Loạt ông lớn dệt may ứng phó 90 ngày "vàng" hoãn áp thuế Mỹ
Giữa áp lực chia sẻ giá, cạnh tranh đơn hàng và rủi ro thuế quan, loạt doanh nghiệp dệt may lớn như Vinatex, Hòa Thọ, Huegatex, M10… đồng loạt "chạy nước rút" trong 90 ngày hoãn áp thuế. Thị trường Mỹ biến động buộc ngành may phải xoay trục, phân tán rủi ro và tìm điểm rơi cho quý 3/2025.
![]() Dệt may chạy đua 90 ngày trước khi chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể có hiệu lực - Ảnh minh họa
|
Tăng tốc sản xuất, chủ động đón sóng đơn hàng
Tại Hội thảo chuyên đề tháng 5, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) - ông Lê Tiến Trường nhận định cơ hội đơn hàng sẽ tập trung trong 6 tháng đầu năm, kéo dài đến hết quý 3/2025. Ông nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp cần hoàn thành ít nhất 2/3 kế hoạch lợi nhuận năm trong thời gian này để dự phòng cho những biến động nửa cuối năm".
![]() Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: Vinatex
|
Thực tế, trước hạn chót 90 ngày hoãn áp thuế của Mỹ (kết thúc ngày 10/07), nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc sản xuất, đàm phán lại lịch giao hàng, đồng thời mở rộng các thị trường mới để phân tán rủi ro.
Tổng Giám đốc May Đức Giang (Dugarco, MGG) Phạm Tiến Lâm cho biết Công ty đang tận dụng 90 ngày hoãn áp thuế để xuất hàng sang Mỹ. Khi đàm phán chia sẻ thuế quan, Nay Đức Giang linh hoạt theo loại hình hợp tác (FOB hay CM) và quy mô quan hệ đối tác, nhằm giảm thiểu chi phí.
Ngoài Mỹ, May Đức Giang mở rộng sang Australia, Nhật Bản và ghi nhận tín hiệu tích cực từ Trung Quốc. Doanh nghiệp tập trung vào khách hàng có giá trị gia tăng cao để ổn định sản xuất, tránh áp lực giá cả. Đơn hàng đã ổn định đến hết tháng 7, tiếp tục nhận thêm cho tháng 8 và 9.
Hòa Thọ (HTG) cũng điều chỉnh sản xuất hàng ngày để đáp ứng yêu cầu giao hàng đa dạng từ Mỹ, trong đó phần lớn yêu cầu giao hàng trước ngày 10/07 để tránh bị áp thuế. Sau mốc thời gian này, Hòa Thọ ghi nhận lượng đơn hàng cho tháng 8 trở đi giảm mạnh, do khách hàng Mỹ tạm hoãn đơn mới, cắt giảm số lượng, đàm phán giá thấp hoặc chuyển đơn hàng sang Bangladesh, Trung Quốc.
Dù vậy, Công ty cũng nhận được một số đơn chuyển dịch từ Trung Quốc, tập trung giao tháng 6-7, và đang chủ động chào hàng lấp khoảng trống sản xuất tháng 8. Với EU và Nhật Bản, đơn hàng đủ đến cuối năm 2024, Doanh nghiệp tiếp tục khai thác sâu 2 thị trường này.
May 10 (M10) có đơn hàng kín đến hết tháng 7, một số mặt hàng kéo dài đến cuối năm. Giám đốc Điều hành Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: "Khách yêu cầu giao sớm đầu tháng 7, buộc chúng tôi tăng ca". Ngoài Mỹ, M10 đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Nga, Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc, dù không bù đắp đủ thị phần Mỹ. Doanh nghiệp mở rộng nguồn nguyên liệu từ Ấn Độ, Đài Loan và các đơn vị trong Vinatex để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong khi đó, May Nam Định (NJC) giữ vai trò nguồn cung dự phòng chiến lược. Tổng Giám đốc Phạm Minh Đức chia sẻ khách hàng không giảm đơn mà tập trung tối ưu giá và kiểm tra xuất xứ, giúp Doanh nghiệp duy trì ổn định.
