Tin tức
Lên, xuống như... cổ phiếu

Lên, xuống như... cổ phiếu

13/02/2006

Banner PHS

Lên, xuống như... cổ phiếu

Ngoài sự phản ứng nhanh nhạy của giá cổ phiếu với thông tin, thị trường chứng khoán Việt Nam đôi khi còn chứng kiến những bất ngờ hấp dẫn không khác phim ảnh...

Ngoài sự phản ứng nhanh nhạy của giá cổ phiếu với thông tin, thị trường chứng khoán Việt Nam đôi khi còn chứng kiến những bất ngờ hấp dẫn không khác phim ảnh...

 

Nếu bạn đã xem bộ phim nổi tiếng Sabrina của đạo diễn tài hoa Sydney Pollack với hai tài tử gạo cội Harrison Ford và Julia Ormond, hẳn bạn còn nhớ cái cách ông bố Sabrina kiếm được hai triệu đô la Mỹ. Rất đơn giản, ông chỉ cần để ý xem ông chủ của mình mua cổ phiếu nào, bán chứng khoán nào và làm y như thế.

 

Nhưng đâu phải ai cũng may mắn tìm thấy những người kinh doanh cổ phiếu giỏi ngay bên cạnh để làm theo. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đôi khi còn chứng kiến những bất ngờ hấp dẫn hơn phim ảnh.

 

Từ nguồn thông tin rò rỉ

 

Về cơ bản, giá cổ phiếu tăng lên khi công ty niêm yết công bố những thông tin tốt liên quan đến kinh doanh như mở rộng sản xuất; đầu tư; doanh thu, lợi nhuận tăng và ngược lại. Ngoài ra những thông tin như trả cổ tức, phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn, bán bớt tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ, cổ phiếu thưởng, tỷ lệ cổ phần người nước ngoài mua vào... cũng làm cho giá chứng khoán biến động.

 

Tuy nhiên, ở sàn giao dịch Tp.HCM, không phải đợi đến khi có thông tin, giá cổ phiếu mới thay đổi. Chúng luôn luôn tăng giảm trước khi thông tin được công khai rộng rãi và chính thức trên các phương tiện truyền thông. Đó là do thông tin bị rò rỉ.

 

Nói một cách khác, thông tin như những mạch nước ngầm li ti, len lỏi không ngừng suốt ngày đêm và chỉ những người kiên nhẫn, chăm chú theo dõi cộng với khả năng khám phá mới phát hiện ra được.

 

Chẳng hạn tháng 11 năm ngoái, giá cổ phiếu Gemadept đột nhiên cứ tăng, khối lượng đặt mua luôn nhiều hơn bán và không ít nhà đầu tư đã băn khoăn, đoán già đoán non: có thông tin gì. Sau đó tin Gemadept trả cổ tức bằng cổ phiếu râm ran. Cho đến khi giá cổ phiếu doanh nghiệp này từ khoảng 50.000 đồng “nhảy” lên hơn 65.000 đồng, thông tin râm ran kia mới được chính thức công bố.

 

Ngoài một số ít người ở Gemadept, ai nắm rõ thông tin trên? Các nhân viên môi giới ở các công ty chứng khoán. Ai đó đã nói môi giới chứng khoán có tai dài. Họ biết hút thông tin từ mọi phía và họ có điều kiện để kiểm chứng chúng. Với những doanh nghiệp được họ đích thân tư vấn niêm yết, thông tin họ lọc được càng nhanh và chính xác hơn.

 

Phản ứng dây chuyền

 

Gần đây, trên thị trường tự do, nơi giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (OTC), phản ứng của giá cổ phiếu với thông tin ngày càng trở nên nhanh nhạy. Thí dụ một doanh nghiệp dược thông báo lợi nhuận cả năm, ngay lập tức giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó và những công ty khác trong ngành thay đổi.

 

Vì sao? Vì các nhà đầu tư hiểu rằng một đơn vị lời hoặc lỗ, thì những công ty khác cùng ngành cũng có thể trong tình trạng tương tự. Tất nhiên điều kiện làm ăn của mỗi doanh nghiệp khác nhau, mức lời lỗ cũng khác nhau, nhưng họ vẫn có một số đặc điểm chung vì nằm trong môi trường kinh doanh như nhau, cơ chế như nhau. Do đó, sự chênh lệch giá cổ phiếu của những công ty cùng ngành đã không còn quá lớn.

