Tin tức
Logistics Việt Nam bao giờ phát triển?

Logistics Việt Nam bao giờ phát triển?

14/07/2006

Banner PHS

Logistics Việt Nam bao giờ phát triển?

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư, dịch vụ logistics tại Việt Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ và sẽ còn phát triển mạnh hơn khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)...

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư, dịch vụ logistics tại Việt Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ và sẽ còn phát triển mạnh hơn khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Bước vào sân chơi toàn cầu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics sẽ có cơ hội phát triển nhanh. Tuy nhiên, cũng sẽ có không ít khó khăn, thách thức bởi quy mô của phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, nguồn nhân lực còn hạn chế nhiều mặt, thiếu kinh nghiệm thương trường...

Năm khía cạnh của logistics thế giới
TS. Lê Văn Bảy, Viện Kinh tế - Xã hội Tp.HCM

Những kiến thức về logistics và các hoạt động logistics mới thâm nhập vào Việt Nam trong thời gian gần đây, trước hết và chủ yếu thông qua hoạt động của các công ty vận tải giao nhận nước ngoài và một số người được đào tạo tại nước ngoài.

Thực tế thì logistics được vận dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, xã hội, quân sự và trong từng lĩnh vực đó mục tiêu, phạm vi hoạt động cũng như tiêu chí đánh giá là hết sức khác nhau. Nhìn từ góc độ vĩ mô, có thể hiểu logistics theo hai cấp độ cơ bản: cấp độ vi mô (trong lĩnh vực quản trị sản xuất của doanh nghiệp) và cấp độ vĩ mô như một ngành kinh tế.

Trên tầm vĩ mô thì điều quan tâm là xây dựng một mạng lưới logistics đa dạng, uyển chuyển cho phép chuyển tối ưu bộ phận sang tối ưu toàn bộ nhằm mục đích tối ưu hiệu quả của vòng quay tăng trưởng, vòng quay thu mua hàng hoá, sản xuất, phân phối bán hàng, vận tải, tái chế và sử dụng lại các nguồn nguyên vật liệu từ các công ty đơn lẻ đến toàn bộ ngành công nghiệp thông qua sự hợp tác.

Như vậy, hoạt động logistics đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, lưu thông, phân phối của toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt trong kinh doanh xuất nhập khẩu.

Mục tiêu cần đạt được của logistics trên bình diện quốc gia là khai thác tốt nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực quốc gia trong các hoạt động vận tải, giao nhận, lưu trữ hàng hoá và những hoạt động khác có liên quan. Để làm được điều này chúng ta cần xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics và một hệ thống các văn bản luật – kinh tế phù hợp điều chỉnh các hoạt động có liên quan đến logistics và dịch vụ logistics, tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự hoạt động và phát triển logistics cũng như dịch vụ logistics.

Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và mang tên dịch vụ logistics, nhưng doanh nghiệp dịch vụ logistics thực sự thì không nhiều. Nói một cách giản đơn theo nghĩa đen thì những nhà cung cấp dịch vụ logistics trọn gói Door to Door cho hàng hóa xuất nhập khẩu là những người tích hợp hàng loạt các dịch vụ vận tải giao nhận thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thành một chuỗi liên tục để đảm bảo hàng hóa được vận chuyển Door to Door.

Để có thể thực hiện những nghĩa vụ như vậy, trước hết họ phải là nhà kinh doanh vận tải đa phương thức (cho dù thực ra chỉ là người vận tải trên danh nghĩa). Sự phát triển để đảm nhận thêm một số hoạt động khác như lắp ráp, bảo quản phân phối mà nhà kinh doanh vận tải đa phương thức chuyển hóa thành nhà cung cấp dịch vụ logistics thực sự (LSP).

Theo quan điểm này và so sánh với cách phân loại theo cấp độ hoặc theo các gọi 1PL, 2PL, 3PL, 4PL thì chỉ các doanh nghiệp 3PL, 4PL mới đảm nhận được vận tải đa phương thức theo đúng nghĩa.

Trong logistics, hệ thống thông tin được sử dụng rộng rãi bao gồm POS (điểm bán hàng), hệ thống thông quan tự động, hệ thống phân và theo dõi luồng hàng, hệ thống EDI (hệ thống chia sẻ và trao đổi dữ liệu điện tử). Sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin trong thời gian qua đã giúp cho quá trình hoàn thiện logistics, quản trị kinh doanh và dịch vụ khách hàng phát triển mạnh mẽ.

Trong logistics các hoạt động mua hàng, sản xuất, phân phối và tiêu dùng, cùng với những phế thải phát sinh trong quá trình diễn ra các hoạt động trên sẽ gây tác động xấu ở mức độ khác nhau đến môi trường. Điều này yêu cầu phải có sự kiểm tra trong việc lựa chọn nguyên liệu, sự phù hợp trong khâu mua hàng, tính hiệu quả trong việc giao hàng và xử lý rác thải theo tinh thần: “Tái sử dụng, cắt giảm và tái chế”.

Trong xu thế toàn cầu hóa người ta tập trung nghiên cứu logistics trên 5 khía cạnh sau:

Thứ nhất, trong lĩnh vực sản xuất, logistics bao gồm những vấn đề như công nghệ, lao động, nhu cầu và dung lượng thị trường.

Thứ hai là khía cạnh chi phí. Chi phí mặt bằng, cơ sở vật chất, chi phí sản xuất và phân phối hàng hoá cần được xem xét trong logistics và trong việc lên kế hoạch, tổ chức cung ứng ra thị trường. Chi phí trong cung ứng phân phối hàng hoá và trong vận chuyển nên được tách riêng.

Thứ ba là dịch vụ. Chất lượng trong dịch vụ, trong các khoản trợ cấp của Chính phủ, các khoản thuế và dịch vụ công ích đều là những yếu tố quan trọng tác động đến việc duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế.

Thứ tư là cơ sở hạ tầng trong logistics gồm: cơ sở vật chất kỹ thuật; cơ sở hạ tầng thông tin; pháp luật và chính sách quản lý; logistics nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

Thứ năm là lĩnh vực an ninh. Tội phạm, tai nạn, tranh chấp, an ninh trật tự cũng như rủi ro trong nước... gây ra thách thức cho an ninh logistics.

Phát triển cảng biển để phát triển logistics
TS. Mai Xuân Thiệu, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Bông Sen (Lotus)

Hệ thống giao thông vận tải là cơ sở hạ tầng quan trọng trong việc phát triển dịch vụ logistics. Với tư cách nhà khai thác cảng biển, chúng tôi nhận thấy cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam còn yếu kém, kể cả đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường sông và đường biển. Điều này đã làm cho chi phí của dịch vụ logistics cao lên, làm ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như hiệu quả của dịch vụ logistics ở Việt Nam.

Phát triển cảng biển bao gồm việc phát triển hệ thống cầu cảng, kho bãi, cảng thông quan nội địa (ICD), đầu tư các phương tiện xếp dỡ, phương tiện vận chuyển hàng hoá trong cảng cũng như phương tiện vận chuyển hàng hoá từ ICD đến cảng và ngược lại, áp dụng các công nghệ thông tin. Phát triển logistics cũng gắn với quá trình phát triển hàng hải, với sự phát triển của phương thức vận chuyển bằng container, đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Các cảng cần đầu tư, hiện đại hóa để đủ sức tiếp nhận các tàu container thế hệ mới phù hợp với xu hướng phát triển hàng hải của thế giới.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, đường sắt, đường bộ, đường sông... cũng phải phát triển theo hướng này để đồng bộ hoá các khâu trong quá trình vận chuyển, giảm chi phí dịch vụ logistics, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ Việt Nam.