Áp lực giá lan rộng, khách hàng đồng loạt yêu cầu chia sẻ
Diễn biến chính sách thuế mới từ Mỹ đang gây áp lực rõ rệt lên đơn giá đơn hàng tại hầu hết doanh nghiệp. May Hưng Yên (Hugaco, HUG) hiện vẫn giữ đơn giá CM như trước, nhưng đã phải đàm phán chia sẻ giảm giá 1% với một số khách hàng Hàn Quốc. Tình hình đơn hàng kéo dài đến trung tuần tháng 8, và đơn vị đang tiếp tục tìm kiếm thêm hợp đồng mới.
Dệt May Huế (Huegatex, HDM) ghi nhận tỷ lệ chốt đơn hàng trong tháng 4 giảm so với cùng kỳ năm trước, phần lớn do ảnh hưởng từ tuyên bố áp thuế của Tổng thống Trump. Các khách hàng cũ đồng loạt yêu cầu chia sẻ giá, trong đó có đề nghị giảm 3-5% cho đơn hàng giao từ tháng 5-6.
Dù vậy, các đơn hàng quý 3 vẫn đang được thực hiện đúng tiến độ. Dệt May Huế đã lấp kín đơn hàng tháng 7 và tiếp tục nhận FOB trong quý 3. Riêng với nguyên phụ liệu Trung Quốc, các nhà cung cấp đã đồng ý giảm giá 25-27% để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giữ chân khách hàng nếu thuế quan có hiệu lực.
Đối với Hanosimex (HSM), dù quy mô nhỏ, chốt đơn hàng đến hết tháng 8 và hợp tác với Dệt May Huế để ổn định sản xuất đến cuối năm. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Bá Khánh Tùng nhận định giá cả từ tháng 8 sẽ cạnh tranh hơn, đòi hỏi cân đối kỹ lưỡng.
Trong khi đó, Dệt May Miền Nam (VSC) vẫn chưa giảm giá ngay dù có một số yêu cầu từ khách hàng. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Hùng Quý, đơn hàng tại Dệt May Miền Nam đã đủ cho đến hết tháng 8. Doanh nghiệp chủ động tăng tỷ trọng đơn hàng từ Anh và châu Âu trong bối cảnh thị trường Mỹ còn nhiều bất ổn. VSC cũng đang chờ thêm tín hiệu rõ hơn từ phía Mỹ để quyết định chính sách giá phù hợp.
Theo ông Quý, nếu mức thuế đối ứng chỉ tăng thêm khoảng 15-20%, thị trường Việt Nam vẫn có thể chấp nhận được. Doanh nghiệp kiến nghị cần đảm bảo minh bạch chứng nhận xuất xứ, nhất là với nguyên liệu từ Trung Quốc.
Thận trọng nhưng không bi quan
Bên cạnh những khó khăn về chi phí, các yêu cầu kỹ thuật, đánh giá xã hội, tiêu chuẩn chất lượng... cũng ngày càng siết chặt. Với Dệt May Huế, áp lực cạnh tranh được dự báo sẽ tăng mạnh trong quý 4 khi khách hàng đòi hỏi nhiều tiêu chí hơn, cả về trách nhiệm xã hội và hệ thống quản lý. Dù vậy, Công ty vẫn kỳ vọng tiếp tục giữ vững đơn hàng FOB và được hỗ trợ giá từ nhà cung cấp.
Hòa Thọ và May Đức Giang đang theo sát diễn biến thị trường Mỹ để quyết định chiến lược từ quý 3. May Hưng Yên và Dệt May Miền Nam cũng đã có kế hoạch sản xuất tới giữa quý 3, chủ động chuẩn bị kịch bản giá để phản ứng linh hoạt theo thị trường.
Tổng thể, các doanh nghiệp dệt may lớn đều đang tận dụng tối 90 ngày “vàng” hoãn áp thuế Mỹ. Việc mở rộng thị trường, đàm phán giá, giữ chân khách hàng và điều phối sản xuất linh hoạt là những chiến lược trọng tâm nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và hạn chế rủi ro cuối năm.
Thế Mạnh