức 62,7%, các hãng bán buôn và bán lẻ tăng chi tiêu vốn ở mức 14,1%.
Đầu tư vốn của các doanh nghiệp có mức vốn từ 100 triệu đến 1 tỷ Yên, tăng 4%; các doanh nghiệp có mức vốn trên 1 tỷ Yên tăng 15%. Khảo sát này còn cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp trong quý II năm nay tăng 12,9%, quý tăng trưởng thứ 12 liên tiếp...Đầu tư vốn của các doanh nghiệp trong tài khoá kết thúc ngày 31/3/2005 tăng 26,7%, năm tăng trưởng thứ 2 liên tiếp. Đây là tỷ lệ tăng cao nhất kể từ tài khoá 1968, năm có tăng trưởng vốn ở mức 74,8%.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang đi đầu trong sự phục hồi ổn định nền kinh tế, phù hợp với tuyên bố mới đây của chính phủ rằng đã có sự trỗi dậy sau một thập kỷ phát triển kinh tế trầm lắng.
Chính phủ bắt đầu cải cách kinh tế lớn
Theo kết quả xếp hạng của tạp chí Forbes, Nhật Bản đứng đầu châu Á về số công ty kinh doanh thành đạt nhất trong năm 2005. Xem xét qua 500 công ty lớn có số vốn ít nhất 900 triệu USD trở lên ở khu vực này, Forbes xếp 50 công ty lớn nhất và kinh doanh thành đạt nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Nhật Bản có 13 công ty lọt vào danh sách 50 công ty. Các công ty này không chỉ có quy mô kinh tế lớn nhất, có tốc độ tăng trưởng bền vững mà còn có hiệu quả kinh doanh cao.
Theo báo cáo của BOJ, giá trị tài sản của các hộ gia đình ở Nhật Bản đã tăng tới mức kỷ lục 1.433 nghìn tỷ Yên, do thu nhập trong các gia đình tăng trong bối cảnh kinh tế phục hồi.
Nhà kinh tế chủ chốt TJ Bond thuộc Merrill Lynch nhận định trong năm nay Nhật Bản có thể trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy xuất khẩu của châu Á. Nếu không kể Trung Quốc, xuất khẩu của các nước còn lại ở châu Á sang thị trường Nhật Bản đã chạm ngưỡng 18 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay.
Hàng xuất khẩu của các nước trong châu lục này sang Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng, cùng với việc mở rộng đầu tư và lợi thế cạnh tranh khi đồng Yên tăng giá. Hầu hết các đồng tiền ở châu Á vẫn gắn bó mật thiết với đồng tiền của đối tác hàng đầu ở châu lục này.
Giới phân tích cho rằng Nhật Bản có quan hệ chặt chẽ với các nước có mức lương thấp, nên sự phục hồi kinh tế ở Nhật Bản sẽ có lợi cho các nền kinh tế ở Đông Nam Á.
Đầu tư của Nhật Bản đã chiếm khoảng 10% trong tổng số vốn FDI vào ASEAN và các nền kinh tế công nghiệp hoá mới (NIE) ở châu Á. Nhiều công ty ở Nhật Bản là khách hàng chính đối với các sản phẩm châu Á. Nhiều loại hàng hoá, các mặt hàng lắp ráp đã qua xử lý tại ASEAN và Trung Quốc đã xuất sang thị trường Nhật Bản. Hoạt động kinh doanh của Nhật Bản với ASEAN đã chiếm 14,7% trong tổng giao dịch thương mại của nước này trong năm qua.
Nhật Bản đã công bố thành lập ngân hàng lớn nhất thế giới với việc sáp nhập tập đoàn tài chính lớn thứ hai ở nước này Mitsubishi Tokyo Financial Group với tập đoàn tài chính lớn thứ tư UFJ Holdings. Ngân hàng mới Mitsubishi UFJ đóng trụ sở tại
Cuộc sáp nhập này thể hiện sự phục hồi của ngành ngân hàng Nhật Bản sau một thời nợ nần chồng chất. Ngân hàng mới Mitsubishi UFJ có thể kiếm lời 735 tỷ Yên ( 6,5 tỷ USD) trong tài khoá tính đến tháng 3/2006. Trước đó, hai ngân hàng Mitsubishi Tokyo và UFJ thông báo lỗ ròng 139,3 tỷ Yên (1,23 tỷ USD) trong tài khoá tính đến tháng 3/2005.
Các nhà phân tích cho rằng Mitsubishi UFJ có thể không phải là ngân hàng lớn nhất thế giới trong thời gian dài. Chương trình của ông J. Koizumi tư hữu hoá ngành bưu điện (JP) sẽ được thực hiện từ ngày 1/11, thời điểm kết thúc kỳ họp đặc biệt của Quốc hội kéo dài 42 ngày.
Liên minh cầm quyền sẽ đệ trình 22 dự luật, trong đó có việc thông qua dự luật cải tổ ngành bưu điện. JP đảm bảo 3 dịch vụ gồm bưu điện, chuyển tiền và gửi tiết kiệm, với số nhân viên lên tới 400.000 người và 25.000 bưu cục, hiện có tài sản lên tới 386.000 tỷ Yên (3.600 tỷ USD), nắm khoảng 265.000 tỷ Yên tiền gửi tiết kiệm cá nhân, chiếm khoảng 30% tổng số tiền gửi tiết kiệm trong cả nước.
Chương trình tư nhân hoá JP sẽ cho ra đời một ngân hàng lớn hơn Ngân hàng Mitsubishi UFJ. Đây là một trong những mục tiêu đầy tham vọng trong chương trình cải cách kinh tế được ông J.Koizumi cam kết trong cuộc vận động tranh cử.
TBKTVN