Do có vị trí rất thuận lợi, nằm ở mặt tiền của Tp.HCM hướng ra biển, khi cầu Phú Mỹ bắc qua sông Sài Gòn hoàn thành vào năm 2009, cảng Lotus như một chiếc cầu nối giữa miền Đông với miền Tây Nam Bộ, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Những năm qua, Lotus đã đầu tư, phát triển và hoàn thiện hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ quản lý giỏi, công nhân lành nghề, phục vụ tận tình, chu đáo, đảm bảo giải phóng hàng nhanh và an toàn... Lotus trở thành địa chỉ tin cậy của các hãng tàu và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, là một đầu mối quan trọng trong việc tiếp nhận các loại máy móc, thiết bị siêu trường siêu trọng, sắt thép, ôtô, hàng bách hoá, container... cho các doanh nghiệp ở Tp.HCM và các tỉnh phía Nam.

Hiện nay công ty có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, cầu cảng container có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 25.000 DWT, bãi chứa container rộng 10 ha, hệ thống kho trung chuyển, kho ngoại quan... có khả năng tiếp nhận và thông qua cảng trên 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Đồng thời với việc đầu tư, nâng cấp, hiện đại hoá phương tiện xếp dỡ, làm hàng container, Lotus rất quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác cảng và xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên lành nghề, sử dụng các hệ thống thiết bị hiện đại và hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý hàng hoá, xếp dỡ, lưu kho lưu bãi...

Chúng tôi cũng xác định logistics là một dịch vụ quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác cảng nên đã xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên để thực hiện dịch vụ logistics. Và hiện dịch vụ logistics đang được thực hiện rất hiệu quả tại cảng Lotus.

Chúng tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới cảng Lotus sẽ trở thành một đầu mối quan trọng để thực hiện có hiệu quả dịch vụ logistics, góp phần phát triển kinh tế thương mại hàng hải và dịch vụ đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Giải pháp phát triển dịch vụ logistics
Ông Nguyễn Hùng, Phó giám đốc Công ty kho vận miền
Nam (Sotrans)

Những năm gần đây, logistics bắt đầu thu hút sự chú ý của các cấp quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao nhận kho vận trong và ngoài nước. Các cảng container và sân bay của Việt Nam đã được đầu tư và quy hoạch theo chiến lược phát triển lâu dài, các tuyến đường bộ cũng được mở mang, nâng cấp.

Tổng cục hải quan cũng đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng/năm cho công nghệ thông tin, nâng cấp mạng nội bộ (LAN) và mạng diện rộng (WAN) tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Thủ tục khai hải quan điện tử đã được triển khai thí điểm tại một số địa phương và sẽ được áp dụng trên toàn quốc trong năm 2007. Các công ty cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới phần lớn đã có mặt tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tuy nhiên hạ tầng cơ sở và các trang thiết bị dành cho logistics còn yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ; hệ thống kho bãi quy mô nhỏ, rời rạc; các phương tiện, trang thiết bị như xe nâng hạ hàng hoá, dây chuyền, băng tải, phương tiện đóng gói mã hóa, hệ thống đường ống, đèn chiếu sáng... nói chung còn thô sơ; hệ thống vận tải đường không, đường biển, đường sắt, đường bộ và đường sông còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của hoạt động logistics.

Mặt khác, đa số các doanh nghiệp có quy mô tài chính vừa và nhỏ, ít hiểu biết về luật pháp quốc tế. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics chưa tạo được sự liên minh, liên kết, chỉ dựa vào năng lực sẵn có nên khả năng cạnh tranh thấp, thậm chí có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị trong ngành...

Tính minh bạch của các giao dịch liên quan đến quá trình sản xuất, vận chuyển, tồn kho và phân phối chưa cao đã tác động trực tiếp đến hiệu quả của quá trình logistics, làm phát sinh chi phí hoặc ảnh hưởng đến uy tín nhà cung cấp trong quá trình thực hiện logistics.

Để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ Logistics trong  quá trình hội nhập, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp sau.