 

Minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định trên là giá cổ phiếu ngân hàng. Đợt “sốt” cổ phiếu nhà băng đầu tháng 1/2006 và kéo dài khoảng 10 ngày bắt đầu bằng việc giá cổ phiếu Sacombank tăng mạnh sau khi có thông tin cổ đông của ngân hàng này sắp được mua thêm cổ phiếu mới theo tỷ lệ sở hữu hai cổ phiếu sẽ được mua thêm một với giá bằng mệnh giá.

 

Một, hai ngày sau, giá cổ phiếu những ngân hàng khác như ACB, Eximbank, VPBank, Đông Á... cũng tăng theo, giống như phản ứng dây chuyền. Khi giá cổ phiếu Sacombank từ 41.000 - 42.000 đồng “vọt” lên trên 50.000 đồng, thì trong con mắt giới đầu tư, giá cổ phiếu những ngân hàng khác, so với Sacombank, trở nên rẻ, trong khi các chỉ tiêu tài chính cũng như triển vọng phát triển của họ không kém Sacombank. Thay vì mua Sacombank, giới đầu tư bỏ tiền vào cổ phiếu những ngân hàng khác.

 

Cầu tăng, giá lên. Kết quả là giá cổ phiếu các ngân hàng đồng loạt tăng. Chỉ có điều mức tăng giá cổ phiếu từng ngân hàng không giống nhau. Có ngân hàng giá cổ phiếu tăng 25% - 30%, nhưng cũng có ngân hàng giá cổ phiếu chỉ tăng 5% - 10%, phụ thuộc vào tiềm lực thực tế của mỗi ngân hàng.

 

Chế ngự tâm lý

 

Thông tin, dẫu vậy, không phải lúc nào cũng được nhìn nhận với con mắt chuyên nghiệp. Đã có thời gian thông tin lùi bước trước tâm lý và hiện nay không phải yếu tố tâm lý đã hết cơ hội ngự trị. Song hiện tượng hầu hết các cổ phiếu niêm yết cùng tăng giá hoặc giảm giá (trừ cổ phiếu của một số doanh nghiệp thua lỗ triền miên, quá bê bết) đang mờ nhạt dần.

 

Đã có sự chuyển dịch: nếu giá cổ phiếu trên sàn “nóng” quá, nhà đầu tư chuyển sang cổ phiếu ngoài sàn OTC. Nếu cổ phiếu OTC của những doanh nghiệp đã cổ phần hoá 2 - 3 năm cũng lên “cơn sốt”, nhà đầu tư tìm đến cổ phiếu các doanh nghiệp mới, qua các phiên đấu giá công khai. Tâm lý giá càng tăng càng lao vào mua, giá càng xuống càng mang ra bán đã được chế ngự ít nhiều.

 

Một ghi nhận khác: cổ tức và kỳ vọng tăng giá cổ phiếu đã được xếp ngang nhau. Trước đây yếu tố cổ tức tác động mạnh đến giá cổ phiếu. Không ít nhà đầu tư chỉ chăm chăm xem cổ tức họ nhận được mỗi năm bao nhiêu. Bây giờ thì khác. Cổ tức phải đi đôi với tầm cỡ, triển vọng phát triển của doanh nghiệp và khả năng thu hút vốn của nước ngoài. Không thể phủ định trong sự tăng giá cổ phiếu ngân hàng có kỳ vọng các ngân hàng sẽ bán cổ phần cho nước ngoài.

 

Cũng không thể không chú ý rằng trong việc bỏ giá cao để trúng thầu đấu giá cổ phiếu của các doanh nghiệp dầu khí, có kỳ vọng những đơn vị này sẽ kinh doanh hiệu quả hơn hẳn những lĩnh vực khác.

 

Cổ phiếu của những doanh nghiệp tầm cỡ như Kinh Đô, Vinamilk đang được giao dịch trên sàn ở mức gấp 5 lần mệnh giá cho dù cổ tức chỉ 15% - 16%/năm (nếu mua với giá gấp 5 lần mệnh giá, cổ tức nhà đầu tư thực nhận chỉ còn xấp xỉ 3%/năm).

 

Kỳ vọng tăng giá đang bứt lên là dấu hiệu cho thấy nhận thức về chứng khoán của các nhà đầu tư trong nước đang được “nâng cấp” nhanh, là dấu hiệu để nuôi hy vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sắp kết thúc thời kỳ khởi đầu, chuẩn bị bước vào quỹ đạo phát triển thực sự.

 

Sài Gòn tiếp thị

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng