Lãi suất tiền gửi USD và VND: Biến động và dự báo
Kể từ đầu tháng 7/2007, lãi suất tiền gửi bằng USD đã đồng loạt tăng tại các NH. Còn 2 tháng gần đây, sau khi NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, có hai động thái trái chiều trong hệ thống NH về lãi suất tiền gửi VND. ThS Nguyễn Thanh Hà phân tích về những diễn biến tới đây của lãi suất USD và VND.
Nguyên nhân chính của động thái tăng lãi suất USD là gì?
Lãi suất USD còn tăng
Đó chính là nhu cầu vay USD để thanh toán hàng NK của các DN gia tăng khiến tăng cầu tiền gửi USD. Trong 6 tháng đầu năm nay kim ngạch NK ước đạt 27,23 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch XK ước tính đạt 22,45 tỷ USD, chỉ tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Thâm hụt thương mại 4,77 tỷ USD, chiếm 21,3% tổng giá trị XK. Thêm vào đó, tăng trưởng XK ở một số ngành then chốt (dệt may, giày dép, chiếm gần 20% tổng kim ngạch XK) của VN cũng tạo ra nhu cầu thanh toán bằng USD trong ngắn hạn do phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu NK. Cuối cùng, do chênh lệch lãi suất cho vay VND với USD khoảng gần 4-5%/năm (cho các kỳ hạn 3-6 tháng) cũng có thể DN tăng cường vay bằng USD rồi chuyển sang VND để sử dụng dù không hoạt động XNK.
Dự báo lãi suất tiền gửi USD có thể duy trì ở mặt bằng cao hoặc tiếp tục tăng trong 6 tháng tới. Tuy vậy, trong vòng 12 tháng tới vẫn xuất hiện yếu tố có thể tác động giảm lãi suất như việc NHTƯ Mỹ hạ lãi suất chủ đạo trong năm nay hay sự lan truyền tác động của thị trường tín dụng thế chấp đã bộc lộ rõ ràng khiến các NHTƯ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản phải hỗ trợ hàng trăm tỷ USD thanh khoản cho hệ thống NH và hạ lãi suất chiết khấu 50 điểm. Như vậy, vài tháng tới thay vì việc phải hạ ngay lãi suất huy động có thể dẫn đến giảm tăng trưởng nguồn huy động, các NHTM sẽ từng bước cơ cấu lại danh mục tiền gửi trên thị trường quốc tế để sử dụng cho các hoạt động cho vay ngoại tệ trong nước với nhu cầu cao. Rồi nếu lãi suất tiền gửi USD trên thị trường quốc tế có xu hướng giảm rõ rệt và nhu cầu vay ngoại tệ ổn định, lãi suất tiền gửi có thể giảm trong vòng 6 đến 12 tháng tới.
Đẩy lãi suất VND
Trong thời gian tới, các động lực trái ngược đối với xu hướng vận động lãi suất VND như sau: Tỷ lệ Dư nợ cho vay/Tổng tiền gửi của các NH hiện khoảng ở mức 0,63 - 0,65 cho thấy về tổng thê, các NHTM không phải chịu áp lực lớn về vốn khả dụng cho hoạt động tín dụng để tăng lãi suất mặc dù hoạt động tín dụng tăng trưởng vững gắn với mức tăng trưởng GDP 7 đến 8%. Tuy vậy, cũng phải xét đến yếu tố cạnh tranh về huy động vốn và tín dụng từ phía các NHTMCP mới nổi có thể gây sức ép đẩy lãi suất lên. Lạm phát cũng đang ở mức cao cũng sẽ khiến NHNN tăng cường các biện pháp kỹ thuật hoặc tiếp tục tăng dự trữ bắt buộc, gây sức ép tăng lãi suất. Thêm vào đó, diễn biến TTCK dự báo cho đến cuối năm sẽ rất khó lường và có áp lực gây giảm cả cung và cầu với Chỉ thị 03 về khống chế tỷ lệ cho vay cầm cố chứng khoán của các NHTM và xu hướng giãn tiến độ các đợt IPO của các DNNN lớn khiến lượng tiết kiệm trước đây đổ vào TTCK có xu huớng quay ngược lại hệ thống NH. Do đó, dự báo mặt bằng lãi suất dự kiến sẽ tăng không đáng kể trong vòng 1 năm song có thể tăng nhẹ trong những tháng tới.
dddn