Tin tức
Lời giải mới cho bài toán vốn của startups Việt

Lời giải mới cho bài toán vốn của startups Việt

19/07/2025

Banner PHS

Lời giải mới cho bài toán vốn của startups Việt

Không tài sản đảm bảo, thiếu lịch sử tín dụng, vận hành phi truyền thống là những rào cản khiến nhiều startup Việt gần như khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, bước đi tiên phong từ những ngân hàng đang dần thay đổi cách tiếp cận cho thấy điều tưởng chừng không thể đang dần thành hiện thực.

Tại tọa đàm “Banking Innovation for Startups” chiều ngày 18/07/2025, các startup tăng trưởng nhanh đã chia sẻ câu chuyện về hành trình tiếp cận vốn ngân hàng. Dưới góc nhìn của người trong cuộc, bài toán “startup vay vốn ngân hàng” đang dần có lời giải.

Các doanh nghiệp Startups chia sẻ trong phiên thảo luận chiều ngày 18/07/2025.

Khó khăn khi startups tiếp cận ngân hàng

Đối với các startup, vốn không chỉ là yếu tố sống còn mà còn là động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, bài toán gọi vốn không phải lúc nào cũng chỉ xoay quanh các vòng đầu tư mạo hiểm (venture capital). Vay vốn ngân hàng với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với pha loãng cổ phần đang ngày càng được giới sáng lập startups quan tâm.

“Với mỗi dự án, M Village cần tới 20 tỷ đồng đầu tư. Không có ngân hàng thì không thể triển khai”, ông Nguyễn Hải Ninh - Founder kiêm CEO M Village chia sẻ. Nhờ khoản vay trung hạn từ OCB, startup này có thể tiếp tục mở rộng mà không đánh đổi quyền kiểm soát công ty.

Tương tự, Buymed - nền tảng phân phối dược phẩm tại Việt Nam - cũng lựa chọn vay ngân hàng để giảm chi phí sử dụng vốn. Ông Nguyễn Hoàng - Co-founder kiêm CEO Buymed cho biết: “Chúng tôi có thể gọi thêm vốn đầu tư, nhưng không muốn bị pha loãng cổ phần. Vay ngân hàng là giải pháp hiệu quả nếu biết kiểm soát rủi ro và vận hành tài chính lành mạnh”.

Ecomobi - nền tảng kết nối KOLs/KOCs với nhãn hàng lại gặp khó ở dòng tiền, khi chu kỳ thu công nợ từ doanh nghiệp khá dài. Nhờ gói vay từ OCB, doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động ổn định và khai thác hiệu quả các mùa cao điểm doanh thu.

Dù vậy, không phải mọi khó khăn đều đến từ phía ngân hàng. Đại diện từ các doanh nghiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận một số điểm yếu cố hữu của startups Việt.

Đầu tiên là việc thiếu nền tảng tài chính. Nhiều doanh nghiệp chưa có giám đốc tài chính hoặc không đọc hiểu báo cáo tài chính chính là yếu tố cốt lõi để thuyết phục ngân hàng.

Thứ hai, chi tiêu không kiểm soát sau khi gọi vốn, dẫn đến việc mất cân bằng dòng tiền và không đủ điều kiện vay thêm.

Thứ ba là không xây dựng lịch sử tín dụng. Nhiều startup chưa từng vay vốn ngân hàng, khiến hồ sơ vay lần đầu khó được phê duyệt. “Nên bắt đầu từ khoản vay nhỏ, vài trăm triệu cũng được, để tạo tín nhiệm dần”, CEO Buymed đưa ra lời khuyên.

Bước chuyển mình từ phía ngân hàng

Trước những điễm nghẽn đó, một số ngân hàng đang dần thay đổi cách tiếp cận linh hoạt và thực tế với nhóm khách hàng này, như Ngân hàng OCB đã triển khai hình thức cho vay tín chấp trung hạn cho startups.

“Không yêu cầu tài sản đảm bảo, sẵn sàng đánh giá mô hình kinh doanh thay vì chỉ nhìn vào bảng cân đối kế toán là điều chúng tôi chưa từng thấy ở ngân hàng trong nước”, ông Trương Công Thành - Founder kiêm CEO Ecomobi nhận định.

Thay vì dùng chuẩn đo lường truyền thống, OCB tập trung đánh giá năng lực vận hành, kế hoạch kinh doanh và mức độ tăng trưởng của startups. Khi phát sinh các rào cản nội bộ như quy định về tài sản, ngân hàng cũng chủ động cùng founder tìm hướng đi mới như sử dụng vốn điều lệ làm căn cứ cho khoản vay.

Bên cạnh đó, tốc độ xử lý hồ sơ cũng được đánh giá cao. Ông Ngô Phước Nhật Khánh, Giám đốc ngân hàng số Liobank cho biết, nếu đầy đủ hồ sơ tài chính và kế hoạch sử dụng vốn, chỉ cần 1-3 ngày làm việc là có thể ra quyết định phê duyệt sơ bộ.

Mô hình hợp tác giữa ngân hàng và startups, nếu được nhân rộng, sẽ góp phần khơi thông dòng vốn trung hạn, điều mà hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang rất thiếu.

Tuy nhiên, để mô hình này bền vững, các founder cũng đặt kỳ vọng vào sự điều chỉnh cơ chế nội bộ của ngân hàng như: Chia nhỏ gói vay theo từng cấp độ phát triển của startups, thay vì đánh giá chung một mặt bằng; thay đổi KPI cho đội ngũ tín dụng, để khuyến khích thử nghiệm và sáng tạo trong đánh giá rủi ro; tạo ra sản phẩm tài chính phù hợp hơn với đặc thù startups, chẳng hạn gói vay mua lại cổ phần từ nhà đầu tư, hỗ trợ IPO, kết nối đối tác quốc tế...

“Chúng tôi tìm vốn, nhưng điều quan trọng hơn là tìm sự đồng hành”, CEO M Village khẳng định.

Kết nối giữa ngân hàng và startups đang dần trở thành hành động cụ thể. Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực, việc khơi thông dòng vốn qua hệ thống ngân hàng sẽ là chìa khóa then chốt để mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới cho nền kinh tế số.

* CEO OCB Phạm Hồng Hải: "Chúng tôi tìm kiếm kỳ lân tương lai từ những startup hôm nay"

Cát Lam

FILI - 11:14:04 19/07/2025

Banner PHS
Logo PHS

Trụ sở: Tầng 21, Phú Mỹ Hưng Tower, 08 Hoàng Văn Thái, Phường Tân Mỹ, Thành phố Hồ Chí Minh
(cũ: Phường Tân Phú, Quận 7)

(Giờ làm việc: 8h00 - 17h00 hàng ngày - trừ thứ 7, chủ nhật và các ngày lễ) 

1900 25 23 58
support@phs.vn
Kết nối với chúng tôi:

Đăng ký nhận tin

Tải app PHS-Mobile Trading

Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú HưngCông ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng