Lạc quan về lĩnh vực nhà ở, Wall Street giữ đà tăng
Sắc xanh bao trùm thị trường ngay lúc mở cửa sau khi nhận được báo cáo cho thấy nền kinh tế đã thực sự tăng trưởng trở lại trong quý 3 dù tốc độ phục hồi có khiêm tốn hơn so với hai lần dự báo trước đó. Đà tăng như được tiếp thêm sức mạnh khi thị trường nhận được số liệu cho thấy doanh số bán nhà đã qua sử dụng Tháng 11 leo lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Tuy nhiên, các chỉ số chính dao động trong phạm vi hẹp vào suốt buổi chiều trước sự thiếu hụt của các thông tin chỉ dẫn.
Đây cũng chính là xu hướng giao dịch thời gian qua của Wall Street trong bối cảnh nhà đầu tư muốn bảo toàn lợi nhuận đã tích lũy được. Thị trường đã trỗi dậy hết sức mạnh mẽ kể từ Tháng 3 khi Chính phủ bơm số tiền kích cầu khổng lồ nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử.
Do đó, trong năm nay cả ba chỉ số chính đều đang duy trì đà tăng hai con số. Cụ thể, Dow Jones tăng 19%, S&P 500 tiến 23% và Nasdaq bay cao tới 42%. Riêng S&P 500 đã phục hồi tới 65.3% so với mức thấp ngày 09/03.
Theo giới phân tích, thị trường sẽ không biến động nhiều trong thời gian còn lại của tuần giao dịch ngắn. Dù vậy, cũng cần phải thận trọng với số lượng nhà đầu tư tham gia quá ít ỏi có thể khiến thị trường diễn biến bất thường. Theo đó, chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa sớm vào ngày Thứ Năm và nghỉ giao dịch trong ngày Thứ Sáu nhân dịp lễ Giáng sinh.
|
|
Nguồn: Reuters |
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones nhận thêm 50.79 điểm (0.49%) lên 10,464.93 điểm. Chỉ số S&P 500 đóng cửa tại 1,118.02 điểm, tương đương với mức tăng 3.97 điểm (0.36%). Chỉ số Nasdaq cộng 15.01 điểm (0.67%) lên 2,252.67 điểm.
Có thời điểm trong ngày, S&P 500 vượt qua được cột mốc quan trọng 1,120 điểm và suýt chạm mức cao 14 tháng. Theo nhận định từ giới phân tích thì sau khi phá vỡ được ngưỡng 1,120 điểm, mốc ngắm tiếp theo của S&P 500 sẽ là 1,200 điểm.
Chỉ số đo lường độ biến động VIX giảm mạnh 4.6% xuống 19.54 điểm, thấp hơn ngưỡng tâm lý quan trọng 20 điểm đồng thời là mức thấp nhất kể từ Tháng 8/2008.
Theo Hiệp hội các nhà bất động sản quốc gia (NAR), doanh số nhà đã qua sử dụng Tháng 11 tăng 7.4% lên 6.54 triệu đơn vị nhờ chương trình tín thuế trị giá 8,000 USD của Chính phủ và mua tài sản thế chấp trị giá 1.25 nghìn tỷ USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Theo các chuyên gia phân tích thì số liệu này là nhân tố tích cực cho thị trường nhưng thắc mắc lúc này là liệu thị trường nhà ở sẽ ra sao khi FED thu hồi chương trình mua tài sản thế chấp và Chính phủ cũng rút lại chương trình tín thuế dành cho người mua nhà.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ công bố Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III được điều chỉnh lần cuối cùng. Theo đó, nền kinh tế Mỹ trong quý III tăng trưởng với tốc độ 2.2%, thấp hơn so với mức dự đoán được công bố hồi tháng trước cũng như ước tính của các nhà kinh tế là 2.8%. Số liệu này cũng thấp hơn rất nhiều so với mức công bố lần đầu hồi Tháng 10 là 3.5% nhưng lại đánh dấu lần đầu tiên nền kinh tế tăng trưởng trở lại sau 4 quý sụt giảm liên tiếp.
Theo nhận định của Giám đốc Quản lý quỹ Abigail Doolittle của Công ty Tư vấn Johnson Illington thì: “Theo tôi, số liệu này là không quá bất ngờ đối với nhà đầu tư. Mọi người đều bằng lòng với thực tế rằng kinh tế đang thực sự tăng trưởng.”
Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 3.74%, giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 2 trên sàn NYMEX tăng 68 cent xác lập mức 74.40 USD/thùng.
Giá vàng COMEX giao Tháng 2 giảm 9.30 USD/oz xuống 1,086.70 USD/oz, đồng USD suy yếu so với đồng EUR và bảng Anh nhưng lại tăng so với đồng JPY.
Thị trường chứng khoán Á – Âu đồng loạt đón nhận sắc xanh trong phiên giao dịch cùng ngày (trừ Shanghai của Trung Quốc với mức giảm mạnh hơn 2%). Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0.65%, chỉ số DAX của Đức nhận thêm 0.28% và chỉ số CAC 40 của Pháp tiến 0.68%.
Phạm Thị Phước (Theo CNN Money, Reuters)