Là “bệnh nhân” hay “phạm nhân” Nguyễn Công Trí?
Ngày 23/7, cùng lúc “bom tấn” nhà thiết kế thời trang tiếng tăm Nguyễn Công Trí bị bắt quả tang sử dụng trái phép chất ma túy tại căn nhà ở phường Tân Hưng, TP.HCM thì tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu "người đã nghiện ma túy là phạm tội".
Hiện Luật Phòng, chống ma túy vẫn xác định người nghiện là người bệnh cần hỗ trợ cai nghiện. Dự thảo luật sửa đổi đang đề xuất thay đổi tiếp cận, coi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi phạm tội để từ đó có căn cứ pháp lý xử lý phù hợp, kiểm soát nguồn cầu - người nghiện nhằm kéo giảm nguồn cung đang ngày một gia tăng.
Hầu hết ai cũng lấy làm tiếc cho cú trượt chân của nhà thiết kế thời trang tài năng Nguyễn Công Trí. Có thể nói, cho đến nay, Công Trí là nhà thiết kế Việt Nam thành công nhất trên thị trường thế giới. Cái tên Nguyễn Công Trí gắn liền với những bộ cánh lộng lẫy, tinh tế được nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới chọn lựa như Beyoncé, Miley Cyrus, Jennifer Lopez, Charlize Theron, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama, Rosé (Blackpink), Rebecca Ferguson… Các bộ sưu tập của Nguyễn Công Trí thường trình diễn ở Tokyo và New York Fashion Week - những sàn diễn thời trang danh giá toàn cầu.
Song, nếu để cần một sự cảm thông, thậm chí đã có lời chia sẻ với nhà thiết kế khi cho rằng đó chỉ là sai lầm của “một phút yếu lòng” thì thật… khó hiểu, khó chấp nhận.
Trong diễn biến được cơ quan chức năng công bố, từ tháng 6, công an đã bắt quả tang Nguyễn Quốc Trung (34 tuổi) có hành vi tàng trữ và mua bán cần sa, cocaine. Xin nhắc lại, là những chất ma túy trong danh mục cấm. Anh ta hoạt động qua mạng xã hội Telegram, Signal, sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng làm trung gian từ trước đến nay. Từ đường dây này, lực lượng chức năng tiếp tục mở rộng vụ án và phát hiện Nguyễn Công Trí và Trần Phú Long - quản lý của Nguyễn Công Trí - cùng sử dụng trái phép ma túy.
Như vậy, đâu chỉ là sai lầm do “1 phút yếu lòng” mà đã là hành vi lặp lại của “nhiều phút yếu lòng”, lại cùng sử dụng chất trái phép từ 2 người (bao gồm Trí và Long) trở lên trong đường dây có tổ chức bán, vận chuyển, mua, cùng sử dụng.
Tài năng là điều cần được công nhận, tôn vinh. Nhưng khi vượt qua lằn ranh đỏ, vi phạm những điều không được pháp luật cho phép, gây tác hại không chỉ lên nhân thân mà người thứ hai trở đi, tác động xấu lên đời sống xã hội thì tất cả đều phải công bằng trước công lý. Sai phạm cần bị trừng phạt.
Chưa kể, khi tên tuổi có sức ảnh hưởng xã hội rộng lớn, mọi hành xử, lời nói, cách sống của mình đều tác động nhất định đến một bộ phận công chúng. Do đó, càng đòi hỏi một sự giữ mình cần thiết. Ở đây, không nói đến khía cạnh pháp lý mà chỉ ở góc nhìn “đạo lý”, chắc chắn, hình ảnh, lối sống, sự lựa chọn của Công Trí đã khiến anh phải trả giá, ít nhất là trong mắt công chúng, xã hội.
Thực tế, hậu quả của những chất cấm, chất gây nghiện heroin, cocaine, methamphetamin đang ngày càng bào mòn một bộ phận người trong xã hội; nó vừa gián tiếp và cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những bất an trong đời sống hiện nay. Có quá nhiều vụ án giết người, làm chết người vì trong cơn nghiện, ảo giác, mất ý thức và cả trước khi cơn nghiện nổi lên, để có tiền mua chất cấm mà bất chấp, sinh ra đạo tặc.
Nếu không có biện pháp đối phó cứng rắn, chặn đứng từ gốc là “nguồn cầu” thì mạng lưới phân phối nhằm đáp ứng nguồn tiêu thụ cứ thế mở rộng, lan tràn, hủy hoại dần mòn đời sống, sự an toàn cho xã hội.
Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu bị phát hiện, người sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt hành chính tối đa 1 triệu đồng cùng với việc kể từ năm 2009, khi người sử dụng trái phép chất ma túy được xem là “bệnh nhân”, tức đã đã bỏ tội danh trong Bộ luật Hình sự thì số nghiện lập tức tăng vọt. Kéo theo tệ nạn xã hội cũng phức tạp hơn nhiều.
Đặt trong tình hình các loại chất gây nghiện đang ngày càng “tăng đô”, hệ lụy gây ra vô cùng nặng nề, phức tạp thì liệu chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính hay “nhân văn” theo kiểu tập trung về cơ sở cai nghiện, chữa bệnh, chữa lành đã đủ cho việc ngăn ngừa, hay kịp phòng trước khi chống?
Trong một phiên giải trình trước Quốc hội vào năm 2020, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm đã từng đưa ra tình trạng người nghiện “trí thức có, cán bộ có, thanh niên có, thậm chí trẻ em cũng có... ” và thật sự là vấn đề nan giải.
Sau 5 năm, hiện trạng ngày một phức tạp hơn, do đó, như đề xuất của Thủ tướng Chính phủ, công tác ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy phải bắt đầu từ việc kiểm soát người nghiện: "Người nghiện càng tăng thì nhu cầu ma túy càng tăng, kéo theo sự gia tăng nguồn cung. Do đó, ngăn chặn người nghiện là ngăn chặn phát triển nguồn cầu" - Thủ tướng Chính phủ nói.
Rõ ràng, khi sa chân vào nghiện ngập, nếu mỗi người không tự thấy mình là “bệnh nhân” để tự chữa, tự chống lại cơn nghiện thì con đường dẫn tới “phạm nhân” là rất gần. Một khi đã là “phạm nhân” thì cũng gần như chỉ có cách duy nhất để sớm “thấy bờ” là vượt lên trên cái “bệnh nhân” ấy để chống - chữa lại những cơn khát và cả những cơn đau, không chỉ thể chất mà còn tinh thần - cái giá phải trả không hề rẻ.
Nguyễn Công Trí cần tự mình chữa “bệnh nhân” trong mình ở bên kia ranh giới - nơi mà anh đã thành “phạm nhân”.
Quốc Học