Thứ nhất, Nhà nước cần đầu tư hợp lý cho các cảng, sân bay, cảng thông quan nội địa (ICD), đường bộ, đường sắt, đường sông, kho bãi, trang thiết bị, ngân hàng, bảo hiểm... theo một kế hoach tổng thể, có khả năng tương tác và hỗ trợ qua lại lẫn nhau một cách hiệu quả.

Thứ hai, đầu tư và nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải, khuyến khích vận tải container đường sắt, chú trọng đầu tư xây dựng cảng nước sâu trung chuyển khu vực.

Thứ ba, chuẩn hóa các quy trình dịch vụ logistics, thống kê logistics.

Thứ tư, xây dựng hành lang, khung pháp lý mở và chọn lọc, đảm bảo tính nhất quán, thông thoáng và hợp lý trong các văn bản, quy định liên quan đến lĩnh vực logistics với mục đích tạo cơ sở cho một thị trường logistics minh bạch.

Thứ năm, đẩy mạnh công tác đào tạo logistics tại các trường cao đẳng, đại học, trên đại học.

Thứ sáu, Hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS) cần năng động hơn trong việc quản lý bảo vệ quyền lợi hội viên, đặc biệt là trong việc đào tạo, gắn kết, thông tin, điều phối, hướng dẫn các thành viên tiếp cận và xâm nhập các thị trường nước ngoài. Cải tiến quy trình thủ tục hải quan - xuất nhập khẩu.

Thứ bảy, thúc đẩy và phát triển công nghệ thông tin, chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử trong thương mại/ khai quan điện tử (EDI) để tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin nhằm mang lại năng suất lao động cao, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tình trạng tiêu cực, gian lận trong thương mại, xuất nhập khẩu và hải quan.

Cuối cùng, các đơn vị trong ngành có thể xem xét khả năng sáp nhập và thành lập các đơn vị cung ứng dịch vụ logistics theo nhóm 3 - 4 đơn vị để đủ sức cạnh tranh với các công ty đa quốc gia.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực
Thạc sĩ Đỗ Xuân Quang, Phó giám đốc Công ty Vinafreight

Đối với bất cứ doanh nghiệp dịch vụ nào, nguồn nhân lực cũng chính là yếu tố quyết định sự thành công. Trong những năm gần đây, ngành dịch vụ logistic tại Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh chóng, từ một vài doanh nghiệp giao nhận quốc doanh của đầu thập niên 90, đến nay đã có hơn 600 công ty được thành lập và hoạt động trên cả nước.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM thì trung bình mỗi tuần một công ty giao nhận logistics được  cấp phép hoạt động hoặc bổ sung chức năng logistics.

Do phát triển nóng nên nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường logistic tại Việt Nam hiện nay trở nên thiếu hụt trầm trọng. Các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề trong ngành logistics hiện nay được thực hiện ở các cơ sở đào tạo chính thức, đào tạo theo chương trình Hiệp hội và đào tạo nội bộ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VIFFAS, chương trình đào tạo về logistics còn yếu và nhỏ lẻ, khoảng 15 - 20 tiết học trong môn vận tải và bảo hiểm ngoại thương, chủ yếu đào tạo nghiêng về vận tải biển và giao nhận đường biển. Tại các trường đại học, nghiệp vụ logistics trong giao nhận hàng không chưa được xây dựng thành môn học.

Trong thời gian qua, VIFFAS đã và đang kết hợp với các Hiệp hội giao nhận các nước Asean, các chương trình của Bộ Giao thông Vận tải, tổ chức các khóa đào tạo nghiệp vụ giao nhận, gom hàng đường biển, cùng với Trường cao đẳng Hải quan mở lớp đào tạo về đại lý khai quan, cấp bằng chứng chỉ cho các hội viên.

Về giao nhận hàng không, IATA thông qua Việt Nam Airlines đã tổ chức được một số lớp học nghiệp vụ và tổ chức thi cấp bằng IATA có giá trị quốc tế. Tuy nhiên, hiện chương trình này vẫn không tiến triển do tính không chính thức, số lượng hạn chế mang tính nội bộ và chưa có tổ chức bài bản trong chương trình đào tạo của hiệp hội.

