LHQ kêu gọi các nước đưa ra các gói kích thích kinh tế quy mô lớn
Tại một hội nghị quốc tế cấp Bộ trưởng về phát triển tài chính vừa diễn ra tại Đôha (Cata), Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố "Báo cáo về tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2009", trong đó kêu gọi các nước sớm đưa ra các gói kích thích kinh tế phối hợp chặt chẽ với nhau và có quy mô lớn, để đối phó với sự sa sút của kinh tế toàn cầu.
Các nhà kinh tế của LHQ cũng đề xuất cần "chỉnh đốn mạnh mẽ hơn" đối với các thị trường và tổ chức tài chính, đảm bảo cung ứng đầy đủ tiền mặt và rà soát lại hệ thống dự trữ quốc tế, cũng như quản lý kinh tế toàn cầu hiệu quả và tổng thể hơn, để tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng trong tương lai.
Báo cáo đưa ra các dự báo "kinh hoàng" về sự phát triển của kinh tế trên toàn cầu trong năm 2009, với thu nhập bình quân tính trên đầu người nói chung đều giảm. Đặc biệt, các nước đã phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, với GDP giảm 0,5%, so với mức tăng trung bình 5,3% tại các nền kinh tế quá độ và 4,6% tại các nước đang phát triển.
Sang năm 2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thế giới có thể không vượt quá 1%, so với mức 2,5% năm 2008, và 3,5-4% trong 4 năm trước đó. Mức tăng trưởng kinh tế giảm 1% tại Mỹ, 0,7% tại khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), và 0,3% tại Nhật Bản. Trong khi đó, các nền kinh tế như Ấn Độ, Braxin và Mêhicô sẽ phát triển với nhịp độ lần lượt là 7%, 2,9% và 0,7%. Tuy nhiên, LHQ cũng cảnh báo, trong bối cảnh tình hình quá bấp bênh như hiện nay, một kịch bản bi quan hơn hoàn toàn có khả năng xảy ra. Theo các chuyên gia LHQ, nếu cuộc khủng hoảng tài chính vẫn tiếp tục và lòng tin không được phục hồi trong lĩnh vực tài chính vào những tháng tới, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển sẽ giảm xuống 2,7% -đây là mức "nguy hiểm" trong việc duy trì những nỗ lực để giảm đói nghèo và ổn định tình hình chính trị-xã hội.
Mỹ đã đưa ra kế hoạch phục hồi kinh tế trị giá 700 tỷ USD và Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, đã đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ NDT (590 tỷ USD). Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đã bơm tiền vào hệ thống ngân hàng và giảm lãi suất, nhưng lòng tin vẫn chưa quay trở lại.
Ông Rob Vos, Giám đốc bộ phận phân tích và chính sách phát triển của LHQ, cũng là người phụ trách báo cáo trên, đánh giá gói khuyến khích tài chính trị giá khoảng 1-2% GDP trên quy mô toàn cầu sẽ đủ để ngăn chặn nguy cơ tăng trưởng âm. Ông dự báo, nếu các biện pháp kích thích kinh tế được xúc tiến, khả năng phục hồi sẽ đến vào năm 2010, trừ khi các thị trường tiếp tục giảm sút. Báo cáo của LHQ kêu gọi chính phủ các nước tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, sản xuất thực phẩm, y tế, giáo dục và các nguồn năng lượng tái sinh.
AFP