Làm giàu từ năng lượng hạt nhân
Nga đang hy vọng trở thành nhà cung cấp chính cho EU, khi chi nhánh Atomstroyexport của Rosatom, tập đoàn hạt nhân quốc doanh của Nga, liên danh với Skoda của Czech để tham gia gói thầu mới trị giá 8 tỉ USD của EU, để xây hai lò phản ứng mới tại nhà máy Temelin thuộc Czech. Đây là dự án mới thứ hai, sau khi Rosatom xây một cơ sở nhỏ hơn ở Bulgaria.
Các nhà phân tích công nghiệp cho rằng dự án Czech sẽ trả lời câu hỏi: liệu các chiến lược giúp Rosatom trở thành nhà xây dựng nhà máy hạt nhân lớn nhất thế giới trong các thị trường đang nổi lên có thành công?
Theo các viên chức Nga, cho dù có sự cố nổ lò phản ứng hạt nhân ở Chernobyl năm 1986, nền công nghiệp hạt nhân Nga có bước tiến đột phá trong công nghệ những năm gần đây.
Một chi nhánh của Rosatom cung cấp khoảng 45% nhiên liệu hạt nhân cho các cơ sở ở Mỹ. Hiện khoảng 10% năng lượng ở Mỹ được tạo ra từ Nga.
Nga sở hữu khoảng 40% khả năng làm giàu uranium trên thế giới, nhiều hơn mức cần thiết cho các lò phản ứng trong nước. Làm giàu uranium là tăng lượng đồng vị 235 từ khoảng 0,7% trong uranium tự nhiên lên 3 đến 5% để làm nhiên liệu cho lò phản ứng dân dụng. Rosatom dự định tăng phần đóng góp vào thị trường nhiên liệu toàn cầu lên 25% vào năm 2025, từ mức hiện nay là 17%. Theo viện Năng lượng hạt nhân ở Washington, trong số 60 lò phản ứng đang xây dựng khắp thế giới, số lò Rosatom đang xây chiếm gần 1/3. Để đạt được mục tiêu này, Rosatom kết hợp cung cấp uranium làm giàu thấp với những dịch vụ như xây dựng lò phản ứng, và một lợi thế đặc biệt khác nữa: sẵn lòng thu gom chất thải hạt nhân từ các khách hàng, nhất là nếu họ mua lò phản ứng của Nga. Rosatom là một tập đoàn hoạt động khép kín, với các bộ phận khai khoáng uranium, làm giàu nhiên liệu, xây dựng lò phản ứng và thậm chí tháo dỡ những nhà máy cũ. Rosatom hy vọng tiếp tục thắng lớn trong kinh doanh bằng chiến lược kết hợp xây dựng lò phản ứng với những thoả thuận cung cấp nhiên liệu hay liên doanh để chuyển giao công nghệ cho nước khách hàng. Dự kiến chiến lược này được sử dụng cho gói thầu Czech.
Các chuyên gia nước ngoài khẳng định các đồ án Nga hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với thiết kế của các tập đoàn xây dựng nhà máy hạt nhân ở Mỹ và châu Âu. Để cạnh tranh tốt hơn với Areva, tập đoàn hạt nhân hàng đầu ở châu Âu, năm 2009, Rosatom thành lập một liên minh chiến lược với tập đoàn Siemens của Đức, sau khi Siemens bán một cổ phần trong Areva. Rosatom cũng đang cố gắng tận dụng ưu thế độc quyền trong nước để hỗ trợ xuất khẩu.
Tháng rồi, Rosatom ký kết thoả thuận với Trung Quốc để xây dựng hai lò phản ứng phức hợp đốt nhiên liệu dựa vào plutonium, và cựu Thủ tướng Nga Sergei Kiriyenko, hiện là giám đốc điều hành Rosatom, cho biết doanh số sẽ tăng gấp ba vào năm 2030, lên 50 tỉ USD mỗi năm.
Võ Phương (New York Times)
sài gòn tiếp thị