Vì vậy cần phát triển nguồn nhân lực này theo hướng chính quy, chuyên nghiệp. Trong chiến lược dài hạn, đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng hỗ trợ, tài trợ, quan tâm trong xây dựng và hoạch định chính sách có tính định hướng, liên quan đến ngành logistics. Thực hiện các văn bản dưới luật nhằm hiện thực hóa bộ Luật thương mại, chương về logistics. Đề nghị mở các bộ môn và khoa logistics trong các trường đại học, cao đẳng kinh tế ngoại thương.

Tìm kiếm các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế cho các chương trình đào tạo ngắn hạn trong và ngoài nước. Phối hợp và tranh thủ hợp tác với các tổ chức FIATA, IATA và các tổ chức phi chính phủ khác để có nguồn kinh phí đào tạo thường xuyên hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần phải kết hợp chặt chẽ với Hiệp hội, thông báo với hiệp hội nhu cầu đào tạo nhân lực của mình để hiệp hội có hướng giải quyết.

Logistics Việt Nam còn nhiều yếu kém
Ông Vũ Xuân Phong, Tổng thư ký Hiệp hội giao nhận kho vận Việt
Nam

Đối với nền kinh tế quốc dân, logistics đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong sản xuất, lưu thông, phân phối. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, chỉ riêng hoạt động logistics chiếm từ 10-15% GDP của hầu hết các nước tại châu Âu, Bắc Mỹ và châu á -Thái Bình Dương.

Đối với doanh nghiệp, logistics có vai trò lớn trong việc giải quyết bài toán đầu vào và đầu ra sao cho hiệu quả. Logistics có thể thay đổi nguồn tài nguyên đầu vào hoặc tối ưu hóa quá trình chu chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ... Logistics còn giúp giảm bớt chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu của Viện Nomura (Nhật Bản), các doanh nghiệp logistics Việt Nam chỉ đáp ứng 1/4 nhu cầu thị trường logistics và thành phần gồm các công ty nước ngoài và liên doanh, các công ty giao nhận trong nước và vận tải tự túc của doanh nghiệp Nhà nước. Giá cả dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đối rẻ nhưng không chắc chắn và các công ty giao nhận địa phương kém phát triển đã làm cho tình trạng trở nên khó khăn hơn khi chiếm lĩnh thị trường logistic trong nước.

Theo đánh giá của VIFFAS, trình độ công nghệ logistics của Việt Nam so với thế giới còn yếu kém. Trong vấn đề vận tải đa phương thức như biển, sông, hàng không... vẫn chưa thể kết hợp một cách hiệu quả, chưa tổ chức tốt các điểm chuyển tải. Trình độ cơ giới hóa trong bốc dỡ hàng hóa vẫn còn yếu kém, lao động phổ thông còn phổ biến. Công tác lưu kho còn lạc hậu so với thế giới, chưa áp dụng tin học trong quản trị kho như mã vạch, chương trình quản trị kho...

Trước thực trạng này, tôi cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện công tác xây dựng cơ sở hạ tầng (đường biển, hàng không, bộ, sắt...), lập trung tâm logistics (trung tâm phân phối) tại các vùng trọng điểm kinh tế để tập trung hàng xuất và phân phối hàng nhập khẩu hay thành phẩm. Cần thay đổi và tiêu chuẩn hóa các qui định về cấp phép, điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn, vận tải đa phương thức, thay đổi thói quen bán FOB mua CIF làm suy yếu các công ty vận tải Việt Nam; thống nhất hóa và tiêu chuẩn hóa tên hàng và mã hàng hóa.

Các qui định hải quan về giấy phép NVOCC, đại lý khai quan, chứng từ xuất nhập khẩu phải phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực; khuyến khích sử dụng tin học trong logistics... Đặc biệt cần phát triển nguồn nhân lực và Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy phát triển logistics ở Việt Nam.

TBKTVN

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Phú, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh 

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng